Quyền bảo vệ nguồn tin

Nhà Trắng ủng hộ báo chí có quyền bảo vệ nguồn tin

Nhà Trắng đã ủng hộ các dự luật tăng cường quyền hạn của nhà báo giữa những chỉ trích về việc tịch thu các đoạn ghi âm của AP.
Nhà Trắng đã ủng hộ các dự luật tăng cường quyền hạn của nhà báo như có quyền bảo vệ nguồn tin, giữa những chỉ trích dữ dội về việc chính quyền tịch thu các đoạn ghi âm điện thoại của các phóng viên hãng tin AP. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên lạc với các nghị sĩ để hỏi về việc khi nào dự luật bảo vệ truyền thông sẽ được trình cho ông ký, người phát ngôn của ông nói. “Ngài tổng thống từ lâu đã ủng hộ dự luật bảo vệ truyền thông ở Thượng viên, trong chiến dịch năm 2008, và khi làm tổng thống”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói, thông báo thêm rằng ông Obama đã trao đổi trực tiếp với thượng nghị sĩ Charles Schumer. Schmuer xác nhận ông sẽ đề xuất các biện pháp mới đòi hỏi công tố viên phải thuyết phục được thẩm phán rằng thông tin mà họ tìm kiếm sẽ giúp “ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa một hành vi khủng bố hay làm hại tới an ninh quốc gia”. Ông Schumer nói đạo luật “sẽ giúp cân bằng những nhu cầu an ninh quốc gia đối với quyền được nhận thông tin tự do của công luận”. [Chính quyền Mỹ đã tấn công vào tự do báo chí] Liên đoàn tự do các quyền dân sự Mỹ (ACLU) đã ca ngợi động thái khởi động lại dự luật này, vốn không vượt qua được những cuộc bỏ phiếu trước kia. “Nhà Trắng xứng đáng được khen ngợi vì cách tiếp cận tích cực này, nhưng họ cần đảm bảo rằng dự luật sẽ lên được bàn tổng thống và có thể ngăn chặn trên thực tế những gì đã xảy ra từ trước tới giờ”, tư vấn viên của ACLU Gabe Rottman nói. Sau khi AP tiết lộ về các trát tòa buộc họ phải nộp bản ghi âm những cuộc gọi điện thoại vào ngày thứ Hai, nhiều tổ chức truyền thông và quyền dân sự đã cáo buộc chính quyền của ông Obama trà đạp lên tự do báo chí trong cuộc truy đuổi những người làm lộ thông tin trong chính quyền. Hơn 50 tổ chức truyền thông đã ký một bức thư phản đối vụ thu giữ tài liệu của chính quyền Mỹ. Bức thư viết vụ bắt giữ “nêu ra nghi vấn về sự trong sáng của những chính sách từ Bộ tư pháp đối với báo chí và khả năng cân bằng giữa quyền lực cảnh sát và các quyền hiến định theo tu chính án thứ nhất dành cho truyền thông và lợi ích của công luận”. Lá thư từ Hội đồng các phóng viên vì tự do báo chí nói trong 30 năm kể từ khi Bộ Tư pháp công bố các hướng dẫn cho việc xin trát tòa để thu giữ tài liệu của giới truyền thông, “không ai có thể nhớ ra ngay lập tức một hành động ở quy mô lớn như thế từng xảy ra với hoạt động thu thập tin tức”. Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder ngày thứ Ba biện bạch rằng việc thu giữ tài liệu là cần thiết trong cuộc điều tra về những tiết lộ thông tin mật “đặt người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm tính mạng”. “Đó không hề là thổi phồng, tình trạng là rất, rất nghiêm trọng”, ông Holder nói. Nhưng những chỉ trích từ truyền thông vẫn tiếp tục trong ngày thứ Tư. Xã luận đăng trên báo The Washington Post bình luận “dù cho mục tiêu có là tăng cường an ninh quốc gia, lợi ích từ việc đó xem ra đã mất vì những tổn hại do hành vi này gây ra với tự do báo chí và sự minh bạch của chính quyền”.
Nhà Trắng ủng hộ báo chí có quyền bảo vệ nguồn tin ảnh 1
Báo chí Mỹ chỉ trích việc Bộ Tư pháp thu băng ghi âm của AP là chà đạp tự do báo chí (Nguồn: AFP)

Một xã luận khác trên The New York Times nói: “Chính quyền này được chờ đợi là minh bạch chưa từng có tiền lệ. Nhưng thay vì thế, đó là một chính quyền bí mật và tấn công vào báo chí chưa từng có tiền lệ”. Al Tompkins của Viện Poynter, một tổ chức giáo dục truyền thông, nói việc chính quyền có thể tịch thu các bản ghi âm điện thoại bất chấp những quy định về tự do báo chí “khiến tôi liên tưởng tới việc chính quyền CHDCND Triều Tiên cũng có điều khoản trong luật cam kết tự do báo chí… Những hướng dẫn của Bộ Tư pháp, giống như luật về tự do báo chí của Triều Tiên, là vô giá trị”./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục