Nguy cơ quân đội Mỹ tại Hàn Quốc phải phân tán nhân lực

Nếu Mỹ và Hàn Quốc không đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự trước tháng 4 tới, khoảng 9.000 nhân công Hàn Quốc sẽ phải tạm nghỉ việc tại căn cứ quân sự của Mỹ.
Nguy cơ quân đội Mỹ tại Hàn Quốc phải phân tán nhân lực ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Nguồn: Army)

Theo trang mạng edition.cnn.com, một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia lại đang âm ỉ tại bán đảo Tiều Tiên trong bối cảnh dư luận quan ngại trước nguy cơ Mỹ và Hàn Quốc không thể đạt thỏa thuận về công thức chia sẻ chi phí mới cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại đây.

Một số quan chức quân sự cấp cao của Mỹ và giới chức quốc phòng cho biết nếu 2 bên không đạt thỏa thuận trước tháng 4 tới, khoảng 9.000 nhân công Hàn Quốc sẽ phải tạm nghỉ việc tại các căn cứ quân sự của Mỹ, một diễn biến có thể hủy hoại các nhiệm vụ của quân đội Mỹ giữa lúc căng thẳng Mỹ-Triều vẫn chưa được hóa giải.

Tranh cãi về khoản chi phí phục vụ 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc tăng 400% số tiền họ đóng góp theo Thỏa thuận các Biện pháp Đặc biệt.

Yêu cầu này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Seoul và khiến các nhà lập pháp của cả 2 chính đảng lớn nhất tại Mỹ đặc biệt lo ngại.

Các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Hàn Quốc, trong khi Trump ngày càng chú trọng tới chiến dịch trái tranh cử. Đây là một thực tế khiến 2 bên không có nhiều không gian chính trị, và càng khiến người ta không mấy kỳ vọng vào việc sẽ sớm tìm được giải pháp. Nếu bế tắc tiếp tục trong ngắn hạn, quân đội Mỹ có thể sẽ tiếp quản phần việc của nhân sự người Hàn Quốc.

Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của quân đội trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục các hoạt động trong chương trình hạt nhân. Còn nếu tình trạng này tiếp diễn trong dài hạn, liên minh của Mỹ tại châu Á chắc chắn không thể tránh khỏi những thiệt hại nhất định.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng “rất có thể” Mỹ phải đảm nhận phần việc vốn thuộc về nhân sự người Hàn, một phát biểu càng làm gia tăng những lo ngại về tác động của bế tắc này đối với mối quan hệ quân sự và ngoại giao giữa Washington và Seoul.

[Hàn Quốc và Mỹ chưa đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng]

Vòng đàm phán gần đây nhất giữa 2 quốc gia kết thúc vào ngày 15/1 tại Washington mà không đem đến bất kỳ thỏa thuận hay kế hoạch chính thức nào về vòng thảo luận tiếp theo.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói rằng giới chức Mỹ đã phải “điều chỉnh lập trường” trong suốt 6 vòng đàm phán, và rằng hiện họ không chú trọng đến đòi hỏi Hàn Quốc tăng số tiền chi trả lên 400%.

Quan chức này không nói chi tiết về yêu cầu của các nhà đàm phán Mỹ, song cho biết Hàn Quốc không đưa ra quá nhiều nhượng bộ tại bàn đàm phán.

Theo ông, việc Hàn Quốc vào năm ngoái tăng mức chi tiêu cho lực lượng Mỹ đồn trú lên thêm 8% “không phải là kết quả tối ưu,” và Mỹ cần Hàn Quốc “đi xa hơn.”

Thách thức sẽ càng lớn hơn nếu 2 bên không đạt thỏa thuận trước trung tuần tháng 4, thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc. Hai nước có thể đạt thỏa thuận trên nguyên tắc vào thời điểm đó, song các điều khoản chỉ chính thức có hiệu lực sau khi được nghị viện thông qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dự kiến sẽ có cuộc gặp vào ngày 24/2 với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo để thảo luận về tình hình. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman chia sẻ với báo giới hôm 19/2: “Quân đội sẽ tìm cách thích nghi với tình hình. Chúng tôi tập trung vào việc tiếp tục đảm bảo năng lực tác chiến.”

Tại Seoul, Chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Robert Abrams đã có cuộc gặp với liên đoàn người lao động Hàn Quốc và cảnh báo rằng “các nguồn ngân sách được phân bổ sẽ cạn vào ngày 31/3, và nếu không có sự đồng thuận (giữa chính quyền 2 nước) về Thỏa thuận các Biện pháp Đặc biệt, USFK sẽ hết kinh phí và phải chuẩn bị cho việc ngừng các hoạt động.”

Tướng Vincent Brooks - đã nghỉ hưu, từng phụ trách lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc - cảnh báo rằng nếu nguy cơ trên diễn ra, quân đội Mỹ sẽ phải dừng các hoạt động thường nhật để làm công tác hỗ trợ.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu hai bên không thỏa hiệp, mối quan hệ Mỹ-Hàn sẽ hứng chịu những thiệt hại trong dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục