Những mảnh đời đổi thay

Ngôi nhà KOTO và bệ phóng cho những ước mơ

Hơn 500 trẻ lang thang cơ nhỡ được học nghề tại KOTO, nay đã trở thành nhân viên, quản lý tại nhà hàng khách sạn đẳng cấp quốc tế.
Được thành lập từ năm 1999, đến nay đã 12 năm, KOTO được biết đến ban đầu như một tổ chức phi lợi nhuận, một trường đào tạo nghề nhân đạo sở hữu chuỗi nhà hàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, KOTO chỉ nhận trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn về đào tạo nghề dịch vụ nhà hàng, khách sạn và hướng nghiệp cho các em. [Hoàng gia Đan Mạch tặng trường KOTO 10.000 USD] Từ cô bé lang thang Trải qua hơn một thập kỷ, với cam kết "Know One, Teach One" - "Biết một dạy một", KOTO đã giúp đỡ và chứng kiến nhiều mảnh đời thay đổi, đó là niềm tự hào của Koto. "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có ngày hôm nay," chị Nguyễn Thị Thảo, 28 tuổi, hiện là Giám đốc điều hành nhà hàng Pots’n pans tại 57 Bùi Thị Xuân (Hà Nội), bắt đầu câu chuyện của mình. Nghỉ học từ năm lớp bảy, Thảo, cô bé 13 tuổi phải lang thang bán bưu thiếp cho khách du lịch bên hồ Hoàn Kiếm gần 12 tiếng một ngày, trong suốt 2 năm trời để trang trải cuộc sống và chia sẻ gánh nặng vì gia đình quá nghèo. Cho đến một ngày "ông trời" đã mỉm cười với chị khi đưa chị đến với trung tâm đào tạo nghề KOTO và là học viên của một trong những khóa đầu tiên tại trung tâm này. Sau một năm học nghề, Thảo vào làm cho khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội để học hỏi và thực hành năm 2002. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, ba năm sau, những bước ngoặt lớn đã đưa cuộc đời chị sang một trang mới. Nhận thấy những cố gắng và tài năng của cô gái trẻ, năm 2007, KOTO đã dành cho Thảo giải thưởng làm Đại sứ KOTO, đưa cô đến Melbourne, Australia vào tháng 6/2009 để học bằng Đại học ngành Quản lý Khách sạn tại trường Đại học Box Hill. Ngoài giờ học, cô cũng được giới thiệu vào làm việc cho khách sạn Sofitel Melbourne. Với những kinh nghiệm tích lũy được khi vừa học vừa làm, Thảo trở về Việt Nam, cùng KOTO nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho các bạn trẻ lang thang, có hoàn cảnh khó khăn bằng dự án khởi nghiệp là nhà hàng Pots ‘n Pans. Trong đó, 15 trên tổng số 20 nhân viên của chị là những bạn trẻ thiệt thòi đã thành nghề. Khi được hỏi tại sao không tiếp tục làm việc bên Úc để có thể phát triển hơn nữa, chị Thảo nói: "Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm, trách nhiệm với những gì mình đã được nhận và trách nhiệm với xã hội. Tôi quay về để tiếp tục truyền đạt những gì mình có cho các em có hoàn cảnh như tôi. Tôi cùng các em sẽ nỗ lực không mệt mỏi để đem lại những tác động tích cực tới cộng đồng và môi trường. Một phần lợi nhuận của chúng tôi sẽ được tái đầu tư vào hoạt động từ thiện của KOTO và những dự án xã hội tương tự khác". Vậy là, cô bé 13 tuổi lang thang kiếm sống ngày nào nay đã là một người phụ nữ thành đạt, chín chắn, ý thức sâu sắc về trách nhiệm và ý nghĩa công việc mình đang làm. Nỗ lực thay đổi thế giới Ông Jimmy Phạm, 40 tuổi, một Việt kiều Australia đã sáng lập ra KOTO với phương châm "Cách giúp họ tốt nhất là dạy họ câu cá chứ không phải cho họ con cá".
Ngôi nhà KOTO và bệ phóng cho những ước mơ ảnh 1

Các bạn trẻ được dạy và thực hành tại lớp học KOTO. (Ảnh: PV/Vietnam+)
KOTO tích cực tìm kiếm các bạn trẻ độ tuổi từ 16 - 22 có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, xét duyệt kỹ lưỡng điều kiện, nhân thân, khả năng để đảm bảo các em có thể theo học. Không chỉ đào tạo nghề bao gồm: nấu ăn, kỹ năng phục vụ, quản lý nhà hàng, khách sạn, KOTO còn giúp các em có kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, học tiếng nước ngoài... Cứ như thế đến nay, "KOTO đã đào tạo được hơn 500 học viên có hoàn cảnh đặc biệt, được cấp chứng chỉ của Viện Huấn Nghệ Box Hill-Australia công nhận. Thông qua các đối tác quốc tế, 100% học viên thành nghề có công việc ổn định tại các nhà hàng, khách sạn có uy tín, thậm chí họ còn là những nhân viên xuất sắc, quản lý trẻ tại một số nhà hàng, khách sạn đẳng cấp quốc tế," bà Kate Harden, Giám đốc phụ trách nhân sự tại KOTO, tự hào. Tuy nhiên, theo ông Jimmy Phạm, phương pháp dạy cho các em "biết câu cá" vẫn là chưa đủ, KOTO muốn hướng dẫn các em cách để thành lập các nhà hàng và dạy cả những người khác "câu cá". Ngoài ra, Koto sẽ mở rộng đào tạo cả những bạn trẻ khác có sự đam mê với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Nói về điều này, ông Martin Tran, Giám đốc Marketing KOTO cho biết, KOTO vừa có bước chuyển mình mới với tầm nhìn xa hơn bằng việc tái cấu trúc tổ chức, chuyên biệt hóa các mảng: đào tạo, kinh doanh, phục vụ tiệc, phát triển nhà hàng trực tuyến. Việc này nhằm khắc phục những khó khăn về kinh tế, không phải dựa vào các nguồn vốn tài trợ, tạo đà xây dựng, phát triển mạnh hơn mô hình hoạt động hiện nay để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các bạn trẻ khó khăn. Cũng giống như chị Thảo, hiện các cựu học viên thành đạt của KOTO đang cùng chung tay hợp tác thực hiện các dự án doanh nghiệp xã hội theo mô hình của KOTO để mở rộng phạm vi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, trau đồi những tài năng và ước mơ có thể thay đổi được thế giới./.
Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục