Nhân tố "vũ khí Mỹ" trong ván bài chiến lược của Israel

Mỹ phải tăng cường giao vũ khí cho Israel để giúp đồng minh của mình chủ động đối đầu với các mối đe dọa chung ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhân tố "vũ khí Mỹ" trong ván bài chiến lược của Israel ảnh 1Binh sỹ Israel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump không che giấu mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn coi khu vực này là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, đặc biệt do sự gây hấn leo thang của Iran thời gian qua.

Khi Mỹ rút đi và gánh nặng duy trì ổn định trong khu vực đổ dồn lên vai Israel, Mỹ nên đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí tối cần thiết cho Israel để bảo vệ lợi ích của chính Israel và của Mỹ, mà không bắt người nộp thuế ở Mỹ phải trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Israel đã đạt được thỏa thuận ghi nhớ (MOU) 10 năm về khoản viện trợ quốc phòng cho Israel trị giá 38 tỷ USD, bao gồm cả phòng thủ tên lửa chung. Israel phải chi tiêu phần lớn số tiền tài trợ này tại Mỹ, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lực lượng lao động Mỹ.

Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong cam kết của Washington, theo luật của Mỹ, về việc hỗ trợ "lợi thế quân sự mạnh về chất" của Israel bằng cách giúp nước này chống lại các mối đe dọa quân sự với chi phí chấp nhận được.

MOU đã hạn chế việc mua sắm vũ khí của Israel theo các điều khoản quốc phòng của Mỹ ở mức không đổi hàng năm cho đến năm 2027.

Tuy nhiên, tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng ở Trung Đông có nghĩa là Israel hiện phải đối mặt với các mối đe dọa cấp bách và mạnh mẽ hơn nhiều so với thời điểm đàm phán thỏa thuận.

[Mỹ và Israel cân nhắc về một hiệp ước phòng thủ chung tiềm năng]

Đầu tiên và quan trọng nhất, hiện có nguy cơ chiến tranh thật sự giữa Israel và Iran, và cuộc chiến này có thể lan ra khắp Trung Đông. Đây là kết quả của sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng nhanh chóng của Tehran.

Lực lượng Hezbollah được Iran ủy nhiệm sở hữu hỏa lực mạnh hơn so với 95% lực lượng quân sự thông thường của thế giới, chủ yếu là 130.000 tên lửa pháo và tên lửa nhằm vào Israel.

Iran cũng đang gia tăng nhanh chóng số lượng các tên lửa bắn trúng mục tiêu và lực lượng dân quân nhằm tạo ra các mặt trận mới để tấn công Israel từ Syria, Iraq, Gaza và Yemen.

Một cuộc chiến tranh lớn với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ sẽ đặt ra những đòi hỏi phải sẵn sàng hành động chưa từng thấy đối với Israel.

Điều này đang thúc đẩy Israel tận dụng các loại đạn dược đáng kể trong một chiến dịch phối hợp để ngăn chặn hệ thống phòng thủ của Iran.

Tham vọng của Tehran cũng đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang khu vực mở rộng với các quốc gia Arab và một Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thù địch, gây nguy hiểm hơn nữa cho lợi thế quân sự mạnh về chất của Israel.

Iran sẽ giành được lợi thế trong cuộc đua này khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ kết thúc, tính từ bây giờ, trong khi việc nối lại tiến trình hạt nhân của Iran làm dấy lên nỗi ám ảnh về một đợt gia tăng bất ổn lớn.

Trong bối cảnh này, uy tín của Mỹ đã bị giảm sút do ý định của Mỹ rút khỏi khu vực, kết hợp với việc không hành động khi đối mặt với chương trình hạt nhân mở rộng của Iran và các cuộc tấn công của quốc gia Hồi giáo này nhằm vào các đồng minh của Mỹ.

Do đó, Israel đang trở nên rất cần thiết, thậm chí không thể thiếu được, cho việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ trên mặt đất ở Trung Đông. Như được nêu trong một báo cáo mới của Viện Do Thái về An ninh quốc gia Mỹ (JINSA), việc "đầu tư trước" - mà không làm thay đổi thỏa thuận MOU do chính quyền Obama ký với Israel hoặc chi phí hàng năm của Mỹ - sẽ giúp Israel đảm bảo các lợi thế chiến lược trước sự gia tăng các mối đe dọa.

Một số giải pháp lựa chọn có sẵn. Nói thẳng là, Israel có thể vay thương mại, trả lãi bằng đồng nội tệ hoặc từ các quỹ được nêu trong MOU.

Chính phủ Mỹ sẽ không phải là một bên của một khoản vay như vậy và sẽ không chịu bất cứ chi phí hoặc rủi ro liên quan nào.

Như từng làm trước đây, Washington có thể cho phép Israel vay với lãi suất thấp hơn bằng cách bảo lãnh cho một khoản vay như vậy. Quốc hội sẽ cần phải ủy quyền cho các quỹ đủ để chi trả trong trường hợp Israel vỡ nợ, điều rất ít có khả năng xảy ra.

Nếu không, điều này sẽ không đòi hỏi Mỹ phải chi bất kỳ khoản chi tiêu thực tế nào. Giải pháp trên sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Iran và các quốc gia khác rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẵn sàng giải quyết các thách thức an ninh đang gia tăng ở Trung Đông.

Tăng cường mua sắm vũ khí cũng sẽ giúp Israel có một sự khởi đầu thuận lợi đáng kể trong việc mua sắm các loại vũ khí mới hơn, có hiệu quả chiến đấu hơn như máy bay chiến đấu F-35, máy bay tiếp nhiên liệu tầm xa KC-46 và trực thăng vận tải CH-53K, cùng với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa.

Israel cũng cần đạn dược chính xác do Mỹ sản xuất ngay lập tức, nhưng khả năng sản xuất của Mỹ đang đối mặt với những hạn chế.

Mỹ có thể hỗ trợ bằng cách cho phép Israel đề nghị các hợp đồng lớn hơn, dài hạn hơn để mua các vũ khí quan trọng này từ các công ty quốc phòng của Mỹ, bao gồm GBU-39, GBU-53/B và đạn Hellfire, cũng như JDAM để nâng cấp các máy bay ném bom không người lái.

Đồng thời, Mỹ cập nhật cho các kho dự trữ vũ khí ở Israel các loại đạn dược như vậy. Điều này ban đầu không liên quan đến các khoản chi phí mua sắm của Mỹ, nhưng nó sẽ làm gia tăng sự sẵn sàng và khả năng răn đe cho cả hai nước.

Như một giải pháp thay thế tạm thời, Mỹ có thể cung cấp cho Israel các khoản vay, cũng như máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 và các loại vũ khí khác, cho đến khi số lượng vũ khí do Mỹ sản xuất tăng lên.

Cho dù lộ trình cụ thể này được thực hiện, Mỹ phải tăng cường giao vũ khí cho Israel để giúp đồng minh của mình chủ động đối đầu với các mối đe dọa chung ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Với một mức độ chưa từng thấy, bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông có nghĩa là ủng hộ ngay tức khắc quyền tự vệ chính đáng của Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục