Nhật Bản đổi mới chính sách để thu hút lao động nước ngoài

Nhật Bản đã cho phép người có mức lương cao nộp đơn xin định cư sau một năm làm việc tại Nhật Bản, cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú được lưu trú thêm hai năm để tìm việc làm.
Nhật Bản đổi mới chính sách để thu hút lao động nước ngoài ảnh 1Một thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Để đối phó với những thách thức trong việc thu hút lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách mới như cho phép những người có mức lương cao nộp đơn xin định cư sau một năm làm việc tại Nhật Bản, cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú được lưu trú thêm hai năm để tìm việc làm.

Đặc biệt, đối với chương trình tuyển dụng thực tập sinh kỹ thuật, chương trình có nhiều lao động Việt Nam nhất và đóng góp lực lượng lao động đáng kể cho các ngành cũng như các khu vực nông thôn đang thiếu hụt lao động, chính phủ đã thúc đẩy chương trình Kỹ năng đặc định 1, chủ yếu hướng tới đối tượng thực tập sinh đã hoàn thành hợp đồng.

Theo chương trình này, các thực tập sinh sau khi hoàn tất hợp đồng lao động với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được tạo điều kiện ứng tuyển visa Kỹ năng đặc định 1 để được làm việc thêm 5 năm nữa tại Nhật Bản với tư cách là lao động hưởng đầy đủ quyền lợi như các đồng nghiệp Nhật Bản ở cùng vị trí.

[Lựa chọn của lao động nước ngoài tại Nhật Bản: "Đi hay ở"]

Ngoài ra, trong bối cảnh chương trình thực tập sinh kỹ thuật đang bị chỉ trích vì những điều khoản trói buộc người lao động như lương thấp, không được chuyển việc, chính phủ đang dự định sẽ có những điều chỉnh nới lỏng một số quy định như sẽ cho phép thực tập sinh được thay đổi nơi làm việc hoặc giảm bớt các khoản chi phí mà các thực tập sinh phải chi trả.

Nhiều thực tập sinh và sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản để học các kỹ năng mới thường làm việc với mức lương tối thiểu.

Chính phủ đã đưa ra một chương trình mới để cung cấp cho người lao động nước ngoài mức lương tương đương với người lao động Nhật Bản trong cùng công việc.

Một chuyên gia cho biết cần có một hệ thống tốt hơn để nâng lương cho lao động nước ngoài vì lương của họ thấp hơn 25% so với mức trung bình của quốc gia.

Về phía doanh nghiệp Nhật Bản, mặc dù đối mặt với những khó khăn do chi phí tăng cao nhưng có không ít doanh nghiệp cố gắng duy trì mức thu nhập dành cho lao động nước ngoài.

Hoa, một thực tập sinh làm việc cho một doanh nghiệp may của Nhật Bản ở tỉnh Ehime, cho biết mặc dù công ty gặp khó khăn do các chi phí đầu vào tăng cao, từ nhiên liệu cho đến nguyên vật liệu, song thu nhập hàng tháng của cô không bị cắt giảm.

Do cuộc sống ở vùng nông thôn có chi phí thấp hơn ở thành thị, cộng thêm việc có thể tự tăng gia trồng rau tại khu vườn ở ký túc xá, hàng tháng cô vẫn duy trì được mức tiền gửi về cho gia đình như trước mặc dù quy ra giá trị tiền Việt có giảm sút.

Bên cạnh đó, một số người Việt Nam ở Nhật Bản đang xem xét các con đường thay thế, chẳng hạn như mở các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam bằng tiền tiết kiệm trong quá trình lao động tại Nhật Bản. Sự thay đổi hướng tới tinh thần kinh doanh này phản ánh mong muốn kiểm soát tốt hơn đối với tương lai tài chính của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng Nhật Bản cần làm nhiều hơn ngoài việc tăng lương để thu hút người lao động.

Người lao động nước ngoài trung bình ở Nhật Bản phải trả thuế thu nhập 10%, một tỷ lệ cao hơn so với nhiều người Việt Nam và Philippines phải trả ở quê nhà.

Fourth Valley Concierge, công ty dịch vụ cung cấp nhân lực ở Tokyo, thành lập một cơ sở ở Nepal để cung cấp các khóa học tiếng Nhật cho công nhân trong ngành chăm sóc điều dưỡng và những ngành khác.

Công ty này cũng có kế hoạch thành lập một trung tâm tư vấn qua điện thoại ở Nhật Bản để tư vấn cho cư dân nước ngoài về cuộc sống ở nước này.

Chính phủ cũng thực thi nhiều chính sách để tạo điều kiện sống thuận lợi hơn cho lao động nước ngoài tại Nhật Bản.

Nhật Bản đổi mới chính sách để thu hút lao động nước ngoài ảnh 2Một thực tập sinh Việt Nam ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Taisei thuộc tỉnh Kanagawa. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Với chủ trương thúc đẩy một xã hội cộng sinh đa văn hóa, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của người nước ngoài, chính phủ đã xúc tiến thành lập các cơ quan hỗ trợ, cải thiện các quy định về thanh toán tiền lương, trợ cấp, phúc lợi xã hội, bảo hiểm...

Các chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh việc đưa các sinh hoạt cộng đồng đa văn hóa, hỗ trợ người nước ngoài trở thành các hoạt động định kỳ. Những hoạt động này cũng là những yếu tố góp phần để những lao động nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản cho dù thu nhập đang bị giảm sút.

Một chuyên gia Nhật Bản cảnh báo: “Chúng ta sẽ biết trong vòng vài tháng tới có bao nhiêu lao động nước ngoài sẽ chọn những đồng cỏ xanh tươi hơn. Điều đó có thể tác động lớn đến các doanh nghiệp đang phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Hậu quả đối với nền kinh tế và xã hội Nhật Bản thực sự có thể rất nghiệt ngã."

Yohei Shibasaki, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Fourth Valley cho biết: “Kỷ nguyên người lao động nước ngoài đến Nhật Bản mà chúng tôi không làm gì sẽ sớm kết thúc. Bây giờ chúng tôi phải thay đổi quan điểm và học cách ra ngoài tìm kiếm công nhân từ nước ngoài"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục