Nguy cơ suy thoái tiếp tục đe dọa kinh tế toàn cầu

Hội nghị G-20 đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 ở mức vừa phải và nguy cơ suy thoái vẫn ở mức cao.
Theo nhiều nguồn tin, sau hai ngày thảo luận, chiều 26/2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) đã bế mạc tại thủ đô Mexico.

Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 ở mức vừa phải và nguy cơ suy thoái vẫn ở mức cao với những nhân tố bất ổn như sự biến động của các thị trường tài chính quốc tế, giá dầu tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao ở một số nước.

Tuyên bố nhấn mạnh sự tăng trưởng không đồng đều với tốc độ tăng trưởng yếu ở các nền kinh tế phát triển và tốc độ tăng trưởng mạnh hơn, dù đã có dấu hiệu chậm lại, ở những nền kinh tế mới nổi, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện Kế hoạch hành động Can để thúc đẩy sự tăng trưởng và tạo việc làm; tăng cường giám sát tiến trình thực hiện chính sách của mỗi nước liên quan tới lĩnh vực tài chính, tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Tuyên bố cho rằng cộng đồng quốc tế cần bảo đảm IMF có đủ nguồn lực cần thiết và các nước khu vực đồng euro cần hành động khẩn cấp để xây dựng "bức tường lửa" cũng như gia tăng các chương trình cải cách cơ cấu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.

Các nước G-20 kêu gọi châu Âu tăng thêm nguồn tài chính đối phó với khủng hoảng, đồng thời tiến hành đánh giá lại sức mạnh của quỹ cứu trợ châu Âu nếu châu lục này muốn được nhận thêm nguồn hỗ trợ từ các nước khác.

G-20 cho rằng đó là điều kiện cần thiết để xem xét việc "bơm" thêm tiền cho quỹ đối phó với khủng hoảng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuyên bố cho biết các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực để vào tháng Tư tới có thể đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ toàn cầu thứ hai trị giá gần 2.000 tỷ USD, bao gồm các khoản cứu trợ hiện có và các khoản cứu trợ mới, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng, đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, một số nền kinh tế mới nổi đã đưa ra điều kiện cho việc đóng góp thêm vào quỹ cứu trợ của IMF. Bộ trưởng Tài chính Brazil cho rằng các nền kinh tế mới nổi muốn việc thực hiện kế hoạch cải cách năm 2010 của IMF sẽ cho phép họ có tiếng nói lớn hơn trong tổ chức này.

Tại hội nghị, các nước G-20 cũng cảnh báo nguy cơ giá dầu (hiện ở mức 125 USD/thùng) tiếp tục tăng cao trong thời gian tới và hoan nghênh cam kết của các nước sản xuất dầu mỏ nỗ lực bảo đảm nguồn cung ổn định. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 là một bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến diễn ra tại Mexicp vào tháng Sáu tới.

Nhóm G-20 gồm 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi, cùng với Liên minh châu Âu (EU), tập trung 2/3 dân số thế giới và nắm giữ 90% GDP toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục