Nhật Bản đã thâm hụt thương mại kỷ lục 11.010 tỷ yen (73 tỷ USD) trong nửa đầu tài khóa 2022 (bắt đầu từ ngày 1/4/2022), do kim ngạch nhập khẩu tăng bởi giá nguyên liệu và năng lượng cao hơn. Thêm vào đó, đồng yen giảm giá so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, cũng góp phần thúc đẩy mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản.
Thâm hụt thương mại gia tăng cho thấy tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong khi đó, đồng yen yếu hơn, từng được ủng hộ như một lợi ích cho các nhà xuất khẩu - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, đã làm xói mòn sự giàu có của đất nước này.
[Nhật Bản: Đồng yen tiến gần ngưỡng hỗ trợ tâm lý 150 yen/USD]
Mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong nửa đầu tài khóa hiện nay là mức thâm hụt lớn nhất trong bất kỳ giai đoạn nửa tài khóa nào kể từ trước tới nay.
Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại kỷ lục trước đó là 8.760 tỷ yen trong nửa cuối năm tài khóa 2013 (từ tháng 10/2013 đến hết tháng 3/2014).
Trong sáu tháng tính đến hết tháng 9/2022, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 60.580 tỷ yen, vượt xa kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 19,6%, đạt 49.580 tỷ yen.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật Bản bao gồm ôtô và chất bán dẫn, trong khi nhập khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá có sự tăng trưởng rõ rệt.
Nhật Bản đã thâm hụt thương mại trong 14 tháng qua, giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) khiến giá dầu thô và các năng lượng khác tăng mạnh. Trong tháng 9/2022, thâm hụt thương mại của Nhật Bản ở mức 2.090 tỷ yen, sau khi ghi nhận mức thâm hụt theo tháng cao kỷ lục 2.820 tỷ yen một tháng trước đó.
Sự suy yếu của đồng yen, hệ quả của việc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), làm tăng thêm tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Nhật Bản, do nó làm tăng chi phí nhập khẩu./.