Nhận định của Vương quốc Anh về hai mối đe dọa quân sự lớn

Bản đánh giá quốc phòng mới đây của Anh đã xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính và trong vài thập kỷ gần đây, cả hai nước này đều đầu tư rất nhiều vào việc hiện đại hóa quân đội của mình.
Nhận định của Vương quốc Anh về hai mối đe dọa quân sự lớn ảnh 1Cờ Vương quốc Anh. (Ảnh: Euractiv/TTXVN)

Bản đánh giá quốc phòng mới đây của Anh đã xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính.

Trong vài thập kỷ gần đây, cả hai nước này đều đã đầu tư rất nhiều vào việc hiện đại hóa quân đội của mình. Tuy nhiên, theo tờ Telegraph của Anh, hai nước có những ưu tiên khác nhau và do đó cũng tạo ra những thách thức hoàn toàn khác nhau.

Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời”

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng chính thức hơn 2 lần, lên mức khoảng 205 tỷ USD cho năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính Trung Quốc thực tế còn chi cho quốc phòng lớn hơn nhiều so với con số công bố công khai.

Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố mục tiêu đưa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành lực lượng quân đội có “đẳng cấp thế giới” với khả năng “chiến đấu và chiến thắng” trong tất cả các cuộc chiến tranh toàn cầu vào năm 2049. Trung Quốc đã không lãng phí thời gian để tăng cường kho vũ khí và khả năng của mình.

Bên cạnh chi tiêu trực tiếp cho quân đội, nước này còn đầu tư mạnh cho các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân để có được các công nghệ mới, qua đó gióng lên những hồi chuông cảnh báo ở Anh và Mỹ về việc phải cẩn thận khi hợp tác với các cơ quan của Trung Quốc.

Kết quả, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng lớn nhất thế giới với khoảng 350 tàu và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 tàu mặt nước tác chiến chủ lực.

Dự kiến sẽ có 5 tàu sân bay hoạt động vào năm 2030 và đội tàu khu trục cũng đang được mở rộng một cách nhanh chóng. Trung Quốc đã phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chính xác tầm xa, các hệ thống radar và phòng không cảnh báo sớm để cho phép nước này thống trị không phận mở vươn ra xa đến Thái Bình Dương.

Gần đây, Trung Quốc còn tiết lộ vũ khí siêu thanh được thiết kế để chống lại các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Tất cả những điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với các nước phương Tây, mà cả với Đài Loan, Việt Nam và Philippines, tất cả đều có lý do để lo sợ sức mạnh hàng hải mới và rất lớn của Trung Quốc.

Tuần trước, trong một cuộc xâm nhập lớn nhất từ trước đến nay, 20 máy bay Trung Quốc đã tiến vào không phận Đài Loan. Tuy nhiên, PLA không phải là bất khả chiến bại.

PLA phải đối mặt với những thách thức lớn về nhân sự như tuyển dụng, đào tạo và giữ chân quân nhân chuyên nghiệp, cùng với vấn đề xuống cấp tinh thần do bị kích động bởi tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, trong hơn 40 năm qua, PLA chưa từng chiến đấu trong một cuộc chiến nào.

Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về chính sách an ninh của Trung Quốc tại trường Đại học Stanford và Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết việc PLA trên thực tế sẽ hoạt động như thế nào trong chiến đấu là “câu hỏi triệu đô.”

Các chuyên gia cho rằng các nước phương Tây nên suy nghĩ về việc Trung Quốc có thể triển khai thêm bao nhiêu tàu và xe tăng. Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” - một học thuyết của Đặng Tiểu Bình rằng nước này nên che giấu khả năng của mình khi đối phó với thế giới bên ngoài. Thay vào đó, nước này đang phô bày sức mạnh trên toàn thế giới với thái độ ngày càng quyết đoán về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng chiến đấu trên không gian mạng của Trung Quốc cũng như tham vọng của nước này trong không gian vũ trụ. Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này từng bước bồi đắp các bãi đá và rạn san hô để thực hiện yêu sách chủ quyền của mình ở vùng biển mà Liên hợp quốc coi là vùng biển quốc tế, đã làm dấy lên lo ngại về các kế hoạch của họ ở Bắc Cực.

[Anh: Máy bay chiến đấu F-35 tối tân nhất đã sẵn sàng chiến đấu]

Nhiều nhà phân tích tin rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1.000 tỷ USD, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc tế hàng đầu của Trung Quốc, có thể chuyển thành đòn bẩy quân sự toàn cầu trong tương lai.

Nga tích cực đầu tư vào năng lực quân sự

Nga không có sức mạnh kinh tế to lớn như Trung Quốc nhưng nước này cũng đã chăm chỉ đầu tư vào các năng lực quân sự của mình kể từ đầu những năm 2000. Năm nay, 2/3 ngân sách quốc phòng của Nga, hiện ở mức 44,1 tỷ bảng, thấp hơn một chút so với ngân sách quốc phòng của Anh, sẽ được chi cho việc mua sắm và hiện đại hóa trang thiết bị quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga trong báo cáo thường niên của mình lên Thượng viện cách đây 1 năm đã khoe rằng Nga đã tăng gấp đôi khả năng quân sự của mình trong 8 năm qua khi đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ NATO.

Trong khi Anh đang cắt giảm lực lượng thiết giáp của mình xuống chỉ còn 148 xe tăng do đặt cược nhiều vào không gian mạng và tự động hóa, Nga không bỏ quên hỏa lực thông thường.

Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quân sự tại Moskva, nói với Telegraph: “Người Nga tin rằng xe tăng sẽ chiến thắng trong các cuộc chiến và giờ họ đã sẵn sàng cho một trận đánh lớn bằng xe tăng chống lại Ukraine hoặc ở những nơi khác, và họ đang huấn luyện và thể hiện khả năng huy động nhanh chóng hàng trăm nghìn người và một lượng lớn thiết bị.”

Nga hiện tự hào có đội xe tăng lớn nhất thế giới, với hơn 15.000 chiếc trong kho vũ khí của mình. Và với 900.000 quân, số lượng quân tại ngũ lớn thứ tư thế giới, Nga sẽ có lợi thế vượt trội về quân số trong một cuộc chiến tranh toàn châu Âu.

Trong khi đó, NATO ước tính chỉ có dưới 10.000 quân ở gần biên giới Nga. Nga cũng đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình ở nước ngoài.

Bên cạnh việc mở rộng các căn cứ không quân và hải quân ở Syria, nước này được cho là đã triển khai lính đánh thuê đến các khu vực xung đột ở Libya và Cộng hòa Trung Phi. Cuối năm ngoái, Nga đã công bố một thỏa thuận với Sudan để thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên của Nga ở Ấn Độ Dương.

Nhận định của Vương quốc Anh về hai mối đe dọa quân sự lớn ảnh 2Tướng Valery Gerasimov. (Ảnh: Moscow Times)

Trong số những bổ sung được mong đợi nhất cho kho vũ khí của Nga năm nay là các phương tiện bay siêu thanh Avangard và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars. Avangard, được ông Putin ca ngợi là vũ khí độc nhất vô nhị, được cho là có thể bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh, cho phép vượt qua phòng thủ tên lửa.

Không giống như quân đội Trung Quốc, quân đội Nga được tôi luyện bởi các cuộc chiến. Các cuộc chiến ở Chechnya, Gruzia, Ukraine và Syria đã mang lại cho binh lính và chỉ huy Nga những kinh nghiệm quý báu trong việc chống lại cả những đối thủ ngang hàng thông thường và quân nổi dậy.

Năm 2018, Tổng thống Putin đã khiến cả thế giới sửng sốt khi dừng ngang bài phát thông điệp liên bang của mình để trình chiếu một video cho thấy tên lửa hạt nhân của Nga có thể bay xa như thế nào.

Theo ông Felgenhauer, một trong những đoạn video do máy tính tạo ra đã mô phỏng cảnh các vũ khí hạt nhân tấn công vào miền Nam bang Florida - một nỗ lực có chủ ý nhằm thu hút sự chú ý của phương Tây.

Ông nói: “Ông ấy tin rằng bằng cách thể hiện là mình có những vũ khí khủng khiếp đó thì Moskva sẽ thuyết phục phương Tây nhượng bộ chính trị và họ sẽ hiểu rằng chống lại Nga không phải là một lựa chọn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục