Người sưu tầm 4.000 cổ vật quý về xứ Mường xưa

Ông Bùi Thanh Bình đang được biết đến như là chủ nhân nắm giữ bộ sưu tập đồ sộ 4.000 cổ vật, độc nhất vô nhị về quan lang xứ Mường xưa.
Hòa Bình được biết đến là cái nôi của nền văn hóa dân tộc Mường. Ở đây, để tìm gặp người nắm giữ cổ vật về người Mường xưa thì không hiếm, nhưng để tìm được người nghiên cứu cổ vật về quan lang xứ Mường thì chỉ có riêng mình ông - đó là ông Bùi Thanh Bình, hiện nắm giữ bộ sưu tập đồ sộ, độc nhất vô nhị về quan lang xứ Mường xa xưa.

Vượt con dốc lớn phía sau chợ Chăm lên lưng quả đồi, chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông Bùi Thanh Bình ở tổ 6, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình. Trong khuôn viên trên 4.000m2, ông Bình đang xây dựng 4 ngôi nhà sàn lớn để trưng bày gần 4.000 cổ vật mà ông đã cất công tìm kiếm, lưu giữ được trong hơn 30 năm qua.

Tìm đến khu trưng bày cổ vật của ông Bình, từ những ông mo, bà mế cho đến những vị am hiểu về cổ vật vùng Mường, đều không khỏi ngỡ ngàng thán phục trước một bảo tàng văn hóa Mường sống động của ông. Tất cả những vật dụng dù là nhỏ nhất như cái giỏ đựng cau trầu, cái nơm úp cá… cho đến những vật dụng sang trọng, độc đáo của quan lang người Mường đều được ông Bình nâng niu, quý trọng. Thông qua những hiện vật trưng bày, người xem như được lạc vào thế giới Mường xưa…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bình cho biết ông sinh ra ở vùng đất cổ Mường Động (Kim Bôi), một trong bốn vùng Mường lớn: Bi-Vang-Thàng-Động của tỉnh Hòa Bình.

Với ông, tất cả những vật dụng dù nhỏ nhất cho đến những đồ vật gia bảo của dòng họ Mường đều là máu thịt mà ông tự thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn. Chính vì thế, ông đã dành nhiều thời gian mày mò nghiên cứu, sưu tầm các vật dụng của bà con dân tộc, của các tầng lớp quan lang người Mường xưa.

Cũng do đặc thù về công việc, đã từng công tác tại Công an tỉnh, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chính trị, đến năm 1984 ông chuyển ngành về Công ty du lịch Hà Sơn Bình (nay là Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình).

Ông Bình được phân công là cán bộ hướng dẫn khách tham quan lên các bản làng của đồng bào dân tộc. Đưa khách đi nhiều nơi, đến các vùng sâu, vùng xa, ông có cơ hội tiếp tục công việc sưu tầm thêm nhiều hiện vật cổ phong phú. Với suy nghĩ đơn giản rằng, nếu mình không lưu giữ thì con cháu mai sau sẽ không biết được những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhiều vật dụng bà con bỏ đi vì đã cũ, rồi những chiếc cồng chiêng cổ bà con muốn bán, ông đều tìm cách mua về.

Cứ thế, tất cả tiền bạc làm ra, sức khỏe sẵn có, ông đều dành cho những cuộc băng rừng, vượt núi, cóp nhặt cồng chiêng, cóp nhặt tinh hoa văn hóa dân tộc Mường. Cho đến nay ông đã có gần 4.000 hiện vật trưng bày.

Theo ông, đáng chú ý nhất vẫn là bộ cồng chiêng cổ cùng nhiều vật dụng của quan lang người Mường. Trong bộ cồng chiêng mà ông nắm giữ có đủ các loại kích cỡ với những dòng chiêng khác nhau. Đặc biệt hơn cả là ông không chỉ sưu tầm chiêng, mà còn hiểu âm nhạc cồng chiêng và trình diễn được những bài chiêng cổ xưa mà cha ông truyền lại.

Nắm giữ kho tàng hiện vật phong phú, cùng với đam mê, tâm huyết của mình với văn hóa Mường, ông Bùi Thanh Bình đang hoàn tất các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập Trung tâm bảo tồn phát huy di sản văn hóa Mường.

Trong công trình xây dựng của mình, ngoài khu trưng bày những hiện vật cổ về văn hóa Mường nói chung, ông Bình còn có ý tưởng xây dựng khu trưng bày riêng những đồ vật cổ của quan lang người Mường. Bởi trong kho tàng hiện vật mà ông có được, rất nhiều đồ trang trí, trang sức và sinh hoạt hàng ngày của tầng lớp quan lang xưa kia được chế tác thủ công nhưng vô cùng tinh tế, mà theo ông đó là những giá trị văn hóa lịch sử cần được giữ gìn.

Bên cạnh việc giới thiệu về những tấm gương của tầng lớp quan lang trí thức, nhiều dũng tướng xả thân vì Tổ quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, qua đó ông cũng muốn thay đổi lại tư duy, suy nghĩ của mọi người về tầng lớp quan lang xưa kia. Bởi thành kiến một thời và cho đến nay trong tiềm thức nhiều người vẫn nghĩ quan lang là xấu, là vô cùng tàn ác. Nhưng thực tế không phải quan lang nào cũng tàn ác.

Bà con người Mường ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình đều biết về câu ca: "Khát nước xuống suối/Đói lòng thì đến nhà lang”. Nhiều tấm gương của dòng họ Đinh Công (vùng Mường Động) nhắc lại công lao giúp đỡ dân lành, có công với đất nước của nhà Lang…

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho biết cán bộ Bảo tàng tỉnh cùng giới chuyên môn giật mình khi chứng kiến một cá nhân có bộ sưu tập cổ vật độc đáo và đồ sộ như vậy, và  hoàn toàn nhất trí, ủng hộ cho ý tưởng thành lập Trung tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Mường của ông Bình. Nếu thành công và sớm đi vào hoạt động thì đây thực sự sẽ là khu trưng bày những hiện vật hiếm có, đặc biệt là những cổ vật của tầng lớp quan lang người Mường./.

Nhan Sinh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục