Nguyên nhân EU không thống nhất về việc tiêm mũi vaccine tăng cường

Nguyên nhân EU không thống nhất việc tiêm mũi vaccine tăng cường

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng có thể được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung vì họ có thể không được bảo vệ đầy đủ.
Nguyên nhân EU không thống nhất việc tiêm mũi vaccine tăng cường ảnh 1Tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi tại Berlin, Đức. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, một loạt chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai trên khắp Liên minh châu Âu (EU) ngay cả trước khi cơ quan giám sát dược phẩm của khu vực đưa ra các quy định về việc liệu chúng có an toàn và hiệu quả hay không.

Italy, Pháp, Đức và Ireland đã bắt đầu thực hiện các mũi tiêm nhắc lại và Hà Lan có kế hoạch sớm triển khai nhưng chỉ đối với những người bị ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU đang chờ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra ý kiến trong tuần này.

Bức tranh phân cực ở châu Âu này phản ánh cách tiếp cận khác nhau như đã thấy trong việc triển khai tiêm chủng ở một trong những khu vực giàu nhất thế giới hồi đầu năm nay. Họ cũng nhấn mạnh sự thiếu đồng thuận giữa các nhà khoa học về mức độ cần thiết của tiêm chủng, trong khi chính phủ các nước tìm cách vực dậy nền kinh tế ốm yếu của họ, đối phó với biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và tránh việc phải phong tỏa trở lại vào mùa Đông.

Nhấn mạnh những nguy cơ, trung tâm phòng chống các bệnh truyền nhiễm của EU hôm 30/9 vừa qua cho biết tỷ lệ phủ vaccine trong khu vực vẫn còn quá thấp và có nguy cơ gia tăng đáng kể các ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong trong 6 tuần tới. Chỉ có 61% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ và chỉ có 3 quốc gia - gồm Malta, Bồ Đào Nha và Iceland - đã tiêm chủng cho hơn 75% dân số của họ. Con số này chênh lệch quá lớn so với chưa đến 1/4 dân số của Bulgaria, một trong những quốc gia tụt hậu lớn trong việc tiêm chủng của EU.

Tuy nhiên, sự thúc đẩy của khối đối với kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ khuấy động cuộc tranh luận về việc sử dụng vaccine của các quốc gia giàu trong khi các quốc gia nghèo hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp và tiêm chủng cho công dân của họ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trì hoãn tiêm mũi vaccine tăng cường cho đến khi nhiều người trên thế giới được tiêm chủng.

Nếu EMA ủng hộ sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi bổ trợ thứ ba, EU gồm 27 quốc gia thành viên sẽ tham gia cùng với Mỹ, Anh và Israel thực hiện kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường. Các quốc gia này đã dựa trên dữ liệu từ Israel, nơi dân chúng đã được tiêm mũi tăng cường, cho thấy hơn 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm một mũi tăng cường là vaccine của Pfizer, dẫn đến giảm số ca nhiễm trùng nói chung cũng như các ca bệnh nặng do COVID-19 trong nhóm đó.

Pfizer và Moderna cũng từng công bố phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả các vaccine của họ đạt trên 90% đối với các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, và sau đó sẽ giảm dần theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều bổ trợ thứ 3. Nhiều chuyên gia về vaccine cho biết dữ liệu cho đến nay chỉ cho thấy nhu cầu tiêm mũi tăng cường ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Dự kiến EMA có quyết định trong ngày 4/10, mặc dù cơ quan quản lý này không có khả năng cung cấp hướng dẫn chi tiết về việc ai sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường. EMA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đều cho biết không có đủ dữ liệu về vấn đề này.

Hôm 30/9 vừa qua, ECDC cho biết những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng có thể được tiêm mũi bổ sung vì họ có thể không được bảo vệ đầy đủ với số mũi tiêm tiêu chuẩn.

[Khan hiếm vaccine COVID-19: Cơ hội cho các loại vaccine ít tên tuổi]

Để phòng ngừa, những người già yếu, đặc biệt là những người sống trong các viện dưỡng lão, cũng có thể được tiêm mũi tăng cường, trong khi các nhân viên y tế và những người khác thường xuyên tiếp xúc với virus cũng có thể được xem xét tiêm mũi này. Tuy nhiên, ECDC cho biết họ vẫn đang đánh giá dữ liệu về khả năng miễn dịch suy giảm sau khi tiêm chủng và hiệu quả của vaccine giảm đối với biến thể Delta.

Trong khi đó, các nước EU đang thực hiện các chính sách riêng. Italy đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhắm vào tổng số khoảng 9 triệu người.

Ngược lại, Hà Lan đang hạn chế tiêm mũi tăng cường đối với những người bị ức chế miễn dịch - ước tính khoảng 400.000 người - và đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm đủ 2 mũi.

Hội đồng y tế nêu rõ: “Hiện tại, vaccine ngừa COVID-19 cung cấp khả năng bảo vệ cao chưa từng có đối với virus. Dấu hiệu duy nhất cho đến nay về việc vaccine giảm dần hiệu quả theo thời gian đến từ Israel, nhưng bản thân những dấu hiệu này vẫn cung cấp quá ít cơ sở cho một chiến dịch tiêm mũi tăng cường ở Hà Lan."

Tại Đan Mạch, chính phủ đang theo đuổi một chiến lược tương tự nhưng có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi nếu được EMA “bật đèn xanh”. Thụy Sĩ sẽ không tiến hành tiêm mũi bổ trợ vào lúc này vì nhà chức trách cho biết họ không thấy khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian, nhưng họ vẫn đang theo dõi dữ liệu. Việc ra quyết định của EMA cũng đã bộc lộ những chia rẽ trong nội bộ các quốc gia.

Các bộ trưởng y tế liên bang và khu vực của Đức đã lo ngại về việc tỷ lệ tiêm chủng chậm lại và đã ủng hộ việc tiêm mũi tăng cường cho một bộ phận lớn dân chúng. Nhưng hội đồng chuyên gia về vaccine của Đức (STIKO) chỉ chấp thuận tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng. Họ cho biết đang xem xét mở rộng sang các nhóm khác và sẽ đưa ra khuyến nghị trong những tuần tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục