Người dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ nghề săn rắn mối mùa nước nổi

Rắn mối có giá bán khá cao, hơn 300.000 đồng/kg. Nếu may mắn và lành nghề, mỗi người có thể bắt được từ 1-2kg/ngày, thu nhập vài trăm nghìn đồng.
Người dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ nghề săn rắn mối mùa nước nổi ảnh 1Anh Đào Công Sol (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) đi bắt rắn mối vào mùa nước lũ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Vào mùa nước nổi, hoạt động mưu sinh theo con nước của người dân ở vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp rất nhộn nhịp với nhiều nghề độc đáo; trong đó, phải kể đến nghề săn rắn mối, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong mùa lũ.

Rắn mối là loài bò sát bốn chân, sống chủ yếu ở những lùm cây, bụi rậm hay những khu đất hoang. Khi mùa lũ về, nước ngập, không còn nơi trú ẩn, rắn mối tập trung vào những bụi rậm ven các tuyến đê bao.

Tận dụng điều này, nhiều người dân địa phương đi câu rắn mối để làm thức ăn và bán cho các quán ăn, nhà hàng. Tuy nhiên, để bắt được những con rắn mối nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện này là việc vô cùng khó khăn.

Tranh thủ thời gian nông nhàn trong mùa lũ, anh Đào Công Sol ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự đi câu rắn mối ở các tuyến đê bao của địa phương.

Người dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ nghề săn rắn mối mùa nước nổi ảnh 2Rắn mối được bán với giá hơn 300.000 đồng/kg. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Theo anh Đào Công Sol, rắn mối có trong tự nhiên quanh năm, nhưng vào mùa nước nổi, không còn nơi ở nên tập trung về khu vực đất cao, việc bắt chúng thuận lợi hơn.

[Tiền Giang: Nuôi hươu sao lấy nhung cho thu gần 450 triệu đồng mỗi năm]

Rắn mối có thể chế biến được nhiều món ăn rất ngon nhưng nướng vẫn là món truyền thống, dễ làm, được nhiều người chọn. Rắn mối sau khi làm sạch, nướng trên than hồng, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, rất hấp dẫn.

Điều đặc biệt là dù câu rắn mối nhưng chỉ có cần câu mà không có lưỡi câu. Anh Sol dùng một cây cần câu có thiết kế rỗng ở giữa để luồn sợi dây. Sợi dây này được buộc chắc chắn ở đầu cần câu như một sợi dây thòng lọng để giật, xiết giữ rắn mối. Khi thấy rắn mối, anh nhẹ nhàng tiến sát lại, từ từ đưa dây thòng lọng ngang bụng con rắn mối, sau đó dùng tay giật mạnh dây để xiết gọn chúng.

“Trước đây, tôi thường dùng mồi câu nhưng hiện nay rắn mối nhút nhát, khó dính nên tôi sử dụng cách dùng dây thòng lọng dễ bắt chúng hơn” - anh Sol cho hay.

Anh Trần Văn Long cũng là một trong những người có kỹ thuật câu rắn mối khá điêu luyện ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự. Chúng tôi có dịp theo chân anh Long đi câu rắn mối trên tuyến đê bao, xung quanh là đồng nước mênh mông, chưa tới 20 phút, anh đã bắt được gần 10 con to, béo, vàng tươi.

Người dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ nghề săn rắn mối mùa nước nổi ảnh 3Người dân xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự đi câu rắn mối vào mùa nước lũ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Anh Trần Văn Long chia sẻ: “Cùng với căn chỉnh chuẩn sát vòng dây thòng lọng lúc đưa vào gần con rắn mối, tôi còn huýt sáo để cho nó chú ý, ngẩng đầu lên rồi đưa vòng dây vô thân rắn mối và giật sẽ dễ trúng hơn.”

Theo nhiều người săn rắn mối ở huyện Hồng Ngự, thịt rắn mối rất thơm ngon, béo nhẹ, chế biến được nhiều món ăn như: chiên giòn, xào sả ớt, xào nghệ, nướng muối ớt… được nhiều thực khách ưa thích. Rắn mối có giá bán khá cao, hơn 300.000 đồng/kg.

Nếu may mắn và lành nghề, mỗi người có thể bắt được từ 1-2kg/ngày, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Với giá trị kinh tế mang lại, hiện nay, đã có nhiều người thực hiện mô hình nuôi rắn mối để bán thương phẩm nhưng chất lượng thịt không ngon bằng rắn mối tự nhiên nên giá bán thấp hơn./.

Người dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ nghề săn rắn mối mùa nước nổi ảnh 4Các món ăn được chế biến từ rắn mối được nhiều thực khách ưa thích. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục