Nhật Bản hé mở cánh cửa hẹp cho lao động nước ngoài

Trước những áp lực đến từ vấn đề già hóa dân số, Chính phủ Abe mới đây công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2025 để lấp đầy tình trạng khan hiếm lao động.
Nhật Bản hé mở cánh cửa hẹp cho lao động nước ngoài ảnh 1Một công trường xây dựng ở Tokyo. (Nguồn: AFP)

Sự suy giảm kinh tế trong quý 1 năm nay của Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi tám quý tăng trưởng liên tiếp, được coi là “gáo nước lạnh” giáng xuống chính sách kinh tế "Abenomics" đầy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe.

Trước những áp lực đến từ vấn đề già hóa dân số, Chính phủ Abe mới đây công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2025 để lấp đầy tình trạng khan hiếm lao động trong 5 ngành: nông nghiệp, xây dựng, kỹ nghệ, hộ lý và đóng tàu.

Căn bệnh kinh niên

Xu hướng nhân khẩu học đã cho thấy thực tế khắc nghiệt rằng dân số Nhật Bản đã suy giảm nhanh chóng trong năm 2017, với con số kỷ lục là hơn 394.000 người. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. Tỷ lệ cung ứng việc làm thì ở mức cao nhất kể từ năm 1974, 1,59 điểm - nghĩa là có 159 vị trí làm việc sẵn sàng cho 100 người tìm việc.

Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển có tốc độ già hóa và suy giảm dân số nhanh nhất trên thế giới. Số người trong độ tuổi lao động (15-64) giảm 4,6 triệu xuống còn 76 triệu người trong giai đoạn 2012-2017 và dự kiến sẽ giảm hơn 40% xuống còn 45 triệu người trong vòng 50 năm tới.

Đây sẽ là rào cản rất lớn đối với một trong 3 mũi tên của Abenomics, đó là nâng cao năng suất lao động để phục hồi khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó là nguy cơ phình to gánh nặng nợ công mà nước này đang phải đối mặt.

Kết quả khảo sát do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện hồi tháng 3 cho thấy tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng tại nước này sau khi lực lượng lao động được sinh ra sau thời kỳ chiến tranh nghỉ hưu. Với những kế hoạch khôi phục kinh tế vĩ mô mà chính phủ nước này đang theo đuổi, không có công nhân, các chiến lược sẽ không đi đến đâu cả.

Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc thêm 7,9 triệu lao động trong nền kinh tế nghỉ hưu vào năm 2030 đi kèm với sự gia tăng của chi phí an sinh xã hội dành cho những đối tượng này. Để duy trì dân số ở mức 100 triệu, theo lý thuyết, nước này phải tiếp nhận 200.000 người nhập cư mỗi năm.

Điều này sẽ nâng tỷ lệ sinh ở nước này lên 2,07 từ 1,42 vào năm 2030. Theo mục tiêu mà chính phủ mới đề ra, việc mở cửa cho 500.000 lao động có nghĩa là nước này sẽ tiếp nhận trung bình 71.430 người mỗi năm trong hơn bảy năm tới.

Cách đây không lâu chính ông Abe đã bác bỏ triển vọng mở cửa cho những công nhân người nước ngoài có tay nghề thấp và người nhập cư. Quyết định mới nhất của chính quyền Shinzo Abe nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài có tay nghề thấp từ các nước láng giềng được coi là một sự thay đổi đáng kể về phương hướng.

Tuy nhiên, chính quyền Abe đã dập tắt những đồn đoán về một chính sách nhập cư “gián tiếp” mới bằng cách nhấn mạnh rằng Nhật Bản giới hạn việc cấp thị thực lao động tối đa 5 năm đối với lao động là người nước ngoài, cũng như quy định người lao động nước ngoài không được mang theo thân nhân đến Nhật Bản. Những cải cách mới do đó chỉ là một giải pháp tạm thời cho tình trạng “đói” lao động hiện nay.

Theo chính sách mới, hiện đang được thảo luận ở các cấp trước khi trình Quốc hội Nhật Bản vào mùa Thu năm nay, đối tượng được tuyển dụng phải đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra. Những đối tượng đã tham gia chương trình đào tạo nước ngoài của Nhật Bản sẽ được miễn các bài kiểm tra này và có thể được cấp thị thực lao động tối đa 10 năm.

Hé mở cánh cửa còn hẹp

Dòng người lao động từ nước ngoài vào Nhật Bản, dù lặng lẽ nhưng đều đặn, đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Số lượng người nước ngoài tại Nhật Bản đã đạt 2,6 triệu người vào năm 2017, chiếm 2% tổng dân số. Mức tăng 20% chỉ trong ba năm là không hề nhỏ.

Cụ thể, số người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc trong năm 2017 là 1,28 triệu người, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2008. Gần 1/3 trong số đó, tức 29% là lao động từ Trung Quốc, khoảng 19% là người Việt Nam, tiếp đó là Philippines (12%), Brazil (9%) và Nepal (5%).

Trong số này, chủ yếu là sinh viên nước ngoài, được phép làm việc 28 giờ/tuần, và những thực tập sinh tham gia chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài 5 năm. Lâu nay Nhật Bản vẫn duy trì chính sách hạn chế lao động người nước ngoài do lo ngại những vấn đề liên quan dòng người nhập cư gia tăng.

Các nhà kinh tế đã đẩy mạnh chính sách nhập cư ở Nhật Bản, song đây luôn là một chủ đề chính trị nhạy cảm xuất phát từ nỗi sợ hãi sâu sắc về nguy cơ tội phạm gia tăng, xáo trộn trật tự xã hội, gia tăng cạnh tranh trên thị trường lao động và những phản ứng dữ dội tương tự như ở châu Âu.

Là một người bảo thủ, ông Abe đã ủng hộ một chính sách nhập cư “Nhật Bản trên hết” và tìm cách giải quyết thách thức kinh tế của Nhật Bản này thông qua các cải cách trong nước như khuyến khích phụ nữ và người đã nghỉ hưu tái gia nhập lực lượng lao động. Sáng kiến “ Womenomics” đã được công bố vào năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là phụ nữ chiếm 30% vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2020. Song tỷ lệ mục tiêu này tại các công ty đã được giảm xuống 15% vào năm 2025.

Thu hút tài năng là một chính sách cần thiết để khơi dậy tinh thần sáng tạo vốn đã đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của các sản phẩm “Made in Japan” (Sản xuất tại Nhật Bản). Đặc biệt là trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ du lịch để chuẩn bị cho sự kiện Olympic mùa Hè 2020 tại Tokyo, vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực lại càng trầm trọng hơn.

Giáo sư Toru Shinoda, tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng đề xuất trên là một bước đi đúng hướng nhằm đảm bảo tương lai của đất nước. Tuy nhiên, những điều kiện cứng nhắc và mang tính tạm thời sẽ khiến Nhật Bản dần trở nên ít hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài. Với sự nổi lên của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Nhật Bản nên làm quen với thực tế rằng quốc gia này cần lao động nước ngoài nhiều hơn lao động nước ngoài cần Nhật Bản.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục