Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai) vẫn miệt mài tạo ra những chiếc đèn kéo quân truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai) vẫn miệt mài tạo ra những chiếc đèn kéo quân truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Về Đàn Viên nghe câu chuyện của những chiếc đèn cù lưu giữ ký ức mùa trăng

Gần 80 năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ở thôn Đàn Viên (Thanh Oai, Hà Nội) miệt mài gìn giữ ánh sáng đèn cù cho trẻ dịp Trung thu như níu giữ một phần hoài niệm về đêm hội trăng rằm truyền thống.

"Khen ai khéo xếp đèn cù

Voi giấy, ngựa giấy tít mù vòng quanh"

Người bạn đồng hành bất chợt lẩm nhẩm hai câu của người xưa về chiếc đèn cù khi chúng tôi về tới đầu ngôi làng ven dòng sông Đáy cách trung tâm Thủ đô chừng hơn 20km. Làng Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) có nghề làm đèn cù từ bao đời nay. Dân làng cũng không biết ai là ông tổ nghề, nhưng tới nay vẫn còn nghệ nhân 85 tuổi gìn giữ ánh đèn đêm Trung thu truyền thống cho con trẻ.

Hơn cả một món đồ chơi

Tới nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vào một buổi sáng mùa Thu, trước mắt chúng tôi là một ông lão đầu tóc đã bạc, đôi mắt nheo nheo, cặm cụi bên những chiếc đèn cù (hay còn gọi là đèn kéo quân). Đây là công việc đã gắn bó với ông gần 80 năm nay.

Sau một tuần trà với những vị khách, ông đứng dậy về bên hiên nhà, đăm chiêu thổi hồn vào những khung tre, giấy nến. "Tuổi thơ tôi gắn liền với những chiếc đèn kéo quân cùng bạn bè trong xóm mỗi dịp Tết Nguyên đán hoặc Trung thu. Ngày ấy không có nhiều đồ chơi nên có chiếc đèn như thế này oai lắm," ông Quyền nói.

vnp_ 5.jpg
Vợ chồng ông Quyền ngày ngày miệt mài làm món đồ chơi xưa cũ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo lời kể của ông, tuy chiếc đèn trông đơn giản nhưng chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa và cả những hoài niệm về đêm rằm tháng Tám.

Tích xưa kể rằng, nguồn gốc của đèn kéo quân bắt nguồn từ một câu chuyện vô cùng xúc động về tấm lòng hiếu thảo của người con trai mồ côi cha từ nhỏ. Chàng sống với mẹ cho tới lúc trưởng thành, đến khi phải đi làm xa, thương mẹ già ở nhà một mình cô quạnh, chàng đã ngày đêm tìm cách để an ủi mẹ. Và cây đèn kéo quân, mô phỏng trò rối bóng đã ra đời và trở thành vật giúp mẹ già cảm thấy nguôi ngoai nỗi nhớ những ngày con trai xa nhà.

Không dừng lại ở đó đèn kéo quân được lưu giữ từ đời này qua đời khác, ý nghĩa của đèn kéo quân về lòng hiếu thảo như lời nhắc nhở nhẹ nhàng với mỗi người con mỗi độ Tết đoàn viên.

Từ thuở ấu thơ, ánh đèn cù đã gắn bó với ông Quyền mà trong cảm nhận của ông nó như một người bạn tinh thần không thể thiếu cho đến tận bây giờ. Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh chiếc đèn đầu tiên xộc xệch do chính tay mình làm ra, cảm giác vui sướng khi làm được chiếc đèn quay tròn. Ông đã nhảy cẫng lên và chạy khắp xóm khoe với đám bạn rằng “tớ làm được đèn kéo quân quay rồi.”

vnp_ cover.jpg
Dù đã 86 tuổi nhưng ông Quyền vẫn tỉ mỉ dành trọn cái tâm cho từng sản phẩm đèn kéo quân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Từ đó, ông càng mê mẩn hơn với đèn kéo quân, với những hình ảnh sỹ nông công thương hay ngư tiều canh mục chạy vòng bên trong những chiếc đèn. Không chỉ dừng lại ở một món đồ chơi, mỗi khi ánh nến được thắp lên, những thông điệp, những giá trị văn hóa lại phản chiếu trên những tờ giấy nến.

Ngoài bài học về đạo làm con đối với bậc sinh thành, chiếc đèn kéo quân còn là cầu nối khiến cụ thêm tự hào về quê hương, nhờ những câu chuyện được kể từ các hình cắt hay còn gọi là “quân” phản chiếu trên tấm giấy mờ của đèn như: Phù Đổng Thiên Vương; Con Rồng cháu Tiên; Sơn Tinh, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... cho đến hình ảnh con lợn Âm dương, chú bé thổi sáo trên lưng trâu... vốn quen thuộc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước.

vnp_ 12.jpg

Đây cũng là lý do để cho tới tận hôm nay, ông Quyền vẫn say mê làm đèn kéo quân, ngoài mục đích lưu giữ lại một món đồ chơi dân gian vốn chuyên chở nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ còn muốn truyền thụ lại cho con cháu, hay với những đứa trẻ trong làng một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và cất công gìn giữ.

Giữ ánh đèn ký ức đêm trăng rằm

Sau gần 80 năm gắn bó với nghề, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian năm 2019. Đây là niềm an ủi với người dành cả đời người duy trì một món nghề truyền thống nhưng ông Quyền luôn canh cánh về trách nhiệm phải lưu truyền được nghề làm đèn kéo quân truyền thống này.

Ở cái tuổi gần phía dốc cuối cuộc đời, ông Quyền và vợ vẫn miệt mài, vẫn chăm chút cho từng sản phẩm mình làm ra.

Ông bảo trước đây trong làng có nhiều nhà làm đèn kéo quân, nhưng đến nay cả làng bỏ nghề vì làm đèn kéo quân tốn nhiều thời gian trong khi thu nhập khá thấp. "Một chiếc đèn kéo quân được làm rất kỳ công ,mất từ 7-8 tiếng, trong khi giá thành chỉ có 200.000 đồng, nên nghề làm đèn không phải nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình.”

vnp_ 8.jpg

Do nặng lòng với những giá trị truyền thống nghề nên đến nay ông vẫn kiên trì bên cạnh những thanh tre, những tờ giấy dó. Với ông, đôi khi làm những chiếc đèn vì thích thú, vì yêu da diết ‘người tình’ đã gắn bó với mình gần như cả cuộc đời.

Trong nhà ông ai cũng biết làm đèn nhưng vì giá trị kinh tế thấp nên không ai theo nghề, ông trăn trở rất nhiều khi mình khuất núi sẽ không còn ai giữ ánh đèn đêm Trung thu cho con trẻ nữa.

Theo ông Quyền, để làm hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn, đầu tiên ông phải lựa chọn những cây tre già ngâm nước khoảng 3 tháng để tre đỡ mối mọt rồi mới bắt đầu phơi khô.

Sau khi tre khô, người nghệ nhân phải tỉ mỉ vót rồi dựng khung, làm tán, chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến. Xung quanh đèn dán giấy nến (hoặc giấy bản).

vnp_ minh hoa den keo q.jpg
Hai vợ chồng ông Quyền miệt mài, vẫn nâng niu từng chút những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Để chiếc đèn thêm phần bắt mắt, sinh động bên ngoài có thể dán thêm những họa tiết trang trí. Khi đốt nến bên trong, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong, đẩy chóng chóng bên trên quay khiến các con vật dán trên vòng tròn cũng quay theo. Nhìn từ bên ngoài sẽ thấy bóng các con vật (các quân) cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn rất đẹp mắt.

Một tín hiệu vui với ông mà ông gọi đó là cơ duyên khi có một cô giáo Tiếng Anh ở vùng khác tìm về học nghề. “Tôi dành hết tâm huyết, truyền thụ lại cách làm cũng như những giá trị dân gian của đèn kéo quân cho bất kỳ ai muốn gìn giữ,” ông Quyền nói.

Xế chiều, chúng tôi rời khỏi cổng nhà ông với một chiếc đèn kéo quân đã được đóng gỏi cẩn thận. Dọc theo con đường làng, tôi cảm thấy hãnh diện lắm khi đám trẻ hay kể cả người lớn dõi mắt theo chiếc đèn. Miền ký thời thơ ấu lại mon men trở về, vào đêm Trung thu đám trẻ con chúng tôi lại thi nhau khoe những món đồ chơi, những chiếc đèn, cái trống.

Khung cảnh lũ trẻ thắp đèn, nghêu ngao câu hát dọc làng trên xóm dưới trong ánh trăng vàng rượi đêm rằm cứ hiện hữu mãi trong tâm thức tôi cho đến khi chợt bừng tỉnh với tiếng còi xe và ánh đèn cao áp ở Thủ đô./.

vnp_ cover den.jpg
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục