Ngừng hoạt động sàn giao dịch vàng trên toàn quốc

Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là 90 ngày, kể từ hôm nay, phải chấm dứt kinh doanh sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 369/TB-VPCP, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là 90 ngày, kể từ 30/12/2009, phải chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước.

Để tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rà soát lại tất cả các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình Chính phủ ban hành một nghị định quản lý đối với vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý đối với loại hàng hóa đặc biệt này.

Hiện nay, cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức theo 4 hình thức. Tại mỗi sàn, doanh số giao dịch mỗi ngày lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Hình thức thứ nhất là do ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng như Trung tâm giao dịch Vàng Á Châu, Phương Nam, Sacombank, Việt Á...

Hình thức thứ hai là do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm giao dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...

Hình thức thứ ba là do các tổ chức cùng với ngân hàng tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, như Trung tâm giao dịch Vàng Việt Nam...

Hình thức thứ tư là do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Ðạt...

Mô hình giao dịch vàng tại một số sàn vàng ở Việt Nam hiện này là khách hàng muốn tham gia kinh doanh chỉ cần ký quỹ một lượng tiền rất nhỏ (7%) giá trị giao dịch, số còn lại được ngân hàng (phục vụ sàn vàng) cho vay và như vậy người kinh doanh có thể thực hiện lệnh mua/bán gần gấp 14 lần lượng vốn mình có.

Về nền tảng cho hoạt động của sàn vàng, người đầu tư và chủ sàn giao dịch chỉ kinh doanh dựa vào nền tảng khá mong manh và thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế, kỹ thuật và hiểu biết, dường như chỉ dựa vào niềm tin để kinh doanh là chính.

Vì thiếu khung pháp lý chặt chẽ, nhà cung cấp “sàn vàng” luôn trong tình trạng "vừa làm vừa lo", còn nhà đầu tư thường bị thua thiệt khi có tranh chấp. Trong điều kiện như vậy, loại hình kinh doanh sàn vàng hiện nay là khá rủi ro cho giới đầu tư và cả hệ thống tài chính.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một quyết sách đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, khi mà những rủi ro của sàn vàng đã bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi tăng cường sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này. Bởi các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng đều có ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng là đồ trang sức vẫn được phép tiến hành bình thường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Nhưng để hoạt động này đi vào nề nếp và đúng quy định, Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được yêu cầu phải tổ chức và hướng dẫn cụ thể.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định số 3/2006/QĐ-NHNN ngày 18/1/2006./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục