Nhận định từ biện pháp "chữa lành bệnh của nền kinh tế" Venezuela

Giới quan sát cho rằng mặc dù các biện pháp "chữa lành bệnh của nền kinh tế" Venezuela là tích cực, song hiệu quả thực sự cần phải có thời gian để kiểm chứng.
Nhận định từ biện pháp "chữa lành bệnh của nền kinh tế" Venezuela ảnh 1Người dân kiểm tiền Bolivar để mua hàng hóa tại Coche, Venezuela ngày 20/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI/Trang mạng cnbc.com, ngày 17/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia để thông báo về “hệ thống về kinh tế mới của Venezuela.”

Ông khẳng định: “Tôi muốn đất nước ‘lành bệnh,’ tôi đã tìm được phương thuốc, hãy tin tôi.” Người kế nhiệm Hugo Chavez đang cố gắng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, song giới quan sát cho rằng mặc dù các biện pháp "chữa lành bệnh của nền kinh tế" nhưng vẫn cần nhiều thời gian để kiểm chứng.

Dư luận Venezuela có một số nghi ngại khi chính phủ ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong 4 ngày để thực hiện kế hoạch đổi tiền. Bắt đầu từ ngày 20/8, đồng “bolivar mạnh” sẽ được chuyển sang đồng “bolivar giữ vững chủ quyền.” Đồng tiền mới được bỏ đi 5 số 0, và “1 bolivar chủ quyền” tương đương với “100.000 bolivar mạnh.”

Đồng tiền ảo petro - dựa trên giá một thùng dầu thô được lập ra vào đầu năm - được ấn định là tương đương 3.800 “bolivar chủ quyền.”  

Trang mạng cnbc dẫn lời giáo sư ngành kinh tế ứng dụng Steve Hanke, hiện làm việc tại trường Đại học Johns Hopkins và là một nhà nghiên cứu của Viện Cato, cho rằng tất cả những gì Venezuela đang làm đơn giản chỉ là đổi 100.000 đồng bolivar cũ sang 1 đồng bolivar mới, biện pháp có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn mức lạm phát hiện đã lên tới 40.000%.

[Mỹ xem xét dự luật về các cuộc khủng hoảng ở Venezuela và Nicaragua]

Nhà nghiên cứu Paula Vasquez của CNRS bình luận về tình hình tại quốc gia Mỹ Latinh này: “Ngày 16/8, người dân muốn rút tiền để mua những nhu yếu phẩm cho cuối tuần. Tôi thấy những hàng người dài hơn một cây số trước các ngân hàng. Nhưng số tiền rút được tối đa là 100.000 bolivar, còn chưa đủ để mua vé xe buýt trở về nhà.” 

Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Maduro mới ra thông báo rằng nếu muốn mua xăng giá bao cấp, người dân phải trình “Sổ yêu nước.” “Sổ yêu nước” có giá trị như thẻ căn cước, dùng để mua nhu yếu phẩm theo giá bao cấp, được xác nhận theo mỗi kỳ bầu cử và không phải người dân Venezuela nào cũng có. Giá một lít xăng bán theo sổ chưa tới 2 xu theo USD, còn nếu không có “Sổ yêu nước” giá trung bình lên đến 1,16 USD. Hiện nay giá xăng ở Venezuela rẻ một cách “khó tin.” 

Tổng thống Maduro cũng thông báo tăng lương tối thiểu từ 3 triệu “bolivar mạnh” sang 1.800 “bolivar chủ quyền”.

Các đảng đối lập Primero Justicia, Voluntad Popular và Causa R đã kêu gọi đình công để phản đối các kế hoạch mà họ xem là “một tổng thể các biện pháp hổ lốn, càng làm tăng thêm khủng hoảng.”

Lực lượng đối lập cho rằng việc tăng lương sẽ làm cho hàng triệu công ty phải đóng cửa. Nhà phân tích Luis Vicente Leon nhận định mục tiêu kiểm soát lạm phát không mấy khả quan, song chính phủ cũng đã có những chuyển biến tích cực khi thừa nhận tầm quan trọng của các thị trường. Trong khi đó, chuyên gia Siobhan Mordel viết trên tờ Les Echos rằng việc giảm trợ giá xăng dầu và xác định lại giá trị đồng tiền là hướng đi tốt, nhưng không giúp Venezuela trả được nợ trái phiếu.

 

Dù giá dầu tăng (chiếm 95% nguồn thu nhập của Venezuela) nhưng sản xuất công nghiệp tại quốc gia Mỹ Latinh này lại sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty tư nhân do lo sợ bị quốc hữu hóa và kiểm soát giá cả đã giảm tối đa các hoạt động sản xuất. Trong khi đó, theo Les Echos, Chính phủ Venezuela đã cáo buộc “các thế lực thù địch” đã tiến hành “chiến tranh kinh tế” làm cho vật giá tăng cao.

Kinh tế Venezuela đang phải chịu cảnh thiếu hụt hàng hóa trầm trọng và giá cả tăng vọt. Đồng bolivar hiện nay bắt đầu được đưa vào lưu hành cách đây 10 năm nhưng đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây do tình trạng lạm phát phi mã. Đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì năm nay có thể lên tới 1.000.000%.

Để chặn đà lạm phát phi mã, Tổng thống Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền tại nước Nam Mỹ này chính thức có hiệu lực, theo đó, đồng nội tệ của Venezuela được điểu chỉnh giảm 5 số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền.” Giá trị của đồng bolivar chủ quyền dựa trên cơ sở giá trị đồng petro, đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương với 60 USD./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục