Nhật có thể phải hoãn đánh bắt cá trên vùng biển tranh chấp với Nga

Nga-Nhật Bản đang vướng vào tranh chấp liên quan quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc bởi hai nước chưa bao giờ ký Hiệp ước Hòa bình lâu dài sau Thế chiến 2.
Nhật có thể phải hoãn đánh bắt cá trên vùng biển tranh chấp với Nga ảnh 1Quần đảo tranh chấp do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. (Ảnh: Shutterstock/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản không thể bắt đầu thực hiện hoạt động đánh bắt cá thu Okhotsk Atka quanh đảo Kunashir (Nhật Bản gọi là Kunashiri) do Nga kiểm soát vì Moskva đã rút khỏi cuộc đàm phán song phương về sự an toàn của các tàu đánh cá Nhật Bản trong năm nay.

Kênh truyền hình NHK ngày 2/10 đưa tin tháng 1/2023, Chính phủ Nga thông báo với Nhật Bản rằng họ sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán do các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

[Nhật Bản phản ứng trước việc Nga dừng đàm phán hiệp ước hòa bình]

Do đó, mùa đánh bắt cá thu Okhotsk Atka thường bắt đầu từ ngày 16/9 đã bị trì hoãn.

Tám tàu đánh cá được cho là đang hoạt động trong khu vực gọi là đường trung tuyến.

Theo NHK, mùa đánh bắt bạch tuộc bắt đầu vào ngày 16/10 hàng năm cũng có nguy cơ bị hoãn.

Nga và Nhật Bản đang vướng vào tranh chấp liên quan quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc gồm các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và nhóm đảo Habomai (Nhật Bản lần lượt gọi Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai) bởi hai nước chưa bao giờ ký Hiệp ước Hòa bình lâu dài sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Thỏa thuận Đánh cá An toàn được hai nước ký kết năm 1998, sau một loạt sự cố tranh chấp liên quan đến các tàu cá của Nhật Bản và phía Nga xung quanh vùng biển tranh chấp chủ quyền mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moskva gọi là Nam Kuril.

Thỏa thuận này cho phép ngư dân Nhật Bản đánh bắt một số loài sinh vật biển, trong đó có các loài mang giá trị thương phẩm như cá minh thái, cá thu Atka và bạch tuộc.

Các điều kiện khai thác và đánh bắt như thời gian đánh bắt, quy mô sản lượng và số tiền mà phía Nhật Bản trả được xác định thông qua cuộc đàm phán hàng năm. Thời kỳ đánh bắt thường bắt đầu sớm nhất là vào tháng Giêng.

Hồi tháng 6/2022, Nga đã đình chỉ thỏa thuận với lý do Nhật Bản tiến hành phong tỏa các giao dịch thanh toán cho một dự án phát triển ở đảo Sakhalin (Nga).

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thực thi các biện pháp trừng phạt do Mỹ khởi xướng liên quan xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, vào tháng 3/2022, Nga cũng đã tuyên bố đình chỉ đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục