Người phụ nữ đấu tranh bền bỉ vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Mặc dù tòa Evry bác đơn kiện công ty hóa chất Mỹ mà bà Trần Tố Nga mất 4 năm để chuẩn bị, bà Nga đã bắt đầu một chiến dịch gây quỹ cộng đồng để tiếp tục việc kháng cáo, dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng.

Trong những năm tháng diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà đã tham gia chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc dioxin từ chất da cam dùng mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam thời kỳ chiến tranh.

Giám định y tế tại Pháp cho thấy bà có nồng độ chất dioxin trong máu cao hơn quy định.

Bà Nga hội đủ 3 điều kiện, là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và bản thân là nạn nhân chất độc da cam. Do vậy, bà Nga quyết định khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Bà Nga mất 4 năm chuẩn bị cho phiên tòa, kéo dài từ 2009 tới 2013.

Tháng 4/2014, 19 công ty Mỹ gồm Dow Chemical và Monsanto, phải ra hầu tòa trong vụ kiện của bà Nga tại tòa án quận Evry, Pháp. Tuy tháng 5/2021, tòa Evry bác đơn kiện của bà Nga, nhưng bà khẳng định sẽ không bỏ cuộc.

Từ năm 1962 đến năm 1971, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả khoảng 68 triệu lít chất độc da cam - được gọi như vậy vì chất này được chứa trong các thùng phuy có dải màu cam, để làm rụng lá cây và phá hoại mùa màng của đối phương.

[Hội Nạn nhân chất độc da cam ra tuyên bố về vụ kiện của bà Trần Tố Nga]

Rất nhiều người Việt Nam đã nhiễm dioxin do hoạt động này. Vào thời điểm đó, không ai biết họ đã tiếp xúc với một chất độc có khả năng hủy hoại không chỉ cuộc sống của bản thân, mà còn cả con cháu của họ.

Một năm sau khi nhiễm chất độc da cam, năm 1968 bà Nga sinh đứa con đầu lòng. Nhưng bé gái sinh ra bị dị tật tim bẩm sinh nên chỉ sống được 17 tháng.

Phải mất vài chục năm sau, bà Nga mới nghi ngờ con mình là nạn nhân chất độc da cam khi gặp các cựu chiến binh bị nhiễm độc và những đứa con bị khuyết tật của họ.

Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam và hơn 3 triệu người có vấn đề về sức khỏe.

Bản thân bà Nga đang chịu ảnh hưởng từ chất da cam, gồm tiểu đường tuýp 2 và ung thư. Tuy nhiên bà Nga khẳng định mình không có thái độ thù ghét nhằm vào Mỹ.

Là một nạn nhân chất độc da cam, bà Nga thấu hiểu nỗi đau của người đồng cảnh ngộ, nên luôn tìm cách giúp đỡ họ. Sau khi vụ kiện bị bác, bà Nga đã bắt đầu một chiến dịch gây quỹ cộng đồng để tiếp tục việc kháng cáo, dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Cho đến nay, chỉ có các cựu quân nhân Mỹ và đồng minh của họ trong cuộc chiến ở Việt Nam đã được bồi thường vì bị ảnh hưởng từ chất độc da cam.

Năm 2008, một tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã giữ nguyên quyết định việc bác bỏ vụ kiện dân sự chống lại các công ty hóa chất lớn của Mỹ, do nhiều nguyên đơn Việt Nam khởi kiện./.

(Vietnam+)