"Người tình Sputnik": Sự ẩn dụ về nỗi cô đơn

Sẽ thế nào khi lỡ yêu phải người đồng tính? Nỗi buồn xa lạ với nhiều người bỗng có thể thấu cảm phần nào khi đọc "Người tình Sputnik."
Đó là một câu chuyện buồn và lạ kỳ xoay quanh ba nhân vật chính. Là câu chuyện về đồng tính nữ, câu chuyện về tình yêu bất thành nhưng đầy ám ảnh không chỉ bởi chuyện tình.

Chuyện tình tay ba kỳ lạ trong văn nén


Nhân vật tôi-một giáo viên tiểu học yêu nghề, chính anh ta đã tâm sự trong tác phẩm: "Sau khi đã thực sự làm thầy, tôi phát hiện ra mình kính trọng và yêu quý nghề này sâu sắc hơn mình từng nghĩ...tôi tình cờ khám phá ra bản thân mình.”

Thầy giáo này sống tách biệt với gia đình. Một gia đình có mẹ thích quét dọn nhưng ghét nấu nướng, có chị gái ghét cả quét dọn lẫn nấu ăn. Anh ta đã phải vào bếp tự nấu ăn từ khi có thể.

Anh yêu Sumire. Nhưng Sumire chỉ xem anh như một người bạn thân. Cô yêu say đắm Miu. Câu chuyện tình đuổi bắt ư? Cũng không hẳn. Đó là câu chuyện anh yêu em nhưng em yêu cô khác và cô ta lại không yêu được đàn bà.

Nhân vật Sumire có người mẹ quá cố “nhạt nhòa”. Đến mức khi cô hỏi bố về mẹ, ông bố chỉ nói được “Mẹ con có trí nhớ tốt” và bà “viết rất đẹp”. Sau đó, bố Sumire chọn người vợ sau vừa không có trí nhớ tốt vừa viết không đẹp, nhưng là người mẹ kế tốt.

Bố Sumire là một bác sĩ nha khoa đẹp trai với sống mũi đẹp đến mức nổi lên sau khẩu trang vẫn hấp dẫn các quý bà, quý cô đến khám chữa răng. Để rồi không ai phân vân khi lấy tiền trả ông.

Sumire là “nhà” tiểu thuyết không biết bao giờ thành công. Sumire không chải tóc, không làm đẹp và đặc biệt không rung động trước người khác giới.

Tài của tác giả là đã thâu tóm được rất nhiều về số phận, cuộc đời cũng như lối sống của cá nhân, của gia đình trong rất ít câu chữ, có thể gọi là văn nén.

Sự ẩn dụ về nỗi cô đơn


Miu-"Người tình Sputnik" của Sumire là một phụ nữ. Mối tình của Sumire là đồng tính đơn phương nên không bao giờ được đáp trả, bởi cô đã là một phụ nữ từng có xúc cảm với đàn ông. Sau một biến cố kỳ lạ và không thể lý giải, Miu đã vĩnh viễn mất đi cảm xúc yêu đương.
 
Những lời tự sự giàu chất gợi, giọng văn không ngại chạm vào nhục cảm và say đắm, những tình tiết kỳ ảo...sẽ cuốn bạn vào một không gian đầy mê hoặc, dù hẫng hụt rồi lại hy vọng trong "Người tình Sputnik".
 
Tác giả viết: “Vì sao mọi người cứ phải cô đơn như thế này? Mục đích của nó là gì? Hàng triệu con người trên thế giới này, tất cả đều mong mỏi khát khao, đang kiếm tìm những người khác để thỏa mãn mình nhưng lại tự họ cô lập họ. Vì sao? Trái đất sinh ra chỉ để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người?”

Câu chuyện, là một ẩn dụ đẹp, và da diết buồn về sự cô độc của kiếp người, về sự mất đi và hành trìrh tìm kiếm vô vọng cái tôi đích thực. Những bạn đọc thích giải trí vui tươi khó lòng thích Murakami. Những ai quen văn tác giả này thì dễ "nghiện".

Murakami từng được mọi người biết đến nhiều nhất với "Rừng Nauy" nhưng "Người tình Sputnik", tác phẩm thứ tám của nhà văn Nhật Bản này cũng đang gây sự chú ý đặc biệt của không ít độc giả./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục