Nhật Bản hủy kế hoạch ra mắt máy bay chiến đấu không người lái

Nhật Bản lên kế hoạch bắt đầu nghiên cứu một dòng máy bay chiến đấu mới từ tài khóa 2024 và dự định ra mắt chiếc chiến đấu cơ này vào tài khóa 2035.
Nhật Bản hủy kế hoạch ra mắt máy bay chiến đấu không người lái ảnh 1Máy bay F-2 của Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Theo Kyodo, các quan chức Chính phủ Nhật Bản yêu cầu giấu tên ngày 10/10 cho hay Tokyo từng cân nhắc trình làng các máy bay chiến đấu không người lái để thay thế cho những chiếc F-2 đã cũ của Lực lượng Phòng vệ Trên không (ASDF), dự kiến sẽ bắt đầu bị loại biên trong vòng hai thập kỷ tới, như một phần của những nỗ lực cắt giảm các chi phí phát triển.

Đề xuất trên được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đưa ra hồi đầu năm nay. Ông Kono hiện giữ chức Bộ trưởng Cải cách Hành chính trong nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga.

Theo các quan chức trên, những cuộc thảo luận ở Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bị đình hoãn sau quyết định hồi tháng Sáu của Tokyo về việc hủy bỏ kế hoạch để triển khai hệ thống phòng thủ trên bộ Aegis Ashore do Mỹ phát triển, được thiết kế nhằm đối phó với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.

[Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất phương án thay hệ thống Aegis Ashore]

Với sự hợp tác của các công ty Mỹ hoặc Anh, Nhật Bản lên kế hoạch bắt đầu nghiên cứu một dòng máy bay chiến đấu mới từ tài khóa 2024 và dự định ra mắt chiếc chiến đấu cơ này vào tài khóa 2035, khi những chiếc F-2 hiện nay bắt đầu bị loại biên theo kế hoạch.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ước tính phải chi ra ít nhất 1.200 tỷ yen để phát triển một chiếc máy bay chiến đấu có người lái, trong khi một chiếc máy bay không người lái, vốn không yêu cầu bất cứ khoảng không gian nào dành cho phi công và không cần đến bất cứ thiết bị an toàn nào, có chi phí phát triển thấp hơn nhiều.

Giá thành của một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ được cho là vào khoảng 1,5 tỷ yen, chỉ bằng khoảng 10% giá thành của một chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-22.

Các quan chức cho biết khi còn lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Kono bảo vệ quan điểm cho rằng mua những chiếc máy bay không người lái có chi phí thấp hơn là lựa chọn sáng suốt hơn so với việc giành khoản tiền rất lớn cho những chiếc chiến đấu cơ có người lái.

Tuy nhiên, quan điểm này chỉ giành được sự ủng hộ khiêm tốn ở Bộ Quốc phòng Nhật Bản bởi cách tiếp cận dựa vào nhập khẩu như vậy có thể làm suy yếu nền công nghiệp quốc phòng của Tokyo, vốn thiếu các bí quyết trong công tác phát triển công nghệ máy bay không người lái hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục