Chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cùng Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) Kotaro Nogami đã trực tuyến Đối thoại cấp cao lần thứ 5 hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản và Diễn đàn hợp tác công-tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.
Hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa hai bên về hợp tác công nghệ trong thủy lợi và thoát nước và bảo vệ nguồn tài nguyên biển, quản lý ngành ngư nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đúng trách nhiệm.
Tại đối thoại, hai bên đã đánh giá sâu sắc lại các kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; trên cơ sở đó thông qua nội dung và nhất trí cùng nhau triển khai Tầm nhìn Trung và Dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2 (2020-2024).
Trong giai đoạn 2020-2024, với các nội dung chính bao gồm: hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp bao gồm các công trình thủy lợi, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp.
Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp; mở rộng các mô hình thí điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá Nhật Bản là đất nước có nền nông nghiệp rất hiện đại và đầy tiềm năng. Hai bên có thể thúc đẩy thương mại hai chiều về nông sản; thúc đẩy đầu tư FDI và Nhật Bản cũng là quốc gia và có nguồn đầu tư viện trợ ODA rất lớn, quan trọng của Việt Nam.
Nhật Bản phát triển chuyên sâu và hiện đại về công nghệ, chế biến nông sản cũng như là trung tâm đào tạo rất tốt về nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng giai đoạn tới sẽ mở ra một triển vọng rất tốt đẹp từ nền tảng của giai đoạn 1.
[Bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản]
Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Kotaro Nogami cho biết Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu nông lâm thủy sản của Nhật Bản đạt 5.000 tỷ yen, hiện Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu nông sản của Nhật Bản, vì vậy tầm nhìn mới mà hai bên vừa ký kết sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị, mở rộng cơ hội đầu tư giữa hai nước.
Ngay sau buổi đối thoại, hai Bộ trưởng đã cùng tham dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Hợp tác công-tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản với sự tham gia của 100 doanh nghiệp của cả hai nước.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ Chính phủ Việt Nam luôn luôn đồng hành và kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Việt Nam mong muốn thu hút và hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản, thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo ra các đối tác liên doanh, liên kết chặt chẽ và tin cậy với các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Sản phẩm của sự hợp tác giữa hai bên không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn là các giá trị về tình hữu nghị, sự chia sẻ về công nghệ, sự giao thoa về văn hóa giữa hai nước. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ cùng với sự sẵn sàng của các doanh nghiệp tư nhân, sự sáng tạo, cần cù của những người nông dân đang mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển nông nghiệp bền vững vì lợi ích chung của hai quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã thực hiện Tầm nhìn Trung và Dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản Giai đoạn 1 (2015-2019). Tầm nhìn này tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam với các các nội dung chính gồm: xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm; ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Để triển khai giai đoạn 1 (2015-2019), đã có 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án vốn vay của Nhật Bản trong khuôn khổ Tầm nhìn giữa hai Bộ, với tổng số vốn khoảng 750 triệu USD.
Việc triển khai Tầm nhìn giai đoạn 2015-2019 đã hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp Việt Nam nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng cường nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước giải quyết được những bất cập trong sản xuất nông nghiệp như: vật tư, con giống đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra, chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, sang mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Tất cả đã góp phần không nhỏ trong quá trình tái cơ cầu ngành nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua./.