Đã gần một năm trôi qua, bà Phạm Thị Tắng (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn cảm thấy hân hoan mỗi khi nhớ lại ngày mình được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của loại hình lễ hội Pồn Pông. Bên khung cửa nhà sàn lất phất mưa bay, người phụ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường cười hiền: “Bây giờ thì yên tâm, lớp trẻ cũng rất say sưa với văn hóa cha ông…”
Trên mảnh đất xứ Mường - Cao Ngọc này, từ thời “Đẻ đất đẻ nước,” Pồn Pông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu của người Mường. “Pồn” có nghĩa là múa, là hát, “Pông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông để cầu cho bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc.
Lễ hội Pồn Pông thường được tổ chức vào mùa xuân, kéo dài khoảng 2 ngày. Mới đây, trò diễn Pồn Pông của xã Cao Ngọc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Học hát khó hơn… bốc thuốc
Cách đường Hồ Chí Minh khoảng 5 km, vượt qua mấy con dốc cao, nhà nghệ nhân Phạm Thị Tắng nằm yên tĩnh dưới chân một quả đồi. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng khuôn mặt bà Tắng vẫn hồng hào, rạng rỡ. Tiếp những vị khách trẻ tuổi, bà hồ hởi kể về nét đặc sản Pồn Pông của cha ông để lại cũng như hành trình 50 năm say đắm với loại hình nghệ thuật này.
Theo lời bà Tắng, để trở thành trụ cột của một lễ hội thì biết hát, múa thôi là chưa đủ. Trong trò diễn Pồn Pông, phải cần có trên 6 người cũng nhau diễn, múa hát bên cây Bông. Nhưng nhân vật chính thì chỉ có một. Chủ của hội Pồn Pông gọi là Âu Máy. Nhân vật này được mặc định phải là một người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Âu Máy đi trước.
Âu Máy phải là người có ma nổ (ma nổ là vừa làm thầy, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong làng). Gia đình bà Tắng vốn có truyền thống “nhà nổ” nên khi muốn trở thành người diễn chính trong lễ hội, bà vừa phải học làm cúng, thầy thuốc chữa bệnh vừa phải học hát, học múa.
Từ khi còn là một cô bé, Tắng đã được nghe, nhìn từ ông bà, cha mẹ những làn điệu hát, múa bên cây Bông. Bà cũng từng chứng kiến nhiều người đến xin thuốc với ông bà mình. Tất cả đều đi sâu vào tâm trí cô bé để rồi khi thành thiếu nữ 17 tuổi, cô gái xứ Mường đã bắt đầu bập bẹ vài khúc Pồn Pông.
Thời gian này, cô gái Tắng cũng theo ông bà mình đi học bốc thuốc chữa bệnh. Người đến xin thuốc được gọi là Con Mày sẽ được thầy cầu thần, cầu thánh để giúp giải năm xui tháng hạn. Khi cầu, thầy thuốc sẽ có lúc dùng điệu hát Pồn Pông, có lúc nói thủ thỉ để mong được phù trợ.
Bà bồi hồi kể lại: “Học thuốc nhanh hơn học hát, múa. Bà cứ đi theo ông, theo bà học thuốc chỉ một thời gian ngắn là xong còn học hát múa thì mất nhiều thời gian…”
Ánh mắt xa xăm nhớ về những ngày đầu tiên tập hát. Bà Tắng bảo rằng khi màn đêm buông xuống miền sơn cước, mọi người trở về nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhoài thì cũng là lúc bà Tắng ngồi học hát với các ông, bà, của mình.
Thời đó, để cất lên từng câu hát với bà là rất khó khăn. Pồn Pông có nhiều khúc như: đi cày, đi bừa, đi bắt cá, trồng bông, dệt vải... Muốn hát được các khúc này phải tập lúc lên giọng, lúc xuống giọng một cách chuẩn nhất. Giọng hát có khi kéo dài khi lại ngắn, lúc nhỏ lúc to.
“Mới đầu học ngọng lắm đấy! Bà phải mất 2 đến 3 tháng mới làm quen được. Nhớ được lời của bài hát đã khó, âm điệu của nó càng khó hơn,” bà Tắng hồi tưởng.
Có nhiều lần, quên mất lời hát, cô bé Tắng phải dành cả đêm hỏi lại ông bà để nhớ. Mất hơn 1 năm mới thuộc hết lời, còn âm điệu thì cứ phải học mãi, học dần theo năm tháng mới đến được độ ngọt ngào. Khi hát được rồi thì phải học thêm nhảy và múa, từng động tác phải diễn thật giống.
Với bà Tắng, có lẽ những ngày vừa tập múa vùa hát là khó khăn nhất. Nếu mất 1 năm để thuộc hết lời thì phải hơn 1 năm nữa bà mới có thể làm cho chân tay nhảy theo đúng nhịp hát. Tới đây bà bỗng bật cười nhớ lại: “Cháu biết không, có đêm đi làm về mệt nên bà ngủ quên mất. Đêm khuya bỗng giật mình tỉnh dậy mới nhớ ra hôm nay mình quên tập. Thế là bà vừa nằm vừa lẩm nhẩm trong đầu các giai điệu múa, hát đấy. Lúc đó cứ sợ nếu mình không học thì khi ông bà mất đi, ai sẽ là người biết Pồn Pông?”
Thời gian cứ thế qua đi, khi tròn 23 tuổi, cô gái Phạm Thị Tắng đã trở thành một Bà Máy thành thạo từng câu, từng chữ cũng như âm điệu của loại hình Pồn Pông. Từ đó, ngày nào người ta cũng nghe thấy trong ngôi nhà sàn của cô gái Tắng vọng lên tiếng hát hát trong trẻo, thánh thót hòa với tiếng cỏ cây xào xạc của núi rừng. Những đêm trăng tròn, trai gái xứ Cao Ngọc này lại cùng nhau nô nức vui đùa, đối đáp bằng một vài điệu Pồn Pông quen thuộc mà không thể thiếu đi sự hiện diện của bà.
Linh hồn của Pồn Pông
Được trở thành Âu Máy trong các lễ hội Pồn Pông của bản làng Cao Ngọc từ năm 23 tuổi, Máy Tắng đã cống hiến hết mình cho các phong trào văn hóa văn nghệ trong suốt 50 năm qua. Năm 32 tuổi, người phụ nữ ấy lần đầu tiên được đi biểu diễn Pôn Pông trên huyện Ngọc Lặc. Đó là lần đầu tiên nghệ nhân Tắng đem bản sắc văn hóa dân tộc mình ra khỏi lũy tre làng.
Bà kể: “Những ngày chuẩn bị diễn, bà hồi hộp, lo sợ lắm vì đứng trước nhiều cán bộ. Sợ đến mức không dám ăn, không dám ngủ để tập luyện luôn đấy cháu à.”
Nhưng rồi, khi đứng trên sân khấu, sự nhộn nhịp của tiếng cồng chiêng, của âm điệu bà hát làm bà quên hết nỗi sợ. Bà chỉ biết, mình cần cố gắng làm tốt nhất để cho mọi người thấy được cái hay của văn hóa Pồn Pông lâu đời. Tiết mục kết thúc, những tiếng vỗ tay rộn ràng, hân hoan làm lòng bà trở nên vui sướng vì biết rằng việc bà làm đang được mọi người đón nhận.
Hơn nửa đời người, bàn chân Máy Tắng đã đi từ Bắc vào Nam, đem bản sắc dân tộc mình đi qua nhiều vùng văn hóa khác nhau để giao lưu, gặp gỡ. Nghệ nhân ấy cũng từng cùng đoàn quần chúng của mình đi tham dự nhiều cuộc thi văn hóa văn nghệ và đạt được thành tích cao.
Sau mỗi cuộc thi, niềm hạnh phúc của bà là được nhìn thấy sự say mê của nhiều người dành cho loại hình Pồn Pông. Còn những tấm bằng khen với bà là sự khích lệ để mình cố gắng hơn trong hành trình gìn giữ nét đẹp này.
Giờ đây, khi đã bước qua tuổi 70, Máy Tắng vẫn luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động văn nghệ của xã, huyện, tỉnh. Mỗi khi xã tổ chức sự kiện, người ta đều nhớ tới bà, đón bà đến chung vui và dạy hát, dạy múa cho dân làng. Anh Vi (xã Vân Am, Ngọc Lặc) là người đến xin thuốc cũng chia sẻ: “Máy Tắng diễn hay lắm. Lễ hội nào không có Máy là không vui đâu. Ngày nào Máy diễn, chúng tôi đều đến xem để cổ vũ!”
Bà bảo, trước đây cũng nhờ Pồn Pông mà quen chồng mình. Hồi đó nam nữ hát đối qua lại, sau đó dần yêu nhau từ lúc nào không biết. Khi lấy nhau về, ông luôn giúp đỡ bà hoàn thiện giọng hát. Đặc biệt, ông còn làm cho bà những cây bông đẹp. Nói rồi, bà chỉ tay về phía gian giữa nhà sàn, nơi có một cây Bông đã cũ. Bà tâm sự: “Ông tự tay đi chặt cây chàng bạng về làm cho bà đấy, từ năm 1963 cháu ạ.”
Khi được hỏi bà có sợ loại hình này mất đi hay không, nghệ nhân trả lời rất hứng khởi: “Giờ nhiều người theo học và say mê nó lắm. Kể cả những cháu nhỏ học lớp 1 lớp 2 thấy bà là bảo bà dạy cho hát rồi. Vì vậy, bà nghĩ là Pồn Pông sẽ được lớp trẻ Cao Ngọc này gìn giữ…”/.