Tiền Giang: Nuôi hươu sao lấy nhung cho thu gần 450 triệu đồng mỗi năm

Ngoài việc bán nhung và hươu giống, anh Nguyễn Hoàng Việt ở Tiền Giang đầu tư trang thiết bị để chiết xuất và chế biến nhung hươu thành các sản phẩm như nhung hươu ngâm mật ong, ngâm rượu...
Tiền Giang: Nuôi hươu sao lấy nhung cho thu gần 450 triệu đồng mỗi năm ảnh 1Anh Nguyễn Hoàng Việt cho hươu ăn. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Với tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, anh Nguyễn Hoàng Việt, sinh năm 1991, cư ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã lập nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao cho thu nhập gần 450 triệu đồng/năm.

Anh Việt cho biết ý tưởng lập nghiệp từ hươu sao xuất phát trong những chuyến đi tìm hiểu thị trường ở các tỉnh miền Trung khi anh còn là trưởng phòng marketing của một công ty sữa.

Khi thấy những đàn hươu được nuôi thuần dưỡng ở các gia đình để lấy nhung, anh đã tìm hiểu tập tính của loài hươu, cách chăm sóc, thức ăn… và thấy loài động vật hoang dã này có thể sống tốt với khí hậu, thổ nhưỡng các tỉnh miền Tây.

Sau khi tìm hiểu cẩn thận, năm 2019, anh Việt quyết định ra Hà Tĩnh mua 10 con hươu về nuôi. Tận dụng chuồng lợn cũ của gia đình, anh Việt cải tạo thành trại nuôi hươu bằng cách sử dụng thanh gỗ ngăn thành các ô có kích thước khoảng 2m2.

Để giữ vệ sinh trại hươu, anh Việt dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa để làm đệm lót cho các ô chuồng được sạch sẽ; mái chuồng cao để đủ độ khô thoáng. Sau thời gian khoảng từ 5-6 tháng, đệm lót sẽ được thay một lần.

Trại hươu nằm trong vườn bưởi của nhà nên đảm bảo được độ mát cho đàn hươu trong mùa Hè nắng nóng của Nam Bộ.

Theo anh Việt, để đàn hươu sinh trưởng tốt, người nuôi phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng gồm thức ăn xanh phù hợp với tập tính của hươu trong tự nhiên và thức ăn tinh. Thức ăn xanh của hươu gồm các loại cỏ, lá ổi, lá mít, lá mía…; thức ăn tinh gồm cám gạo, bột ngô, bột sắn.

[Triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi]

Loài hươu cũng thích ăn cỏ voi (loại cỏ mà nông dân miền Tây trồng cho bò ăn) nên anh Việt trồng cỏ trên 0,2ha đất và dùng máy xay nhuyễn ra.

Nếu nuôi hươu lấy nhung, khi hươu đực bắt đầu mọc nhung, người nuôi cần chú ý cho hươu ăn với chế độ dinh dưỡng cao hơn (tăng cường nhiều bột ngô) để nhung hươu đạt trọng lượng và giá trị cao.

Từ 10 con ban đầu, đến nay, đàn hươu của anh Việt đã phát triển lên 30 con. Theo kinh nghiệm của anh Việt, để đàn hươu phát triển tốt, không bị bệnh, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nuôi, giữ vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn không bị nhiễm bẩn (bùn, cát, héo úa…); đặc biệt là nắm kỹ thời điểm hươu động dục, sinh trưởng, thời gian cho cắt nhung để hươu không bị mất sức.

Đàn hươu của anh Việt khi được 2 năm tuổi thì đã bắt đầu cho nhung và thời gian cho nhung trung bình khoảng 15 năm.

Cứ 8 tháng, hươu đực được lấy nhung một lần, trung bình từ 500-800g/con với giá thị trường từ 13-15 triệu đồng/kg. Riêng đối với hươu cái, sau 2 năm nuôi sẽ được phối giống, sinh hươu con. Sau từ 3-4 tháng, hươu con có thể xuất bán nguồn hươu giống ra thị trường, với giá từ 12-15 triệu đồng/con hươu đực và từ 8-10 triệu đồng/con hươu cái. Mỗi năm, anh Việt xuất bán trên 10 hươu con ra thị trường.

Ngoài việc bán nhung và hươu giống, anh Việt đã đầu tư trang thiết bị để chiết xuất và chế biến nhung hươu thành các sản phẩm như nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu ngâm rượu, các sản phẩm cao hươu...

Nguồn hươu giống và các sản phẩm từ nhung hươu của anh Việt được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thu nhập từ đàn hươu của anh trên 450 triệu đồng/mỗi năm.

Tiền Giang: Nuôi hươu sao lấy nhung cho thu gần 450 triệu đồng mỗi năm ảnh 2Đàn hươu 30 con của anh Việt hiện đang phát triển tốt. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Ông Võ Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết kết quả thực tế cho thấy mô hình nuôi hươu có đầu ra ổn định, thu nhập hấp dẫn trong tình hình giá cả nhiều loại nông sản đang bị tụt giảm như hiện nay.

Ủy ban Nhân dân xã đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho anh Việt hoàn thành thủ tục thành lập Hợp tác xã nhung hươu Tiến Vua với số lượng xã viên ban đầu là 7 thành viên, trong đó có những hộ vệ tinh nuôi hươu bán sản phẩm cho anh Việt.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân xã Phú Kiết cũng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích anh Việt hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm từ nhung hươu hiện có để đạt tiêu chuẩn OCOP gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Tiền Giang đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhung hươu của hợp tác xã cũng như thúc đẩy việc phát triển mô hình nuôi hươu trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục