''Nhân-quả'' sự leo thang xung đột giữa hai miền Triều Tiên

Mặc dù Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy các giải pháp, song Triều Tiên đã chặn tất cả các đường dây liên lạc giữa hai bên, thậm chí còn đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong.
Vụ nổ của Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ngày 16/6/2020. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Vụ nổ của Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ngày 16/6/2020. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Bài viết trên trang mạng moderndiplomacy.eu cho hay giới quan sát đang cảnh báo về một sự tuột dốc trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, vốn bắt đầu từ ngày 9/6 vừa qua, sau khi giới chức Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc liên quan đến vụ những kẻ đào ngũ Triều Tiên phát tán truyền đơn chống Bình Nhưỡng.

Mặc dù Seoul tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy các giải pháp, song phía bên kia lại chọn cách phớt lờ.

Bình Nhưỡng đã chặn đứng tất cả các đường dây liên lạc với Seoul (trừ các mối liên hệ giữa các đơn vị đặc biệt).

Triều Tiên còn đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong, vốn được mở ra vào năm 2018 để thúc đẩy hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Sự việc này khiến người ta đặt câu hỏi rằng vì sao tất cả những điều trên lại xảy ra vào lúc này và chúng có thể gây ra hậu quả gì?

Trong suốt mấy thập kỷ gần đây, Bình Nhưỡng đã áp dụng chiến thuật “đóng sầm cánh cửa,” theo đó, đầu tiên là phá vỡ các mối liên hệ và sau đó là nối lại chúng.

Từng có thời điểm các thành phần tham gia đối thoại liên Triều thậm chí còn ném bánh quy vào mặt nhau trong khi ngồi giải lao uống càphê để thể hiện sự oán giận lẫn nhau. Tuy nhiên, chưa có ai đánh sập các tòa nhà cả.

Đặc biệt, các biện pháp đầy nghi vấn đã được đưa ra bởi người em gái Kim Jong-un là Kim Yo-jong, người mô tả Hàn Quốc là một “kẻ thù.”

Phó Chủ tịch bộ phận tuyên truyền của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp có phong thái lịch thiệp được chỉ định từ đầu là sẽ trở thành bộ mặt của chế độ Triều Tiên. Thế nhưng hiện nay, bà lại đang đóng vai của một “kẻ xấu.”

Vậy, lý do tại sao tất cả lại xảy ra vào lúc này?

Năm 2020 đã bắt đầu với những thay đổi triệt để về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, vốn đã rơi vào thế bế tắc.

Triều Tiên liên tục bày tỏ sự bất mãn về việc Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng và không ngừng tập trận với Hàn Quốc dù thực tế là Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân, đóng băng các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và đóng cửa các cơ sở thử hạt nhân.

Đáp trả, Bình Nhưỡng lựa chọn cách gia tăng ưu thế đàm phán bằng cách nói “không” với các cuộc đối thoại về việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt để đối lấy các cơ sở hạ tầng hạt nhân quan trọng của Triều Tiên.

Có vẻ như Triều Tiên đang cho rằng có thể lặp lại chiến thuật cũ trong mối quan hệ của mình với Hàn Quốc, vốn đã bị đình trệ, chủ yếu vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19).

''Nhân-quả'' sự leo thang xung đột giữa hai miền Triều Tiên ảnh 1Cuộc diễn tập pháo binh tầm xa của lực lượng pháo binh Triều Tiên ngày 2/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tuy nhiên, bất chấp những kỳ vọng của Bình Nhưỡng, mối quan hệ Nam-Bắc Triều đã không thể bước vào một giai đoạn hợp tác rõ ràng, chủ yếu là vì lập trường của Washington, vốn đang làm mọi thứ để cản trở sự hợp tác đó.

Khi một ván cờ rơi vào thế bế tắc, bên nóng giận có xu hướng sẽ lật đổ bàn cờ, hoặc tồi tệ hơn là đập nó vào đầu của bên đối diện.

[Hàn Quốc họp an ninh khẩn cấp sau động thái mới của Triều Tiên]

Đây chính là logic mà phía Triều Tiên đang bị chi phối tại thời điểm này; cách hành xử như vậy có vẻ khá hợp lý, bởi nó đã nhiều lần tạo ra những kết quả tốt trong quá khứ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại phá vỡ đối thoại liên Triều vào đúng lúc này, khi Hàn Quốc ở dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, người nổi tiếng vì sự sốt sắng với đối thoại Bắc-Nam và đã làm rất nhiều điều để thúc đẩy mục tiêu đó.

Tuy nhiên, cũng có một sự thật là việc đối thoại này phải chịu những hạn chế mà mối liên minh Mỹ-Hàn đặt ra.

Vậy tình trạng căng thẳng hiện nay, mà Triều Tiên thể hiện quá công khai, sẽ dẫn tới đâu?

Điều đáng cảnh báo là ý đồ triển khai binh sỹ của Bình Nhưỡng trong các khu vực bị coi là phi quân sự kể từ năm 1953, khi Triều Tiên và Hàn Quốc ký một thỏa thuận ngừng bắn.

Cuối cùng, các nhân tố bên ngoài đang làm gì? Tổng thư ký Liên hợp quốc đã hối thúc Mỹ và Hàn Quốc hợp tác nỗ lực để bình thường hóa mối quan hệ liên Triều. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố tương ứng, theo hướng khiển trách Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và điều phối viên của Hạ viện Nga về hợp tác với Triều Tiên Kazbek Taisaev đã bày tỏ hy vọng rằng hòa bình sẽ được duy trì.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc đang hành động với một lập trường thống nhất giữa hai nước về tình hình Bán đảo Triều Tiên, vốn được đề cao trong Tuyên bố Chung của các ngoại trưởng hai nước vào ngày 4/7/2017.

Hành động nối tiếp hành động, từng bước dỡ bỏ trừng phạt phụ thuộc vào sự tiến triển trong đối thoại là những gì mà Nga và Trung Quốc đưa ra trong đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, nguyên tắc này xuất phát từ thực tế rằng Triều Tiên quan tâm đến những tiến triển như vậy chứ không phải ngược lại.

Vì lý do đó, các bộ ngoại giao của các quốc gia cần phải vạch ra chiến lược của mình với một tầm nhìn có thể khiến phương án này dễ dàng được thực thi và gia tăng hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục