Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm vào ngày 10/12, toàn bộ diện tích đất giao cho Công ty Đại Gia Thuận đã bị người dân lấn chiếm để làm nhà, trồng cây nông nghiệp.
Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp ảnh 1Toàn cảnh 'Cụm công nghiệp Quảng Tâm' sau hơn 10 năm nhà đầu tư được cho thuê đất. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Sau hơn 10 năm được giao đất để đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, một doanh nghiệp đã để người dân lấn chiếm toàn bộ diện tích được giao. Đây có thể được coi là một trường hợp điển hình về tình trạng xem thường các quy định pháp luật liên quan tới đất đai, dẫn tới nhiều hệ lụy cần sớm được xử lý dứt điểm.

Thuê đất xong… bỏ không

Tháng 2/2010, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (gọi tắt là Công ty Đại Gia Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê gần 35ha đất thuộc địa giới hành chính xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức để đầu tư Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm. Đây là khu đất tương đôi bằng phẳng, nằm cách Tỉnh lộ 1 (nối liền 2 huyện Đắk R’Lấp và Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) khoảng 500m.

Đây là dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành vào năm 2009. Mục tiêu của dự án là “tạo tiền đề để phát triển huyện biên giới Tuy Đức theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; rút ngắn khoảng cách phát triển với các khu vực lân cận; giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương; tăng thu ngân sách…" Dự án có tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến trong 3 năm.

Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý và được bàn giao đất trên thực địa, Công ty Đại Gia Thuận không thực hiện dự án như đã cam kết. Hơn 3 năm sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, công ty này chỉ xây dựng một số hạng mục của nhà điều hành, cổng chào, nhà bảo vệ và san gạt sơ sài con đường từ Tỉnh lộ 1 vào vị trí được giao đất. Các hạng mục này đều chỉ xây dựng dang dở và sau đó đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp ảnh 2Cổng chào vào 'cụm công nghiệp' được thi công dang dở từ năm 2012 đến nay. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Đến tháng 5/2015, tức 5 năm sau khi Công ty Đại Gia Thuận được cho thuê đất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá tổng thể việc thực hiện dự án. Kết quả, cơ quan chức năng xác định nhà đầu tư chậm trễ trong thực hiện dự án; thiếu trách nhiệm quản lý dẫn tới đất đai bị lấn chiếm; giấy chứng nhận đầu tư hết hiệu lực.

Chính quyền địa phương cũng khẳng định đã liên lạc nhiều lần nhưng nhà đầu tư không phối hợp, dẫn tới đất đai của dự án bị lấn chiếm ngày càng phức tạp. Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án vào tháng 8/2015.

Kế đó, Công ty Đại Gia Thuận đã gửi đơn giải trình việc chậm triển khai do nhiều nguyên nhân khách quan. Đồng thời xin gia hạn thời gian thực hiện dự án và cam kết sẽ hoàn thành dự án trong vòng 2 năm nếu được Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục cho triển khai.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông sau đó đã đồng ý cho công ty này tiếp tục triển khai dự án với hạn định phải hoàn thành, đưa vào sử dụng là tháng 5/2018.

Tuy nhiên, sau khi được đồng ý tiếp tục triển khai dự án, Công ty Đại Gia Thuận không tiến hành bất cứ hoạt động nào. Đất đai được giao cho công ty thực hiện dự án lần lượt bị người dân lấn chiếm, sau đó mua bán, sang nhượng trái phép.

Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp ảnh 3Một căn nhà kiên cố đang mọc lên trong cụm công nghiệp Quảng Tâm. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm vào ngày 10/12, toàn bộ diện tích đất giao cho Công ty Đại Gia Thuận đã bị người dân lấn chiếm để làm nhà, trồng cây nông nghiệp. Tổng số nhà là 34 căn, tổng số hộ dân có hành vi lấn chiếm đất trái phép là 52 trường hợp.

Nhiều vướng mắc, khó xử lý

Liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại cụm công nghiệp Quảng Tâm của Công ty Đại Gia Thuận, Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định công ty này đang nợ tiền thuê đất của Nhà nước từ năm 2012 đến nay và tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Công ty này cũng bị xác định đã nợ nhiều khoản thuế, phí khác, bao gồm tiền thuế sử đụng đất phi nông nghiệp, nợ tiền nộp phạt vi phạm hành chính… Cơ quan chức năng nhiều lần liên hệ với người đại diện của Công ty này và cũng không liên hệ được. Công ty này hiện cũng không kinh doanh và không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.

Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp ảnh 4Nhiều hộ dân lấn chiếm đất, làm nhà kiên cố trong cụm công nghiệp. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Cũng theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm, liên tục từ năm 2018 đến nay, năm nào xã cũng tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng nhà trái phép và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Hiện nay, xã xác định có 3 nhóm đối tượng đang sử dụng đất trái phép tại cụm công nghiệp Quảng Tâm: một là các đối tượng xâm chiếm đất và cư trú, canh tác trên đất; hai là nhóm xâm chiếm nhưng đã bán lại cho các hộ khác và chuyển đi nơi khác sinh sống; ba là nhóm mua lại đất đã được xâm chiếm trái phép và hiện đang tiếp tục canh tác, sử dụng.

Các đối tượng xâm chiếm đất nhiều nhất vào năm 2017. Đối tượng xâm chiếm nhiều nhất là Lê Văn Đức (ngụ thôn 5, xã Quảng Tâm) với diện tích hơn 16.000m2. Nhiều đối tượng khác xâm chiếm, sử dụng diện tích từ 10.000-14.000m2, báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm nêu rõ.

Cũng theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm, hiện mới rà soát rõ thông tin của 30/52 đối tượng có hành vi xâm chiếm, sử dụng đất trái phép. 20 đối tượng còn lại Ủy ban Nhân dân xã đang tiếp tục triển khai việc xác minh, rà soát.

[Đắk Nông: Tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào thiểu số]

Hiện nay, việc xử lý vẫn đang vướng mắc do các đối tượng không hợp tác. Một số đối tượng cho rằng mình nhận chuyển nhượng nên đề nghị xử lý đối tượng đã lấn chiếm đất.

Theo một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, xử lý tình trạng lấn chiếm đất tại Cụm công nghiệp Quảng Tâm là một trong các vấn đề khó khăn nhất của huyện hiện nay.

Tại khu vực này, trong nhiều năm liền, đơn vị được giao đất buông lỏng quản lý, không báo cáo cũng không phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử đụng đất trái phép.

Ban đầu, người dân thấy đất bỏ hoang nên lấn chiếm để trồng các loại cây ngắn ngày như rau màu, khoai lang… Khi bị chính quyền nhắc nhở thì họ nói rằng mượn tạm đất hoang. Sau đó, nhiều hộ lén lút trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê… và một số loại cây ăn trái. Nhiều hộ dân cũng lén lút dựng nhà tạm trái phép rồi chuyển dần sang nhà xây kiên cố.

Nhà đầu tư thuê đất rồi bỏ không, dân lấn chiếm cả cụm công nghiệp ảnh 5Ngang nhiên làm nhà kiên cố, kinh doanh dịch vụ trên đất lấn chiếm trái phép. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Hiện nay, tại khu vực này có hàng chục căn nhà kiên cố, nhiều nhà kinh doanh phân bón, dịch vụ… không khác gì khu dân cư tập trung.

Để xảy ra hiện trạng như hôm nay là do đơn vị chủ đầu tư và chính quyền địa phương không sớm ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo ngay từ đầu. Trách nhiệm đầu tiên là chủ đầu tư vì họ không bố trí nhân lực tại địa phương để thực hiện dự án hoặc quản lý đất đai, kế đó là chính quyền địa phương, một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức nêu rõ.

Cũng theo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, Ủy ban Nhân dân huyện đã có công văn báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Quảng Tâm ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp của tỉnh. Sau đó, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ xây dựng phương án quản lý, sử đụng đất cụ thể và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Song song với đó, Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tâm rà soát yếu tố pháp lý của các hồ sơ vi phạm đã được Ủy ban Nhân dân xã thiết lập để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo rà soát cụ thể về số hộ, nhân hộ khẩu, nguồn gốc sử dụng đất… và sẽ tiến hành vận động người dân bàn giao đất lại cho nhà nước. Nếu không sẽ tiến hành các bước tiếp theo để thu hồi đất theo đúng các quy định pháp luật," một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức trao đổi thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục