Ngày 14/3, tại Hà Nội, đại diện của một số cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan báo chí, nhà báo... đã tham gia hội thảo "Nguồn lực đất đai và vai trò truyền thông" do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Báo chí và những tiêu cực về đất đai
Thời gian gần đây, những vụ việc tiêu cực về đất đai, điển hình là vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) mà báo chí đã có "cú lội ngược dòng" ngoạn mục là chủ đề được các nhà báo, cơ quan báo chí bàn luận.
Ban đầu nếu chỉ dựa vào thông tin của chính quyền thì đây chỉ là một vụ án hình sự với tính chất manh động kiểu "giang hồ đất cảng," nhưng những điều tra độc lập, đa chiều của báo chí đã tìm ra đúng sự thật.
Một số báo cũng đã có loạt bài điều tra về những sai phạm luật đất đai với loại đất thuộc diện quai đê lấn biển ở một số tỉnh ven biển phía Bắc, cũng như việc thu hồi đất rừng của dân ở khu vực miền núi...
Báo chí đã thể hiện tính xung kích trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền địa phương; biết tận dụng thông tin từ dân, có công nghệ thông tin trợ giúp tác nghiệp.
Tuy vậy, báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng, ví như trường hợp vụ Tiên Lãng, báo Vietnam Economic News đã phản ánh từ năm 2008. Một số tờ báo ở địa phương nơi xảy ra vụ việc vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương làm giảm tính phản biện, khách quan của báo chí.
Xu hướng tranh giành thông tin, nuôi thông tin theo kiểu kéo dài nhiều kỳ, một chiều phê phán chính quyền, có báo còn cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Đoàn Văn Vươn... là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết những vấn đề chính trị có thể phát sinh từ những kích động của bạn đọc.
Những thông tin kết luận tội danh cá nhân lãnh đạo địa phương khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án tác động mạnh mẽ tới tâm lý nhân dân, ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ giữa người dân và chính quyền.
Những cản trở khi tác nghiệp
Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển đã triển khai dự án "Nghiên cứu - truyền thông về các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí."
Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia các nguồn lực, trong đó có tài nguyên khoáng sản quốc gia, điển hình là đất đai. Một khảo sát của RED đối với 384 nhà báo cho thấy cản trở trong lĩnh vực chống tiêu cực về tài chính chiếm gần 46%, quản lý đất đai gần 41%, chống xâm hại môi trường 37,5%... Các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp trong vụ việc ở Tiên Lãng là né tránh cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai, đe dọa, cản trở nhà báo."
Một thực trạng phổ biến trên nhiều lĩnh vực là người dân nói chung và báo chí nói riêng mới chỉ tiếp cận một cách thụ động với thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp với nội dung và tại thời điểm, địa điểm theo ý chí của cơ quan chức năng, chứ chưa chủ động tiếp cận, yêu cầu được cung cấp.
Hoặc cơ quan nhà nước công khai thông tin nhưng không diễn giải theo hướng giúp người dân, trong đó có báo chí, hiểu được thông tin đó có ý nghĩa gì.
Về chế tài xử lý, Chính phủ đã có Nghị định 02/2011 quy định xử phạt các hành vi cản trở nhà báo hành nghề cũng như né tránh, từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng việc thực thi còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm nhà báo
Nhiều đại biểu đồng tình rằng để tăng cường tính công khai minh bạch trong bộ máy nhà nước, Luật Báo chí sửa đổi tới đây cần bổ sung các quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia về lĩnh vực đất đai, cho rằng để thực thi pháp luật tốt phải có hệ thống giám sát và trợ giúp pháp lý cho người dân. Hệ thống giám sát hiện không đồng bộ và kết quả của quá trình giám sát chưa hiệu quả nên Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần quan tâm đến hệ thống giám sát, đánh giá.
Do tính chất đặc thù của nghề báo, nhà báo có trách nhiệm xã hội cao hơn, vì mỗi bài viết của họ có tác động nhất định trong xã hội.
Bởi vậy phải tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên để trong quá trình tác nghiệp các nhà báo luôn thực hiện đúng pháp luật, đưa tin khách quan, trung thực vì lợi ích chung và cộng đồng./.
Báo chí và những tiêu cực về đất đai
Thời gian gần đây, những vụ việc tiêu cực về đất đai, điển hình là vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) mà báo chí đã có "cú lội ngược dòng" ngoạn mục là chủ đề được các nhà báo, cơ quan báo chí bàn luận.
Ban đầu nếu chỉ dựa vào thông tin của chính quyền thì đây chỉ là một vụ án hình sự với tính chất manh động kiểu "giang hồ đất cảng," nhưng những điều tra độc lập, đa chiều của báo chí đã tìm ra đúng sự thật.
Một số báo cũng đã có loạt bài điều tra về những sai phạm luật đất đai với loại đất thuộc diện quai đê lấn biển ở một số tỉnh ven biển phía Bắc, cũng như việc thu hồi đất rừng của dân ở khu vực miền núi...
Báo chí đã thể hiện tính xung kích trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền địa phương; biết tận dụng thông tin từ dân, có công nghệ thông tin trợ giúp tác nghiệp.
Tuy vậy, báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng, ví như trường hợp vụ Tiên Lãng, báo Vietnam Economic News đã phản ánh từ năm 2008. Một số tờ báo ở địa phương nơi xảy ra vụ việc vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương làm giảm tính phản biện, khách quan của báo chí.
Xu hướng tranh giành thông tin, nuôi thông tin theo kiểu kéo dài nhiều kỳ, một chiều phê phán chính quyền, có báo còn cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Đoàn Văn Vươn... là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết những vấn đề chính trị có thể phát sinh từ những kích động của bạn đọc.
Những thông tin kết luận tội danh cá nhân lãnh đạo địa phương khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án tác động mạnh mẽ tới tâm lý nhân dân, ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ giữa người dân và chính quyền.
Những cản trở khi tác nghiệp
Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển đã triển khai dự án "Nghiên cứu - truyền thông về các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí."
Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia các nguồn lực, trong đó có tài nguyên khoáng sản quốc gia, điển hình là đất đai. Một khảo sát của RED đối với 384 nhà báo cho thấy cản trở trong lĩnh vực chống tiêu cực về tài chính chiếm gần 46%, quản lý đất đai gần 41%, chống xâm hại môi trường 37,5%... Các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp trong vụ việc ở Tiên Lãng là né tránh cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai, đe dọa, cản trở nhà báo."
Một thực trạng phổ biến trên nhiều lĩnh vực là người dân nói chung và báo chí nói riêng mới chỉ tiếp cận một cách thụ động với thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp với nội dung và tại thời điểm, địa điểm theo ý chí của cơ quan chức năng, chứ chưa chủ động tiếp cận, yêu cầu được cung cấp.
Hoặc cơ quan nhà nước công khai thông tin nhưng không diễn giải theo hướng giúp người dân, trong đó có báo chí, hiểu được thông tin đó có ý nghĩa gì.
Về chế tài xử lý, Chính phủ đã có Nghị định 02/2011 quy định xử phạt các hành vi cản trở nhà báo hành nghề cũng như né tránh, từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng việc thực thi còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm nhà báo
Nhiều đại biểu đồng tình rằng để tăng cường tính công khai minh bạch trong bộ máy nhà nước, Luật Báo chí sửa đổi tới đây cần bổ sung các quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia về lĩnh vực đất đai, cho rằng để thực thi pháp luật tốt phải có hệ thống giám sát và trợ giúp pháp lý cho người dân. Hệ thống giám sát hiện không đồng bộ và kết quả của quá trình giám sát chưa hiệu quả nên Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần quan tâm đến hệ thống giám sát, đánh giá.
Do tính chất đặc thù của nghề báo, nhà báo có trách nhiệm xã hội cao hơn, vì mỗi bài viết của họ có tác động nhất định trong xã hội.
Bởi vậy phải tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên để trong quá trình tác nghiệp các nhà báo luôn thực hiện đúng pháp luật, đưa tin khách quan, trung thực vì lợi ích chung và cộng đồng./.
Minh Nguyệt (TTXVN)