Nhân tố Mỹ và Iran tiếp tục đẩy thị trường dầu mỏ đi xuống

Thị trường dầu mỏ thế giới đi xuống ngay trong phiên đầu tuần 25/11 trong bối cảnh Iran và Nhóm P5+1 đạt thỏa thuận ban đầu về hạt nhân của Tehran.
Nhân tố Mỹ và Iran tiếp tục đẩy thị trường dầu mỏ đi xuống ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: presstv.com)

Thị trường dầu mỏ thế giới đi xuống ngay trong phiên đầu tuần 25/11 trong bối cảnh Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được một thỏa thuận ban đầu về hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.

Theo thỏa thuận này, Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng sáu tháng để được Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Iran chỉ được tiếp cận rất hạn chế đối với nguồn thu từ bán dầu mỏ và các hàng hóa khác để phục vụ cho các mục đích nhân đạo.

Ngoài ra, thỏa thuận chỉ giúp Iran xuất khẩu dầu mỏ ở mức như hiện nay, chứ không cho phép tăng xuất khẩu.

Theo các nhà phân tích, giá dầu mỏ thế giới sẽ giảm vì thỏa thuận quan trọng nói trên sẽ mở đường cho khoảng 1 triệu thùng dầu thô được đưa ra thị trường toàn cầu mỗi ngày.

Nhân tố Iran tiếp tục chi phối thị trường năng lượng trong phiên 26/11, khiến giá dầu vẫn ở xu thế giảm. Tuy nhiên, sang phiên 27/11, thị trường đã phân hóa với giá hai loại dầu chủ chốt biến động ngược chiều nhau, trong đó giá dầu Brent tăng khá mạnh, gần chạm mức 111 USD/thùng, do tình hình bất ổn đang diễn ra tại Libya; trong khi dầu ngọt nhẹ (hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas), lại giảm do dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng mạnh ngoài dự kiến (thêm 3 triệu thùng trong tuần trước nữa), trong khi các chuyên gia dự báo mức tăng chỉ là 500.000 thùng.

Trong những tuần gần đây, kho dự trữ dầu của Mỹ không ngừng tăng mạnh ngoài dự kiến và tính từ ngày 13/9, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng tới 35,8 triệu thùng (hơn 10%).

Tuần trước nữa, dự trữ dầu thô đạt 391 triệu thùng, mức cao nhất kể từ năm 1982 (đối với các tháng 11 hàng năm).

Chốt phiên 27/11 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2014 giảm 1,38 USD xuống 92,3 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 31/5.

Sang phiên 28/11, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ tiếp tục chuyển động ngược chiều trên thị trường châu Á, trong đó giá dầu Brent trụ vững ở mức trên 111 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm xuống 92,17 USD/thùng, ngấp nghé mức thấp nhất trong gần sáu tháng qua. Phiên này, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn.

Mở cửa trở lại sau phiên nghỉ lễ Tạ ơn, thị trường dầu mỏ Mỹ tăng trong phiên cuối tuần 29/11, trong khi giá dầu trên thị trường châu Á và châu Âu kết thúc trước đó đều theo chiều đi xuống.

Trong bối cảnh không có nhiều thông tin mới về kinh tế nên hoạt động giao dịch trong phiên cuối tuần khá trầm lắng và các nhà giao dịch đang bắt đầu ngóng chờ vào cuộc họp trong tuần tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo).

Theo giới phân tích, mặc dù cuộc họp tới đây này có thể sẽ không có những thay đổi về hạn ngạch sản lượng của OPEC, song sẽ có những thảo luận để thu xếp việc gia tăng sản lượng từ Iraq.

Đóng cửa phiên cuối tuần 29/11, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2014 tăng 42 cent lên 92,72 USD/thùng, trong khi tại châu Âu, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,17 USD xuống 109,69 USD/thùng.

Cả hai mức chốt tuần này đều thấp hơn các mức chốt của cuối tuần trước nữa (lần lượt là 94,69 USD/thùng và 110,33 USD/thùng).

Như vậy là tính tới trước phiên cuối tuần, khoảng cách chênh lệch giữa hai hợp đồng dầu chủ chốt trên đã tăng từ mức 14,21 USD/thùng vào ngày 20/11, lên mức 19,33 USD/thùng, mà nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung dầu tại Mỹ đang gia tăng trong khi nhu cầu lại sụt giảm.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lần đầu tiên kể từ tháng 1/1989, sản lượng dầu thô của nước này tuần trước đã chạy qua mốc 8 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, vào đầu tháng 11 này, lần đầu tiên trong gần hai thập niên qua, sản lượng dầu thô của Mỹ đã vượt lượng dầu nhập khẩu.

Trong phần lớn thời gian của mùa Hè vừa qua, giá dầu thô của Mỹ thường đứng ở mức trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ phiên 21/10, giá dầu New York đã nằm dưới mốc 100 USD/thùng do nguồn cung nội địa tăng và những rủi ro trong môi trường chính trị quốc tế có phần lắng xuống (hiện kịch bản Mỹ tiến hành tấn công quân sự vào Syria có thể loại trừ, trong khi quan hệ Mỹ-Iran cũng đang được cải thiện).

Ric Spooner, nhà phân tích thị trường hàng đầu của CMC Markets nhận định rằng nếu không bất ngờ xuất hiện sự căng thẳng nào tại khu vực Trung Đông, ảnh hưởng tới nguồn cung dầu, thì giá của mặt hàng nhiên liệu chiến lược này sẽ "tụt" xuống khoảng 80-85 USD/thùng ngay khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rút lại chương trình kích thích kinh tế hiện hành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục