Người trẻ Thủ đô gìn giữ nghệ thuật múa Lân Sư Rồng

Thời gian đầu đội Lân Sư Rồng thôn Ngọc Đình chỉ biểu diễn phục vụ các ngày trọng đại của dân làng nhưng vài năm trở lại đây đã tham gia các giải của huyện, thành phố...

Người trẻ Thủ đô gìn giữ nghệ thuật múa Lân Sư Rồng

Nhiều thanh thiếu niên tại thôn Ngọc Đình (Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn ngày ngày luyện tập và biểu diễn nghệ thuật múa Lân Sư Rồng với mong muốn gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống.

Gian nan câu chuyện “nuôi Rồng”

Sự nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống thu hút sự chú ý của khách lạ khi vừa qua cổng làng Ngọc Đình chừng vài bước chân. Tại sân nhà văn hóa thôn, nhiều thanh thiếu niên đang mải miết tập những động tác bắt mắt trong bộ trang phục múa Lân và Rồng.

Bên ngoài, một người đàn ông chừng lục tuần đang chăm chú theo dõi từng động tác. Thi thoảng, ông cau mày, nhắc nhở chỗ này Lân móc chân chưa chuẩn, chỗ kia Lân nhảy lên đùi chưa chỉnh... Ông chính là “người nuôi Rồng” Nguyễn Văn Tự - đảm nhiệm phụ trách đội múa Lân Sư Rồng nghệ thuật của thôn Ngọc Đình của xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội).

Thấy vị khách lạ hỏi về đội múa, ông Tự trầm ngâm: “Tôi nghe các bậc cao niên trong làng kể lại, từ thời các cụ đã theo môn nghệ thuật múa Lân Sư Rồng nhưng không biết vì lí do gì mà bỏ bê. Tới năm 2010, người làng cúng tiến một ông Rồng vào đình và giao cho tôi phụ trách vì nhà tôi gần đình, đó cũng là cái duyên mang tôi tới với đội múa Lân Sư Rồng hôm nay...”

IMG_0584.jpg
Ông Nguyễn Văn Tự phụ trách đội múa Lân Sư Rồng nghệ thuật của thôn Ngọc Đình của xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội). (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhớ lại 14 năm về trước, ông Tự vốn làm lao động tự do, không học múa Lân Sư Rồng và trong nhà ông cũng không có ai theo môn nghệ thuật truyền thống này. Thế nhưng, dân làng đã tín nhiệm, đề nghị ông gây dựng một đội múa rồng riêng của thôn Ngọc Đình. Nhận nhiệm vụ, ông Tự vận động thanh niên trong làng tham gia, ban đầu tập hợp được khoảng 15 trai tráng trong thôn. Sau đó, ông nhờ một đội Lân Sư Rồng từ vùng khác đến dạy cho đội Rồng toàn những ‘tân binh’ này.

Sau hơn 6 tháng kiên trì học hỏi và tập luyện, đội múa Rồng Ngọc Đình bắt đầu biểu diễn trong những dịp trọng đại của người dân làng Ngọc Đình. Ông Tự bảo ‘nuôi Rồng’ khó lắm vì kinh tế eo hẹp, đội hoạt động nhờ vào sự đóng góp của người dân trong. Cả đội Lân Sư Rồng tại thôn Ngọc Đình cứ hoạt động như vậy qua nhiều năm, có lúc người trong đội lên đến hơn 30 thành viên, song có người ở lại, kẻ ra đi cũng vì phải tập trung lo kinh tế cho gia đình.

Thời đại dịch COVID-19 càn quét, mọi hoạt động bị hạn chế, không có kinh phí duy trì đội múa Lân Sư Rồng, có lúc ông Tự tưởng chừng phải buông bỏ ‘đứa con tinh thần’ đã dày công vun đắp. “Thời gian đó tôi tưởng như đã buông tay nhưng nghĩ đến lòng tin của dân làng và quan niệm đã cúng tiến Rồng vào đình thì phải duy trì bằng được, tôi lại bước tiếp, kiên trì vận động thanh niên trong làng sau thời kỳ dịch.”

Hiện nay, đội múa Lân Sư Rồng Ngọc Đình có khoảng 45 thành viên, trong đó có 25 người chính tham gia biểu diễn và 20 người đang trong quá trình luyện tập. Ông Tự bảo rằng điều vui nhất chính là đã có một đội múa Lân Sư Rồng thành thục và một đội “Rồng nhí,” thậm chí trong đội có gia đình cả 3 bố con đều tham gia biểu diễn và tập luyện.

vnp_mua rong 9.jpg
Tiết mục đạt giải Ba của đội trẻ múa Rồng thôn Ngọc Đình biểu diễn tại Festical Thanh niên Quốc tế năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đội Lân Sư Rồng thời gian đầu chỉ biểu diễn phục vụ các ngày trọng đại của toàn thể dân làng hoặc giao lưu với các đội từ địa phương khác nhưng vài năm trở lại đây đã bắt đầu tham gia các giải đấu của huyện, thành phố.

“Bây giờ tôi tự tin nếu có việc bận không tham gia cùng các cháu được thì chúng vẫn tập tành nghiêm chỉnh vì nhiều đứa mê môn nghệ thuật này rồi...,” ông Tự cười, nói.

Khi đam mê bùng cháy trong người trẻ

Ông Tự kể rằng để có một “đội mạnh” thì vai trò của lớp trẻ là vô cùng quan trọng. Khi đã trót “bén duyên” với múa Lân Sư Rồng, nhiều người đã quên ăn, quên ngủ chỉ vì những động tác chưa chuẩn chỉnh.

Trong đội của Lân Sư Rồng Ngọc Đình, có anh Nguyễn Bá Thiệu (sinh năm 2002, hiện làm nhân viên tư vấn bán hàng), theo chân ông Tự xem đội Lân Sư Rồng của thôn Ngọc Đình tập luyện từ khi 15 tuổi. Ban đầu, Thiệu thấy rất thích những giai điệu của trống và chập khi các đàn anh tập luyện và biểu diễn. Hai năm sau, Thiệu xin ông Tự cho tham gia thử sức luyện tập và tiến bộ rất nhanh. Hiện tại đội phó Thiệu đang giữ vị trí múa đầu Rồng, đuôi Lân và đánh trống. Ngoài ra, anh cũng này đảm nhiệm công việc sắp xếp và hô hào anh em luyện tập cũng như lên kịch bản cho những bài múa Rồng.

“Tôi thấy bộ môn này vừa nâng cao sức khỏe, vừa rèn luyện bản thân và tôi rất vui vì mình có thể tham gia biểu diễn được một môn nghệ thuật truyền thống,” Thiệu chia sẻ.

Khi đã thành thạo các động tác di chuyển và động tác múa, Thiệu hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi đang chập chững làm quen luyện tập. Bất kể khi nào các sắp xếp được thời gian rảnh, Thiệu cùng các thành viên khác luyện tập tích cực cũng như truyền đạt lại cho ‘lứa sau.’

IMG_0822.jpg
Các lớp kế cận vẫn hằng ngày luyện tập để gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống múa Lân Sư Rồng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong khi đó, đội trưởng Nguyễn Huy Cương (sinh năm 1991) thì cho hay anh đã tham gia đội Lân Sư Rồng của Ngọc Đình đã 12 năm. Hiện, Cương ở vị trí đuôi Rồng kết hợp với Nguyễn Bá Thiệu hô lệnh cho toàn thể thân Rồng khi biểu diễn để được mượt mà. Mười vị trí trong tiết mục múa Rồng gồm một người cầm ngọc và 9 đoạn thân Rồng phải là một thể thống nhất sao cho khi biểu diễn không bị gấp khúc và đâm vào nhau.

Với quãng thời gian dài bằng 12 con Giáp, Nguyễn Huy Cương bảo rằng anh đã chứng kiến nhiều người đến với đội và cũng nhìn những đàn anh khác ngậm ngùi chia tay bộ môn nghệ thuật này vì nhiều lí do khác nhau. Thế nhưng, vì đam mê, anh đã đưa cả hai cậu con trai (12 tuổi và 10 tuổi) của mình tham gia đội múa Lân Sư Rồng của thôn Ngọc Đình được 2 năm. Hai anh em một người đánh trống một người đánh chập cho các tiết mục và đang học thêm cách múa Lân cũng như tập luyện cùng đội “Rồng nhí.”

“Con trai mình ban đầu rất thích điệu trống và chập mỗi khi làng múa Rồng vào ngày hội nên đã cho các cháu tham gia luyện tập thử và các cháu rất tích cực cùng bố đi những buổi tập,” anh Cương nói.

“Người nuôi Rồng’ Nguyễn Văn Tự Niềm thì bảo rằng sự hăng say tập luyện của các đội chính là niềm vui vô bờ bến của ông khi đã gây dựng được một đội múa Lân Sư Rồng duy trì tới các thế hệ sau trong làng.

“Tất cả là nhờ vào sự nhiệt huyết của các cháu, tôi vui mừng sau 14 năm đã gây dựng được một đội múa Lân Sư Rồng chính và một lớp dự bị kế cận...,” ông Tự cười hiền.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục