Người dân tự phát về quê tránh dịch: Cần có giải pháp căn cơ, an toàn

Khi Hà Nội áp dụng việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, họ không có việc làm, không có thu nhập nên về quê dù biết Thái Bình không tiếp nhận người dân trở về từ vùng dịch.
Người dân tự phát về quê tránh dịch: Cần có giải pháp căn cơ, an toàn ảnh 1Thái Bình đón học sinh từ vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh trở về an toàn, được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào Khu cách ly tập trung Đại học Thái Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Hàng trăm lao động tự do mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và với bộn bề khó khăn đã khiến nhiều người liều mình, bất chấp quy định phòng, chống dịch rủ nhau quay về quê hương.

Dù mong muốn được quay về quê là chính đáng, nhưng những hành động tự phát này đã vi phạm quy định giãn cách mà nhiều địa phương đang áp dụng, vô tình gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu tự phát

Cách đây vài ngày, hàng chục người dân căng bạt, căng chiếu, nằm ngồi vạ vật vì bị chặn lại nơi cửa ngõ vào tỉnh Thái Bình, trước các chốt kiểm soát dịch liên ngành của tỉnh như khu vực cầu Triều Dương (giáp ranh với tỉnh Hưng Yên) và cầu Tân Đệ (giáp ranh với tỉnh Nam Định)...

Đây là người dân của tỉnh Thái Bình đã đến Hà Nội làm các công việc như thợ xây, phụ hồ, dọn nhà cửa, trông trẻ... Khi Hà Nội áp dụng việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, họ không có việc làm, không có thu nhập nên về quê dù biết Thái Bình không tiếp nhận người dân trở về từ vùng dịch.

Đến các chốt kiểm soát dịch liên ngành của tỉnh Thái Bình, những người này bị yêu cầu phải quay đầu, lâm vào tình trạng "đi không được, ở không xong."

Trước sự việc trên, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Hà Tiến Thăng cho biết người tự phát trở về từ vùng dịch đã vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy định của thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình về phòng, chống dịch.

[Nghệ An hỗ trợ đưa người dân từ vùng dịch COVID-19 trở về]

Tuy nhiên, xét thấy những trường hợp này đang gặp nhiều khó khăn nên tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phân loại, đưa họ đến cách ly tập trung theo từng huyện ngay trong tối 30/8. Quyết định đón những công dân đã "trót" quay về quê hương khi không còn đường lui của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là rất nhân văn, kịp thời giải quyết được vấn đề trước mắt.

Tuy nhiên, ông Hà Tiến Thăng khuyến cáo tất cả mọi người, trong đó có những người Thái Bình đang ở xa cần tuyệt đối chấp hành nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch của Chính phủ với phương châm “ai ở đâu, ở yên đó,” cũng như không gây thêm khó khăn, áp lực cho quê hương.

Tỉnh Thái Bình vẫn kiên quyết thực hiện quy định không tiếp nhận người dân Thái Bình trở về từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Câu chuyện hồi hương và tình trạng lao động nghèo đồng loạt rời khỏi nơi cư trú khi bị thất nghiệp kéo dài đã diễn ra nhiều ngày qua. Trước sự hoành hành của dịch bệnh, hàng triệu người dân từ các miền quê đến các đô thị phát triển để tìm kiếm việc làm trở nên tứ cố vô thân. Họ không còn việc làm, không có tiền thuê nhà, ngay cả miếng ăn cũng chỉ có thể trông chờ vào sự cứu trợ của chính quyền và những người làm từ thiện.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc một lượng lớn lao động tự phát quay về quê sẽ gây áp lực cho địa phương và làm ảnh hưởng đến mục đích phòng bệnh chung cho cả cộng đồng.

Về việc này, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa và thấy việc người dân ở lại địa bàn cư trú, không tự do di chuyển sẽ tốt hơn cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đang giãn cách phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, chức hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ.

Người dân tự phát về quê tránh dịch: Cần có giải pháp căn cơ, an toàn ảnh 2Phó giáo sư Trần Đắc Phu-Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 lây qua nhau trong thời gian di chuyển về quê "tránh dịch." Tình trạng này tiếp diễn sẽ rất nguy hiểm nếu người dân tự ý trở về mà không biết mình đang mang theo mầm bệnh, có thể lây cho người trong gia đình và cộng đồng…

Cần có phương án đưa đón an toàn, khoa học

Trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan chính là giãn cách và hạn chế tiếp xúc.

Để chấm dứt tình trạng hồi hương tự phát và lâu dần sẽ thành phong trào, gây nguy hiểm cho cộng đồng và chính bản thân họ, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần phối hợp để có kế hoạch tổ chức hợp lý, đề ra phương án khoa học, mang tính lâu dài

Các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… cần phối hợp với các địa phương, mở cổng thông tin tiếp nhận, thống kê nhu cầu về quê của người dân; lên kế hoạch xét nghiệm, bố trí lực lượng chức năng và có phương tiện đưa đón khoa học, đảm bảo an toàn.

Khi về đến địa phương cần tiếp tục xét nghiệm và phân loại, những người đủ điều kiện có thể trở về cách ly tại nhà và được chính quyền địa phương giám sát…

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu trở về quê cũng phải nâng cao ý thức tự giác và tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Đặc biệt, không hành động tự phát, tổ chức hồi hương nếu chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Việc chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của người dân chính là điểm mấu chốt để chống dịch hiệu quả, góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục