Người nghèo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ khiến giá năng lượng sẽ tăng do nhu cầu vốn lớn, bắt buộc sẽ phải tăng giá điện kéo theo giá các mặt hàng khác tăng và những người nghèo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Tổ hợp nhà máy điện gió kết hợp điện mặt trời trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tổ hợp nhà máy điện gió kết hợp điện mặt trời trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Việc xây dựng các chính sách chuyển đổi năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính cần đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của chính sách đến các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tộc thiểu số, nữ giới, lao động kỹ năng thấp…

Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội.

Người nghèo sẽ bị chịu tác động lớn

Tháng 12/2021 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia tiên phong sau Nam Phi và Indonesia tham gia vào Tuyên bố Chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP). Việc tham gia JETP thể hiện nhận thức mạnh mẽ của hệ thống chính trị Việt Nam về sự cần thiết phải thúc đẩy hành động hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước khí hậu Glasgow…

Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Chúng ta có thể thấy rằng việc Việt Nam tham gia vào Tuyên bố JETP là cam kết hết sức mạnh mẽ và đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và của từng Bộ, ngành Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển bền vững và cùng với tiến bộ xã hội.”

4b6c7c329e8c37d26e9d-6443.jpg
Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của những cam kết trên, ta cũng nhận thấy rằng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiết hụt kỹ năng của người lao động, sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh; đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi năng lượng và các nỗ lực giảm lượng khí thải ví dụ như khả năng chi trả năng lượng xanh, sạch…,” ông Lưu Quang Tuấn nhận định

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú, Trưởng Phòng Phát triển Bao trùm, UNDP Việt Nam chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ khiến giá năng lượng sẽ tăng do nhu cầu vốn rất lớn, bắt buộc sẽ phải tăng giá điện, điều này kéo theo giá các mặt hàng khác, đầu tiên là thực phẩm. Tuy tác động cụ thể chưa biết trước được nhưng người nghèo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Cần cải cách hệ thống xan sinh xã hội

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu , Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng chuyển đổi thường tập trung vào năng lượng nhưng tác động của quá trình này liên quan đến cả xã hội (kinh tế-môi trường và xã hội), trong đó vấn đề việc làm, an sinh xã hội cần được xem xét.

“Khả năng tiếp cận nguồn lực, cơ hội trong quá trình chuyển đổi thường có sự khác biệt giữa các nhóm nên cần có sự điều tiết, chi phối của cơ quan hoặc tổ chức nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi mang lại cơ hội cho các bên liên quan…,” ông Linh nhấn mạnh.

4e0b82c95d77f429ad66-9859.jpg
Chuyên gia của UNDP Việt Nam chỉ ra những thách thức của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi bàn về chiến lược thay đổi để thích ứng, bà Đỗ Lê Thu Ngọc kiến nghị Việt Nam cần chuẩn bị cải cách hệ thống trợ cấp xã hội và an sinh xã hội để quá trình chuyển đổi năng lượng không làm tăng tỷ lệ và độ nghèo của người dân. Cơ chế an sinh xã hội sẽ khiến người dân ủng hộ các chính sách chuyển dịch xanh, chính sách khí hậu. Tuy nhiên cần phân biệt rõ an sinh xã hội (đền bù thất nghiệp) và đầu tư xã hội (đào tạo kỹ năng).

“Trong ngắn hạn, Việt Nam cần hỗ trợ các hộ gia đình yếu thế phải đối mặt với giá cả năng lượng và lương thực tăng cao. Còn về dài hạn, Việt Nam cần tăng sức chống chịu, an sinh xã hội, việc làm, tăng ngân sách cho an sinh xã hội,” bà Ngọc nói./.

Nhằm triển khai Tuyên bố JETP, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg (ngày 31/8/2023) với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nội dung về bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông, nâng cao nhận thức; thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục