Nguyên nhân khiến Lâm Đồng giảm tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh

Tình trạng giảm thứ hạng PCI được một số sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đưa ra nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân không được nhắc tới là sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư về một số chính sách của tỉnh.

Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)
Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

Những năm trước đây, Lâm Đồng luôn đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên và trong top đầu cả nước về chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn).

Vậy nhưng 6 tháng đầu năm 2024, địa phương này lại đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành cả nước.

Không chỉ vậy, chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Lâm Đồng năm 2022 đứng thứ 17, đến năm 2023 đã tụt xuống 56/63 tỉnh-thành.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trong gần 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có dự án đầu tư cấp mới, nghĩa là không có 1 nhà đầu tư nào tìm đến tỉnh Lâm Đồng.

Tình trạng giảm "thứ hạng" này đã được một số sở, ngành của tỉnh đưa ra nguyên nhân, nhưng có những nguyên nhân không được nhắc tới, đó là sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư về một số chính sách của tỉnh.

Giảm sút đáng lo ngại

Theo báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 9/5/2024, chỉ số PCI năm 2023 tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 39 bậc so với năm 2022.

Nhiều chỉ số thành phần của PCI giảm điểm thứ hạng so với năm 2022 như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động.

Trước tình hình này, ỦY ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở, ngành cùng các địa phương nghiên cứu, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm PCI năm 2023 so với 2022; trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong việc để giảm chỉ số này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả, đảm bảo cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2024.

TTXVN_1906Lamdong.jpg
Dây chuyền kéo tơ ở nhà máy của Công ty TNHH HuaLong (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, có 2 chỉ số quan trọng năm 2023 bị giảm điểm là chỉ số tiếp cận đất đai - giảm 1,41 điểm xuống còn 6,43 điểm; chỉ số chi phí không chính thức (CPKCT) - giảm 1,11 điểm xuống còn 6,52 điểm…

Đại diện Sở Công Thương cho biết tỷ lệ doanh nghiệp biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt 14%, giảm 5%; tỷ lệ đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA là thuận lợi đạt 36%, giảm 31%.

Còn theo Sở Giao thông Vận tải, trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì năm 2023 tỉnh Lâm Đồng chỉ có 1 chỉ số tăng điểm là chi phí gia nhập thị trường thấp; 5 chỉ số chưa được cải thiện là tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động; 4 chỉ số giảm điểm.

Tại buổi gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban ngành; trưởng phòng các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Lâm Đồng ngày 31/5/2024, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết tỉnh đang đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn.

"Nhiều người nói rằng là rơi tự do chứ không còn tụt hạng nữa. Từ vị trí 17 xuống 56 là vấn đề mà không thể không tự hỏi tại sao chúng ta như thế này" - ông Học đánh giá.

Nguyên nhân được tìm ra

Trước tình hình trên, ngày 17/5/2024, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 3936/UBND-TH3, chỉ đạo các sở ngành, địa phương phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm các chỉ số thành phần của chỉ số PCI tỉnh Lâm Đồng năm 2023. Sở Công Thương là 1 trong những đơn vị hiếm hoi mà trong nội dung báo cáo phản hồi chỉ đạo của UBND tỉnh có mục “Nguyên nhân chủ quan-khách quan.”

Theo văn bản phản hồi của sở này, nguyên nhân chủ quan là: “Các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các FTA. Mặc dù, Sở Công Thương hàng năm tổ chức các lớp tập huấn thông tin về các quy định của FTA, nhưng đa số chủ doanh nghiệp cử nhân viên tham gia, còn người có quyền quyết định trong doanh nghiệp không tham dự hoặc kiến nghị nội dung cụ thể…”

Nguyên nhân khách quan được sở này chỉ ra là: “Nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng do năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung cho khâu sản xuất; các thủ tục pháp lý của doanh nghiệp còn chưa được hoàn thiện dẫn đến không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ từ cơ quan nhà nước… Lợi thế từ các FTA bao gồm nhiều lĩnh vực như: thuế quan, môi trường, dịch chuyển lao động, sở hữu trí tuệ…, việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA sẽ được sở, ngành, cơ quan chủ quản triển khai cụ thể. Tuy nhiên, các ngành chưa quan tâm đúng mức và chưa đề ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên.”

Mặc dù, tại văn bản chỉ đạo số 3936, Ủy ban Nhân dân tỉnh nêu rõ cần “phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan” nhưng phần lớn các văn bản phản hồi của các sở, ngành gửi tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh lại thiếu mất mục này.

Cụ thể như văn bản số 1332/STNMT-VP của Sở Tài nguyên và Môi trường, văn bản số 793/SGTVT- VP của sở Giao thông Vận tải và một số sở, ngành khác. Dù không tìm ra được nguyên nhân tại sao, nhưng các sở, ngành đều đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.

Trong số đó chủ yếu là giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan; tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra; thường xuyên rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao trình độ kiến thức những cán bộ làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân chưa đề cập tới

Khác với những nguyên nhân khiến cho tỉnh Lâm Đồng tụt hạng PCI mà các sở, ngành tìm ra, có một nguyên nhân chính mà các sở, ngành không đề cập tới, đó là sự đánh mất niềm tin của các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Chính sách “tiền hậu bất nhất” của địa phương này đã khiến nhiều doanh nghiệp đang ăn nên làm ra sau nhiều năm, hiện đang phải nợ nần và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là Công ty cổ phần Sao Đà Lạt, chủ đầu tư Khu du lịch Đường hầm điêu khắc nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt.

Năm 2008, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000240 để đầu tư Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt, sau đó chuyển mục đích đầu tư Khu Du lịch Đường hầm điêu khắc. Tại Điều 7 của Giấy chứng nhận đầu tư có điều khoản "Doanh nghiệp được miễn thuế trong thời gian 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, sau 10 năm dự án này đi vào hoạt động, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng lại tổ chức kiểm tra và đến năm 2020 đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế và truy thu thuế với doanh nghiệp này, vì cho rằng Giấy phép đầu tư trên cấp… nhầm đối tượng. Hiện Cục Thuế tỉnh tiếp tục cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp từ năm 2008 cho Công ty cổ phần Sao Đà Lạt, bỏ phần miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác là trong 3 kỳ thông báo nợ thuế của Cục Thuế tỉnh gần đây, địa phương này bắt đầu xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất ngày càng tăng, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.

Nguyên nhân được cho là mức giá cho thuê đất của tỉnh Lâm Đồng mới điều chỉnh thay đổi quá cao so với chu kỳ trước, người thuê đất không có lãi nên không thể nộp nổi khoản chi phí này.

Cụ thể theo Thông báo ngày 27/2/2024 của Cục Thuế tỉnh, trong tổng số tiền hơn 115 tỷ đồng nợ thuế trên 90 ngày của các doanh nghiệp nộp thuế, chỉ có 19,5 tỷ đồng là nợ tiền thuê đất, còn hơn 95 tỷ đồng là thuế và các khoản nợ khác.

Đến Thông báo ngày 23/4, khoản nợ tiền thuê đất tăng lên trên 69 tỷ đồng trong tổng số 166 tỷ đồng tiền nợ thuế và các khoản thu khác. Còn Thông báo ngày 15/5, khoản nợ tiền thuê đất đã tăng lên tới 103,7 tỷ đồng trong tổng số 213,4 tỷ đồng tiền nợ thuế và các khoản thu khác.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Lạt đang ăn nên làm ra bỗng chốc rơi vào cảnh nợ nần bởi giá thuê đất tăng đột biến. Tổng doanh thu hàng năm không đủ chi trả tiền thuê đất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ lâm vào cảnh phá sản.

Điển hình như dự án Sân Golf Đồi Cù Đà Lạt bị áp mức cho thuê đất tăng từ 14 tỷ đồng/năm trong chu kỳ 2016-2021 lên hơn 137 tỷ đồng/năm trong chu kỳ 2022-2027.

Khu du lịch Thung lũng Tình yêu Đà Lạt cũng bị áp mức giá thuê đất tăng vọt, từ 18 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng/năm cũng theo chu kỳ tương tự như Sân Golf Đồi Cù.

Một số doanh nghiệp kiến nghị rằng nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là do tỉnh Lâm Đồng mới thay đổi chính sách áp giá tiền cho thuê đất để các doanh nghiệp làm dự án kinh doanh du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng dược liệu…

Trong số đó giá cho thuê đất tăng cao gấp nhiều lần mức giá cũ, khiến doanh thu của các doanh nghiệp không đủ để nộp tiền thuê đất.

Cụ thể ngày 22/1/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-UBND nhằm thay thế Quyết định 37/QĐ-UBND cũng do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 27/4/2015, quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định các loại đất trên địa bàn tỉnh.

Nội dung nguyên tắc, phương pháp xác định giá cho thuê đất theo Quyết định 02 của tỉnh đã khiến tổng số tiền thuê đất của mỗi doanh nghiệp tăng từ trên 5 lần cho tới trên 60 lần, cao gấp nhiều lần doanh thu của nhiều doanh nghiệp.

Với vụ việc “bỗng dưng bị phạt vì nợ thuế” của doanh nghiệp mình, ông Trịnh Bá Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Đà Lạt, chủ đầu tư Khu du lịch Đường hầm điêu khắc cho biết thời điểm doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh Lâm Đồng đang “trải thảm đỏ” mời chào, vì khi đó có rất ít nhà đầu tư vào đây.

Trong Giấy phép đầu tư, lãnh đạo tỉnh ghi rõ là miễn thuế, sau đó giảm thuế cho doanh nghiệp 4 năm đầu. Sau 10 năm đi vào hoạt động, bỗng dưng doanh nghiệp lại bị phạt, bị truy thu khoản thuế này quả là điều khó hiểu.

“Doanh nghiệp khi đầu tư vào một địa phương nào là xác định đặt trọn niềm tin vào đó. Niềm tin của các nhà đầu tư bây giờ phụ thuộc vào cách hành xử của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, có chung tay, chung sức thực sự cùng doanh nghiệp xây dựng mảnh đất này hay không,” ông Dũng nói thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục