Nguy cơ Mỹ rơi vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel vừa ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-Israel; theo đó Mỹ cam kết “không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, sẵn sàng đảm bảo kết quả đó".
Nguy cơ Mỹ rơi vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông ảnh 1Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Yair Lapid, ký cam kết an ninh tại Jerusalem, vào ngày 14/7. (Nguồn: AFP)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lipid ngày 14/7 vừa qua đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-Israel.

Theo đó Mỹ cam kết “không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng sử dụng mọi yếu tố sức mạnh quốc gia để đảm bảo kết quả đó.”

Có phải Israel đã lôi kéo Mỹ tham gia một cuộc giao tranh không có hồi kết, có thể yêu cầu sử dụng vũ lực - sẽ là lần thứ hai trong 2 thập kỷ ở Trung Đông - với các vũ khí hủy diệt hàng loạt (ADM) bị cáo buộc nằm trong tay những kẻ xấu?

Mặc dù tuyên bố “ngoại giao là cách tốt nhất,” việc Biden đặt bút ký vào tuyên bố chung là điều có ý nghĩa với các nhà lãnh đạo Israel, những người đã nói rõ rằng “nếu họ (Iran) tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, thế giới tự do sẽ sử dụng vũ lực” (lời Thủ tướng Lipid) và “Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân - không phải trong những năm tới, không bao giờ” (David Barnea, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad).

Nếu Mỹ chỉ tham gia chiếu lệ, chúng ta có thể hy vọng Washington sẽ suy nghĩ về những câu hỏi như Ai quyết định tấn công Iran? Dựa trên thông tin từ ai? Thông tin sẽ được công bố như thế nào để dư luận tranh luận? Và quan trọng nhất, nó có lợi gì cho nước Mỹ? Nhà Trắng gọi các cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel là “không thể lay chuyển,” “lưỡng đảng và bất khả xâm phạm” và là “cam kết đạo đức.” Tuy nhiên, chúng là những cam kết không rõ ràng và Washington nên suy nghĩ kỹ về ảnh hưởng đối với khu vực và thế giới nếu Israel quyết định tấn công Iran.

Iran sẽ trở thành cường quốc hạt nhân?

Ngay cả cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak cũng cho rằng “đã quá muộn để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng một cuộc tấn công phủ đầu.” Nhưng Barak cũng hy vọng vào sự sụp đổ của chế độ ở Tehran và người dân Iran sau đó sẽ dễ dàng hợp tác hơn với Israel và Mỹ bằng cách từ bỏ khả năng hạt nhân của họ. Có khả năng cựu thủ tướng Israel đã tính đến việc ngay cả một chính phủ Iran không thù địch với phương Tây cũng sẽ muốn “mặc cả” thứ gì đó, chẳng hạn như dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, trước khi họ từ bỏ chương trình hạt nhân, vì ký ức về những gì đã xảy ra với Muammar Gaddafi ở Libya sẽ vẫn còn tồn tại trong tâm trí họ.

Israel cảm thấy họ đang chạy đua với thời gian khi Iran tiến gần hơn tới việc chế tạo bom hạt nhân, mặc dù một quan chức cấp cao của Iran tuyên bố Iran “có khả năng kỹ thuật để chế tạo bom hạt nhân” nhưng Tehran “chưa đưa ra quyết định chế tạo bom nguyên tử.”

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, “Tehran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân tại một thời điểm nào đó, nhưng đã tạm dừng chương trình vũ khí hạt nhân và chưa làm chủ được tất cả các công nghệ cần thiết để chế tạo vũ khí đó.”

Israel cũng đang chạy đua với Iran trong việc cải thiện quan hệ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bởi một khi Tehran thành công, điều đó sẽ làm giảm căng thẳng trong khu vực và gia tăng hậu quả cho Nhà nước Do Thái nếu họ khơi mào một cuộc chiến tranh khác trong khu vực, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế thế giới. 

[Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức thăm Israel]

Tác động kinh tế của cuộc chiến Nga-Ukraine là rất nhỏ đối với Mỹ vì nước này có ít liên kết kinh tế với Nga và Ukraine so với nhiều quốc gia châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Điều này có thể không xảy ra với một cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh khiến các chuyến hàng chở dầu, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm hóa dầu phải ngừng hoạt động ngay lập tức, do thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng kinh tế hoặc gia tăng bảo hiểm tàu thuyền (nếu có bảo hiểm) khiến các chuyến tàu chở hàng không có lãi.

Khu vực Vùng Vịnh, qua eo biển Hormuz, là nơi cung cấp “khoảng 21% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.” Bất kỳ quốc gia nào phát động một cuộc chiến tranh vô cớ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới sẽ có rất nhiều câu hỏi phải trả lời và ngay cả những người ủng hộ Israel tại Mỹ cũng sẽ khó bảo vệ quan điểm của họ.

Saudi Arabia và UAE có thể đang xích lại gần Israel hơn, nhưng các triều đại cầm quyền của họ sẽ không bỏ qua sự phẫn nộ của người dân nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công vô cớ vào Iran.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell có thể đã đặt ra tiêu chuẩn cho Israel khi ông đưa ra lời giải thích ngắn gọn trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/2/2003 về việc Mỹ tấn công Iraq.

Israel liệu đã sẵn sàng bảo vệ ý kiến của họ trước cộng đồng quốc tế trong trường hợp họ tấn công Iran trước khi phá hủy thế giới hay chưa? Nếu Israel tấn công Iran, ngay cả khi thất bại, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là người nghèo, sẽ bị tổn thương do giá năng lượng tăng vọt và các liên kết thương mại, vận tải và di cư bị gián đoạn.

Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhiều quốc gia, chủ yếu thuộc nhóm nước đang phát triển, đã quyết định đứng ngoài cuộc chiến này, bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo họ đứng về phía phương Tây. Điều này có thể lặp lại, đặc biệt nếu nhiều quốc gia nghi ngờ có bàn tay của Washington đằng sau các hành động của quốc gia “đệ tử,” một thành viên danh dự của nhóm phương Tây - những kẻ luôn rao giảng “trật tự dựa trên luật lệ.”

Trên thực tế, những hậu quả mang tính cục bộ khiến Washington lo ngại. Iran sẽ cho rằng Mỹ đạo diễn và chấp thuận một cuộc tấn công, vì vậy họ sẽ trả đũa bằng cách tấn công các lực lượng Mỹ trong khu vực, có căn cứ tại UAE, Iraq, Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Qatar và Oman, trong khi Israel hoàn toàn có thể “ung dung” vì họ cách xa Vùng Vịnh 1.000 dặm.

Các quốc gia có căn cứ quân sự của Mỹ sau đó có thể đánh giá lại lợi ích của sự hiện diện của các lực lượng Mỹ và yêu cầu Mỹ rời đi, làm suy giảm sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ, tất cả điều này chỉ có lợi cho Iran và các quốc gia bạn bè của họ là Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhóm khủng bố Hezbollah và Hamas, đều được Iran hậu thuẫn, sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào Israel khi biết rằng họ sẽ được hưởng lợi từ sự ủng hộ của người dân chống lại kẻ xâm lược.

Nguy cơ Mỹ rơi vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông ảnh 2Người dân Iran trên một con phố ở thủ đô Tehran ngày 28/12/2021. (Nguồn: AFP)

Để tấn công Iran, các lực lượng Israel sẽ phải xâm phạm không phận của nhiều quốc gia bao gồm cả Iraq và Saudi Arabia và sẽ phải làm vậy trong thời gian dài vì có thể phải thực hiện nhiều phi vụ để đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran đã chấm dứt.

Các chính phủ ở Baghdad và Riyadh sẽ phải đáp trả ngay lập tức do sự phẫn nộ của người dân về việc vi phạm chủ quyền của họ và chúng ta có thể thấy cảnh tượng kinh hoàng khi các máy bay chiến đấu do Mỹ bán cho Riyadh áp sát máy bay chiến đấu mà Mỹ cung cấp cho Israel.

Nếu Chính phủ Mỹ cố gắng ra lệnh cho Saudi Arabia từ bỏ, Nhà Trắng có thể học được bài học rằng một “cái bắt tay” cũng chỉ có thể giúp bạn ở chừng mực nhất định và nên chuẩn bị cho một thế giới mà giá dầu không còn được định đoạt dựa trên đồng USD.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Iran bị tấn công vô cớ?

Đầu tiên, Iran sẽ có lý do chính đáng để từ bỏ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng Israel chưa bao giờ tham gia hiệp ước và chế tạo vũ khí hạt nhân mà không bị trừng phạt. Họ sẽ nhận được sự đồng cảm của người dân khu vực, điều này sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Đông và những người bạn mớicủa Israel (theo Hiệp ước Abraham) xích lại gần Tehranvà hồi sinh các mối quan hệ kinh tế và văn hóa đang bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, thách thức Washington phải làm gì đó.

Công chúng Mỹ, không hào hứng sau khi “đốt” 4.000 tỷ USD ở Iraq và Afghanistan, sẽ không muốn tham gia cuộc chiến vì Mỹ đã bán và tặng cho Israel mọi vũ khí mà họ từng yêu cầu.

Giới lãnh đạo Iran có muốn Nhà nước Do Thái bị tiêu diệt không? Tất nhiên là có, nhưng họ sẽ không dựa vào vũ khí hạt nhân để làm điều đó. Ban lãnh đạo ở Tehran quan tâm đến sự tồn tại và trường tồn của họ hơn là cố gắng xóa sổ nhà nước Do Thái bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì vậy họ sẽ dựa vào Hezbollah, Hamas và các lực lượng của họ ở Liban và Syria.

Iran sẽ giữ cuộc xung đột ở dưới ngưỡng xung đột hạt nhân để Israel không có lý do tấn công, trong khi nước này trở thành một quốc gia có thể nhanh chóng lắp ráp bom hạt nhân nếu cần thiết. Họ sẽ tiếp tục chương trình phát triển tên lửa vì lý do này.

Trên thực tế, việc công bố một vụ thử vũ khí thành công và việc ngừng chương trình hoạt động sau đó (với sự trở lại của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), có thể mang lại cho nước Cộng hòa Hồi giáo một số tín nhiệm về tính minh bạch và qua đó có thể kiềm chế hoạt động của Israel.

Israel tuyên bố họ có “quyền tự vệ” để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng đó không phải là việc ném bom một số tiền đồn của Hezbollah mà không ai quan tâm. Một cuộc tấn công vô cớ của Israel nhằm vào Iran sẽ làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu và đảm bảo sự cô lập lâu dài đối với Nhà nước Do Thái, không chỉ bởi các quốc gia láng giềng Arab.

Trừ khi Israel có thể đưa ra một lý do để chống lại Iran, phương án tốt nhất là tiếp tục chiến dịch ám sát, lật đổ và phá hoại cấp độ thấp đang được các bên thực hiện cho đến nay. Phát động một cuộc chiến tranh vì lý do không rõ ràng - chẳng hạn như một ngày nào đó phát hiện một ai đó có thể chế tạo bom hạt nhân, như bài học của Mỹ ở Iraq - rất đau đớn và tốn kém.

Nhà cách mạng người Nga Mikhail Bakunin, tự nhận mình là người theo chủ nghĩa vô chính phủ, từng cảnh báo hồi năm 1870: “Hãy cẩn thận với các quốc gia nhỏ” và lời khuyên của ông vẫn đúng cho đến ngày nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục