Bước ra từ đạn lửa chiến tranh, mất đi 95% sức khỏe, anh thương binh Lê Văn An (Thạch Thất, Hà Nội) có lúc tưởng như mọi cánh cửa cuộc đời đã khép lại.
Nhưng rồi, thấy mình vẫn may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, anh lại gượng dậy và vững tin viết nên bản hùng ca giữa đời thường. Từ một người thương binh cụt tay, anh đã gây dựng nên được cơ ngơi riêng.
Sợ… cuộc sống thời bình
Nhìn đôi mắt luôn rạng ngời niềm vui cùng nụ cười thường trực trên môi, ít ai nghĩ rằng, cả một đời anh đã phải sống với những dằn vặt, ám ảnh về tinh thần cùng nỗi đau thể xác mỗi lúc “trái nắng trở trời.”
Gương mặt hằn in vết thời gian. Dáng vẻ cần mẫn, cặm cụi, giơ đôi tay giả về phía người đối diện, anh An nghẹn ngào nói: “Thời gian đầu trở về từ chiến trường, tôi không thể làm được gì, lặng lẽ như một cái bóng giữa cuộc đời… Sợ tất cả!”
Ánh mắt đăm chiêu, anh nhớ lại những tháng ngày lửa đạn đã qua. Trong một trận đánh tại kho Long Bình, khu Nước Trong, anh bị thương nặng. Một mảnh đạn cắt lìa đôi tay anh, găm vào đầu anh. Khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong bệnh viện, nghe một đồng đội nói “anh ơi, không chết đâu,” anh mới biết mình vẫn sống.
Cánh tay mất một nửa quan trọng nhất, anh mang mặc cảm mình là kẻ vô dụng. “Chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới, ranh giới giữa sự sống-cái chết mỏng manh là thế, tôi còn không sợ. Vậy mà, giờ đây, giữa thời bình, tôi lại sợ đối mặt với tất cả,” giọng nghẹn ngào, anh nói.
Balô con cóc về lại quê hương nhưng anh hờ hững với tất cả. Mặc cho bạn bè đã yên bề gia thất, anh vẫn lẻ loi một bóng. Thế rồi, tình cảm chân thành của người con gái Kiều Thị Hai ở thôn bên đã lay động được anh thương binh nghèo Lê Văn An.
“Biến sỏi đá thành cơm”
Một đám cưới giản dị giữa vùng quê nghèo yên bình diễn ra trong sự xúc động của bà con lối xóm. “Tôi mang nợ cuộc đời và nợ chính người vợ của mình. Cái nghĩa nặng hơn cái tình rất nhiều. Bà ấy đã dũng cảm vượt qua tất cả để lấy một anh thương binh nghèo, không một ‘tấc đất cắm dùi, như tôi,” giọng trùng xuống, ánh mắt ngấn lệ, anh nói.
Ngày ngày nhìn vợ một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm tảo tần nuôi cả gia đình, đêm đêm nghe tiếng con thơ kêu khóc, lòng anh không khỏi quặn đau. “Đã có lúc tôi cùng cô con gái nhỏ ngày ngày lang thang quanh Bờ Hồ tìm kiếm lòng thương hại của người đời. Nhưng không thể cứ mãi thế được, tương lai các con sẽ đi về đâu?” giọng anh nấc lên trong xót xa.
Tay vẫn có thể cử động, anh quyết định mượn cày, mượn trâu ra đồng… cày thử. Anh dùng hai cùi tay giữ thân cày thật thẳng nhưng sức yếu không thể giữ cày. Loạng choạng rồi có lúc ngã sóng soài, cùi tay anh bật máu. Những đường cày nông, không ra lối, đường sau xiên đường trước.
Mồ hôi ướt đầm, hai cánh tay sưng tấy, đau buốt mất cảm giác. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ xuống nhưng bù lại, dần dần anh An đã biết cày, không phải bằng bàn tay mà bằng cùi trỏ. Anh gom mấy bộ quần áo cũ, tài sản quý giá nhất lúc đó, đem… bán lấy tiền rồi vay thêm của họ hàng mua bò về nuôi.
Nhà mái lá chỉ có một gian nên toàn bộ sinh hoạt của gia đình đều bó hẹp trong đó, từ nấu nướng, ngủ nghỉ, tiếp khách đến… làm chuồng bò.
Một, hai chú bò nhỏ… rồi dần dần, đàn bò của anh An đã đông lên gấp vài lần. Bàn tay giả của anh đã góp phần biến ngôi nhà cũ kỹ, dột nát trở thành ngôi nhà mái ngói khang trang.
Mới đây, một căn nhà tương tự cũng đã được anh chị hoàn thành cho cậu con trai thứ hai ra ở riêng. Nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành – những điều giản dị và rất đỗi bình thường nhưng với một gia đình thương binh nặng như anh Lê Văn An thì không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua và làm được như vậy.
Ngồi lặng thinh trong căn nhà nhỏ, anh cứ nhìn mãi ra phía xa. Đằng ấy là cánh đồng nơi chứa đầy mồ hôi nước mắt của người cựu chiến binh già. Đằng ấy cũng là mảnh đất đã nuôi dưỡng ước mơ và nghị lực của anh./.
Nhưng rồi, thấy mình vẫn may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, anh lại gượng dậy và vững tin viết nên bản hùng ca giữa đời thường. Từ một người thương binh cụt tay, anh đã gây dựng nên được cơ ngơi riêng.
Sợ… cuộc sống thời bình
Nhìn đôi mắt luôn rạng ngời niềm vui cùng nụ cười thường trực trên môi, ít ai nghĩ rằng, cả một đời anh đã phải sống với những dằn vặt, ám ảnh về tinh thần cùng nỗi đau thể xác mỗi lúc “trái nắng trở trời.”
Gương mặt hằn in vết thời gian. Dáng vẻ cần mẫn, cặm cụi, giơ đôi tay giả về phía người đối diện, anh An nghẹn ngào nói: “Thời gian đầu trở về từ chiến trường, tôi không thể làm được gì, lặng lẽ như một cái bóng giữa cuộc đời… Sợ tất cả!”
Ánh mắt đăm chiêu, anh nhớ lại những tháng ngày lửa đạn đã qua. Trong một trận đánh tại kho Long Bình, khu Nước Trong, anh bị thương nặng. Một mảnh đạn cắt lìa đôi tay anh, găm vào đầu anh. Khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong bệnh viện, nghe một đồng đội nói “anh ơi, không chết đâu,” anh mới biết mình vẫn sống.
Cánh tay mất một nửa quan trọng nhất, anh mang mặc cảm mình là kẻ vô dụng. “Chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới, ranh giới giữa sự sống-cái chết mỏng manh là thế, tôi còn không sợ. Vậy mà, giờ đây, giữa thời bình, tôi lại sợ đối mặt với tất cả,” giọng nghẹn ngào, anh nói.
Balô con cóc về lại quê hương nhưng anh hờ hững với tất cả. Mặc cho bạn bè đã yên bề gia thất, anh vẫn lẻ loi một bóng. Thế rồi, tình cảm chân thành của người con gái Kiều Thị Hai ở thôn bên đã lay động được anh thương binh nghèo Lê Văn An.
“Biến sỏi đá thành cơm”
Một đám cưới giản dị giữa vùng quê nghèo yên bình diễn ra trong sự xúc động của bà con lối xóm. “Tôi mang nợ cuộc đời và nợ chính người vợ của mình. Cái nghĩa nặng hơn cái tình rất nhiều. Bà ấy đã dũng cảm vượt qua tất cả để lấy một anh thương binh nghèo, không một ‘tấc đất cắm dùi, như tôi,” giọng trùng xuống, ánh mắt ngấn lệ, anh nói.
Ngày ngày nhìn vợ một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm tảo tần nuôi cả gia đình, đêm đêm nghe tiếng con thơ kêu khóc, lòng anh không khỏi quặn đau. “Đã có lúc tôi cùng cô con gái nhỏ ngày ngày lang thang quanh Bờ Hồ tìm kiếm lòng thương hại của người đời. Nhưng không thể cứ mãi thế được, tương lai các con sẽ đi về đâu?” giọng anh nấc lên trong xót xa.
Tay vẫn có thể cử động, anh quyết định mượn cày, mượn trâu ra đồng… cày thử. Anh dùng hai cùi tay giữ thân cày thật thẳng nhưng sức yếu không thể giữ cày. Loạng choạng rồi có lúc ngã sóng soài, cùi tay anh bật máu. Những đường cày nông, không ra lối, đường sau xiên đường trước.
Mồ hôi ướt đầm, hai cánh tay sưng tấy, đau buốt mất cảm giác. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ xuống nhưng bù lại, dần dần anh An đã biết cày, không phải bằng bàn tay mà bằng cùi trỏ. Anh gom mấy bộ quần áo cũ, tài sản quý giá nhất lúc đó, đem… bán lấy tiền rồi vay thêm của họ hàng mua bò về nuôi.
Nhà mái lá chỉ có một gian nên toàn bộ sinh hoạt của gia đình đều bó hẹp trong đó, từ nấu nướng, ngủ nghỉ, tiếp khách đến… làm chuồng bò.
Một, hai chú bò nhỏ… rồi dần dần, đàn bò của anh An đã đông lên gấp vài lần. Bàn tay giả của anh đã góp phần biến ngôi nhà cũ kỹ, dột nát trở thành ngôi nhà mái ngói khang trang.
Mới đây, một căn nhà tương tự cũng đã được anh chị hoàn thành cho cậu con trai thứ hai ra ở riêng. Nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành – những điều giản dị và rất đỗi bình thường nhưng với một gia đình thương binh nặng như anh Lê Văn An thì không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua và làm được như vậy.
Ngồi lặng thinh trong căn nhà nhỏ, anh cứ nhìn mãi ra phía xa. Đằng ấy là cánh đồng nơi chứa đầy mồ hôi nước mắt của người cựu chiến binh già. Đằng ấy cũng là mảnh đất đã nuôi dưỡng ước mơ và nghị lực của anh./.
Phương Mai (Vietnam+)