Trang mạng Zeit.de đã đăng bài viết có tựa đề “Nhật Bản đã trở lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ” của tác giả Matthias Nass, nguyên Phó Tổng biên tập báo Thời đại (Zeit), nội dung chính như sau:
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ là vị chính khách nước ngoài đầu tiên được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại Nhà Trắng. Có vẻ như nước Mỹ đang tìm lại một đồng minh cũ. Điều này diễn ra không phải ngẫu nhiên. Cả Mỹ và Nhật Bản đều cảm thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn, vì vậy, liên minh lâu đời Mỹ-Nhật bỗng nhiên hồi sinh.
Từ lâu, nước Mỹ đã chuyển hướng trọng tâm chính sách đối ngoại từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đến nay, sự chuyển hướng này vẫn đang được đẩy mạnh vì tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, siêu cường Mỹ nhận ra rằng lợi ích của họ đang bị đe dọa, và mối đe dọa đó lớn hơn nhiều so với ở châu Âu - chiến trường chính của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đó là lý do vì sao vị chính khách đầu tiên của tân tổng thống Mỹ không đến từ London, Paris hay Ottawa, mà đến từ Tokyo. Ngay cả điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi giữa tháng 3 vừa qua cũng là Nhật Bản.
Những năm qua, Nhật Bản nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ vì cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người từ chức hồi năm ngoái vì lý do sức khỏe - đã đưa Nhật Bản trở lại chính trường quốc tế với một vai trò tích cực hơn nhiều. Ông muốn từ bỏ quy định của thời kỳ hậu chiến và muốn sửa lại Điều 9 nổi tiếng trong bản Hiến pháp của nước này (quy định "nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia").
Mặc dù không thành công nhưng ông cũng đã tìm ra cách để "diễn đạt lại" Điều 9 này, theo đó, Nhật Bản giờ đây được phép tham gia các biện pháp "tự vệ tập thể." Chính điều đó đã làm cho đất nước Mặt Trời mọc, nơi hơn 54.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú, trở thành một đồng minh có giá trị hơn nhiều đối với Washington.
[Kỷ nguyên mới của quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản]
Nếu nhìn vào tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật trong cuộc gặp 2+2 ngày 16/3 vừa qua, người ta sẽ thấy điều này rõ hơn. Tuyên bố chung đã nhiều lần nói tới Trung Quốc, chẳng hạn như yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), về Đài Loan và về việc (Trung Quốc) quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Ngoài ra, nó cũng đề cập đến những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Hong Kong và Tân Cương. Có lẽ, đối với người Nhật, điều quan trọng nhất là cam kết "không thể lay chuyển" của Mỹ về việc nước này sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku theo Điều 5 của Hiệp ước hợp tác và an ninh tương hỗ năm 1960 giữa hai nước, trong trường hợp quần đảo này bị Trung Quốc tấn công.
Tờ The Statesman (Ấn Độ) gần đây đã viết rằng Nhật Bản đang trở thành "trụ cột trong chiến lược của chính quyền Biden đối với châu Á." Điều này cũng được thể hiện rõ qua việc đẩy mạnh liên kết nhóm 4 quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - hay còn gọi là Bộ Tứ.
Bắc Kinh luôn coi Bộ Tứ này là một "liên minh chống Trung Quốc." Điều này không sai, ngay cả khi mỗi quốc gia trong đó đều theo đuổi những lợi ích rất khác nhau, nhất là việc Ấn Độ luôn đi theo con đường riêng của mình.
Chính Shinzo Abe là người đã hồi sinh nhóm “Bộ Tứ kim cương” được thành lập năm 2007 này. Mục tiêu chung của 4 cường quốc là mang lại cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) một không gian chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với sức mạnh của Trung Quốc.
Những năm qua, Bắc Kinh đã vươn lên mạnh mẽ và áp đảo cả về kinh tế, chính trị cũng như quân sự trong khu vực. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản đã và đang tài trợ nhiều nguồn lực tài chính cho các quốc gia này. Nhật Bản đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước Đông Nam Á nhiều hơn so với Trung Quốc.
Và khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính cựu Thủ tướng Abe là người đã đưa ra sáng kiến mới để cứu TPP, đưa nó trở thành một hiệp định thương mại tự do mới không có sự tham gia của Mỹ với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ hoàn toàn có thể tham gia CPTTP. Nhật Bản - đất nước có nền kinh tế trì trệ trong một thời gian dài - đã trở thành một đối tác tích cực ngoài mong đợi trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hai chuyên gia chiến lược người Mỹ là Richard Armitage và Joseph Nye đã viết trong một báo cáo cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington rằng “lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản đóng vai trò bình đẳng, nếu không muốn nói là hàng đầu, trong liên minh Mỹ-Nhật.”
Trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, chính quyền mới ở Washington rất hoan nghênh điều này. Đó là lý do Nhà Trắng sẽ trải thảm đỏ để đón Thủ tướng Suga Yoshihide./.