"Người tình tổng thống" Monica Lewinsky kể việc bị sỉ nhục công khai

Monica Lewinsky, người tình cũ của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã không ngần ngại nói thẳng và nói thật tại Hội nghị Tài năng trẻ Under 30 do tạp chí Forbes tổ chức.
"Người tình tổng thống" Monica Lewinsky kể việc bị sỉ nhục công khai ảnh 1Monica Lewinsky. (Nguồn: DM)

"Tên tôi là Monica Lewinsky nhưng nhiều người đã khuyên tôi nên đổi tên." Đó là lời mở đầu bài phát biểu trước đám đông những người tham dự Hội nghị Tài năng trẻ Under 30 do tạp chí Forbes tổ chức tại Philadelphia, Mỹ vào sáng thứ Hai vừa qua của Lewinsky, người phụ nữ tai tiếng nhất tại Mỹ trong cuối những năm 90.

Đây là lần đầu tiên Lewinsky xuất hiện và phát biểu trước công chúng trong suốt hơn mười năm qua.

Theo Daily Mail, trong suốt bài phát biểu của cô về những nguy hiểm của việc bị sỉ nhục công khai trong thời đại kỹ thuật số, trang mạng xã hội Twitter đã trở nên xôn xao và phấn khích trước sự trở lại của Lewinsky, khen ngợi sự dũng cảm của cô.

Monica Lewinsky, 41 tuổi, đã tham gia Twitter chỉ khoảng 2 giờ trước khi lên sân khấu phát biểu tại hội nghị do Forbes tổ chức.

"Chỉ qua một đêm, từ một cá nhân với quyền riêng tư, tôi đã trở thành một sự sỉ nhục đối với công chúng. Tôi chính là bệnh nhân Zero, nạn nhân đầu tiên, với danh tiếng bị hủy hoại hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu thông qua mạng Internet," Lewinsky phát biểu trong khán phòng yên lặng “tới mức có thể nghe thấy tiếng một chiếc kim rơi,” theo chia sẻ trên Twitter của nhiều người tham dự.

Khi kể về vụ ngoại tình đã từng gây chấn động trên toàn thế giới giữa cô và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Lewinsky đã không ngần ngại nói thẳng và nói thật.

"Mười sáu năm về trước, vừa tốt nghiệp đại học... tôi đã yêu chính sếp của tôi," Lewinsky mở đầu bài phát biểu về cái giá cô đã phải trả cho những sai lầm tuổi trẻ của mình.

"Tôi đã mất đi ‘cái tôi’ của mình trước công chúng. Nó đã bị đánh cắp," Lewinsky nói về những gì các nhà báo và những mẩu truyện tranh biếm họa đã gây ra cho cô. “Nói cách khác, đây là một hình thức đánh cắp nhân dạng.”

“Năm 1998, ‘Monica đó’, ‘người phụ nữ đó’ đã ra đời. Trước công chúng, tôi mang một nhân dạng mà chính tôi cũng không nhận ra.”

Nhìn lại quá khứ của mình, Lewinsky đã giải thích cho những người trẻ ở lứa tuổi 20, 30 rằng mặc dù mạng xã hội chưa xuất hiện trong những năm 1990, nhưng khi đó những trang web chuyên đăng tải tin đồn và các thông tin giải trí đã bám chặt vào vụ bê bối Clinton và hối hả “thêm mắm dặm muối” vào các chi tiết của vụ việc.

“Dĩ nhiên, mọi chuyện chỉ diễn ra trong điều kiện tốc độ Internet dial-up chậm chạp. Thế nhưng, câu chuyện vẫn lan tràn trên toàn thế giới. Nó đã trở thành một hiện tượng có thể được coi là sự ra đời của ‘phương tiện truyền thông xã hội’ thực sự.”

Cố gắng không bật khóc, Lewinsky đã nói về sự suy sụp của mẹ cô khi biết tin sinh viên năm nhất đại học Rutgers Tyler Clementi đã tự tử vào năm 2010 vì bị bắt nạt và quấy rối.

“Bà đã nghĩ lại về năm 1998... khi tôi có thể đã rời bỏ bà,” Lewinsky chia sẻ về thời gian khi Drudge Report lần đầu đăng tải những tin tức về mối quan hệ của cô với tổng thống. Trong những tháng tiếp sau những tiết lộ gây xôn xao dư luận ấy, đã không ít lần Lewinsky bị dày vò bởi ý định muốn tự tử.

Mặc dù gặp phải vô vàn khó khăn, song bằng những nỗ lực đáng trân trọng, Lewinsky vẫn tồn tại trước sự quấy rối không ngừng và những sỉ nhục công khai. Tuy nhiên, khi nghĩ về tương lai, thái độ của cô lại nhuốm màu bi quan. “Đó là một cuộc khủng hoảng lòng từ bi, một sự thiếu đồng cảm,” cô nói. “Ta chẳng thể nào biết được phải đến khi nào chuyện này mới kết thúc.”

"Người tình tổng thống" Monica Lewinsky kể việc bị sỉ nhục công khai ảnh 2Monica Lewinsky khi còn là cấp dưới của Bill Clinton. (Nguồn: Getty Images)

Lần đầu xuất hiện trước công chúng sau hơn một thập kỷ, Lewinsky đã nhân dịp này công bố kế hoạch của cô về một "cuộc cách mạng văn hóa" chống lại tình trạng bắt nạt và quấy rối trên mạng Internet.

“Với tư cách một người sống sót, tôi muốn có được cơ hội giúp đỡ những nạn nhân khác cùng sống sót,” cô phát biểu. “Tôi muốn biến những đau khổ mà tôi đã phải chịu đựng thành một điều gì đó tốt đẹp hơn, mang tới một mục đích nào đó cho quá khứ của tôi.”

Khi Lewinsky kết thúc bài phát biểu, khán giả đã đứng dậy hoan hô nhiệt liệt. Những vị khách tham dự hội nghị đã miêu tả bài diễn văn của Lewinsky như một tiếng nói “đầy dũng cảm” và “mang lại cảm hứng” cho khán giả.

Hội nghị do Forbes tổ chức đã quy tụ hơn 1.000 người từng thuộc danh sách các nhà lãnh đạo và tài năng trẻ mang tên “30 Under 30”. Tham gia phát biểu tại hội nghị này, ngoài Lewinsky còn có người nhận giải Nobel Hòa bình năm nay Malala Yousafzai, nghệ sỹ Questlove và cựu người mẫu kiêm nhà từ thiện Petra Nemcova./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục