''Nhiếp ảnh gia lướt sóng'' Eduardo Martins là kẻ giả mạo

Gần 125.000 người theo dõi “nhiếp ảnh gia lướt sóng” trên Instagram cho tới khi tất cả sụp đổ khi một cuộc điều tra của BBC Brasil phát hiện ra rằng Eduardo Martins là một nhân vật tưởng tượng.
Những bức ảnh chiến tranh đã được chỉnh sửa. (Nguồn: BBC)

Câu chuyện của Eduardo Martins quá hoàn hảo ngay cả trong thế giới của những người nổi tiếng trên mạng Internet.

Người đàn ông 32 tuổi đến từ Brazil cho biết anh từng bị lạm dụng khi còn bé và đã chống chọi với bệnh bạch cầu khi trưởng thành.

Nhưng anh đã vượt lên số phận và hiện là một nhiếp ảnh gia của Liên hợp quốc, và những trải nghiệm của anh đã giúp anh kết nối với số phận của những con người đang phải chịu đau khổ ở những vùng đất xung đột nguy hiểm nhất thế giới.

Tác phẩm của anh xuất hiện trên các sản phẩm thông tin quốc tế có uy tín như Getty Images, tạp chí Wall Street Journal, Vice và BBC Brasil.

Giữa những chuyến đi tới Mosul ở Iraq, thành phố Raqqa của Syria nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Dải Gaza, Eduardo Martins dành thời gian rảnh để lướt sóng.

Anh chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời mình với gần 125.000 người theo dõi trên Instagram cho tới khi tất cả sụp đổ khi một cuộc điều tra của BBC Brasil phát hiện ra rằng Eduardo Martins hoàn toàn là một nhân vật tưởng tượng.

Những bức ảnh đảo chiều

Trong nhiều năm, một người sử dụng cái tên này đã đánh cắp những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người đã mạo hiểm cả mạng sống của mình ở các vùng xung đột để có được chúng.

Eduardo Martins đã lừa gạt nhiều nhà báo và biên tập viên ảnh bằng cách sửa đổi những điểm nhỏ trên bức ảnh, chẳng hạn như đảo chiều của chúng, vừa đủ để đánh lừa các phần mềm quét tìm ảnh giả mạo.

Một số bức ảnh của Martins là ảnh lấy cắp của nhiếp ảnh gia người Mỹ Daniel C. Britt.

Khi danh sách khách hàng của Eduardo Martins kéo dài thêm và trở nên ngày càng ấn tượng, Martins càng dễ phân phối những bức ảnh tiếp theo. Y củng cố hơn nữa hồ sơ của mình bằng việc trả lời phỏng vấn các trang web và tạp chí.

“Một lần nọ ở Iraq, khi đang chụp ảnh trong một cuộc xung đột, tôi đã dừng chụp để giúp một cậu bé bị trúng bom xăng, thả máy ảnh xuống và giúp cậu bé đó ra khỏi khu vực đang có xung đột,” y trả lời phỏng vấn của tạp chí Recount vào tháng 10/2016.

“Khi thấy những cảnh tượng như vậy, vốn rất thường gặp trong công việc của tôi, tôi đã không làm một nhiếp ảnh gia nữa mà trở thành một con người. Tôi không thể tỏ ra không thiên vị trong những khoảnh khắc như vậy.”

Danh tính giả

Y duy trì được vỏ bọc của mình bằng cách đánh cắp những bức ảnh của Max Hepworth-Povey, một vận động viên lướt sóng người Anh, và ghép ảnh anh vào những bức ảnh chụp các khu vực có chiến sự.

Hepworth-Povey hoàn toàn không hay biết gì về hành động lừa đảo này cho tới khi trò lừa bị vạch trần.

“Khi một người bạn cho tôi xem những bức ảnh, ban đầu tôi đã nghĩ đó là một trò đùa, một ai đó đang trêu đùa tôi,” anh chia sẻ với BBC Brasil.

“Nhưng thực ra, những bức ảnh của tôi đã bị đánh cắp. Thật điên rồ khi một anh chàng nào đó đã quyết định dùng ảnh của tôi giữa vô vàn lựa chọn khác trên mạng Internet.”

Max Hepworth-Povey không biết danh tính của mình đã bị đánh cắp. (Nguồn: BBC)

Người đàn ông 32 tuổi, quê ở Cornwall, Anh, cho biết một vài bức ảnh bị đánh cắp đã được chụp từ cách đây tới 5 năm.

“Tôi làm việc rất xa các vùng chiến sự, bằng những chuyến đi lướt sóng,” Hepworth-Povey cho biết. Anh đã và đang sống và làm việc ở miền Bắc Tây Ban Nha trong ba tháng qua.

“Tôi không thích ý tưởng tạo ra cảm giác hào nhoáng đẹp đẽ ở một quốc gia có xung đột.”


Kẻ lừa đảo bị vạch mặt

Sự nghiệp của Eduardo Martins đã chấm dứt sau khi y liên hệ với Natasha Ribeiro, một cộng tác viên của BBC Brasil ở Trung Đông.

Cô đã cảm thấy nghi ngờ vì cô cũng như tất cả những người khác trong số ít các nhà báo Brazil làm việc ở khu vực này đều chưa từng gặp Eduardo Martins bằng xương bằng thịt.

Vậy là cô bắt đầu điều tra.

BBC Brasil đã liên lạc với Liên hợp quốc, và Liên hợp quốc đã xác nhận rằng Eduardo Martins không làm việc cho họ.

BBC Brasil cũng đã liên lạc với các tổ chức mà kẻ lừa đảo khẳng định đã tới thăm trên toàn thế giới, và không một tổ chức nào nhận ra Martins.

Hepworth-Povey nói với BBC Brasil rằng hồi năm 2014, đã có một người tự xưng là “Bruno” liên hệ với anh và muốn nói chuyện với anh về một công việc có liên quan đến lướt sóng.

Nhưng khi hai người cố gắng liên lạc qua mạng, “video của anh ấy không hoạt động và cuối cùng tôi đã nói rằng tôi không có hứng thú với công việc đó nữa,” Hepworth-Povey nhớ lại.

Vận động viên lướt sóng này cho biết một tuần sau đó, một hồ sơ giả của anh đã xuất hiện trên Facebook; điều này khiến anh xóa tài khoản Facebook của mình. “Tất cả những điều ấy khiến tôi rùng mình,” anh chia sẻ.

Thời điểm này trùng khớp với giai đoạn mà Eduardo Martins bắt đầu gửi ảnh tới nhiều tòa soạn trên toàn thế giới.

Điều này cũng có thể giải thích vì sao các biên tập viên liên lạc với Eduardo Martins qua Skype thường nhìn thấy một bức ảnh của Vận động viên lướt sóng điển trai này để rồi đường truyền kết nối sẽ hỏng, và câu chuyện với nhiếp ảnh gia giả mạo này sẽ chuyển từ video sang audio hoặc tin nhắn qua dịch vụ nhắn tin WhatsApp.

Tình yêu qua mạng

BBC Brasil cũng đã liên lạc với một trong số ít nhất sáu phụ nữ, tất cả đều trẻ tuổi và thành công trong sự nghiệp và khẳng định rằng họ có quan hệ tình cảm qua mạng với Eduardo Martins.

Trong số họ chưa ai từng gặp trực tiếp Eduardo và họ đều yêu cầu được giữ bí mật danh tính.

Khi việc Eduardo Martins là giả mạo được chứng minh rõ ràng, BBC Brasil đã gỡ một bài viết trước đây của họ về Martins và đưa ra lời xin lỗi tới độc giả, trong đó nói thêm rằng vụ việc này “sẽ giúp củng cố quy trình xác minh của chúng tôi.”

Mặc dù mưu đồ của Eduardo Martins đã bị vạch trần, song danh tính của người đứng sau con người giả mạo này vẫn là một ẩn số.

Fernando Costa Netto, một nhiếp ảnh gia, chủ của phòng triển lãm DOC Galeria ở Sao Paolo, cho biết anh có thể đã vô tình cảnh báo kẻ lừa đảo rằng đã bắt đầu có người nghi ngờ y.

“Tôi đang tập hợp một triển lãm các tác phẩm của các nhiếp ảnh gia người Brazil ở vùng chiến sự và đã liên lạc với anh ta,” Costa Netto cho biết.

Đó là vào cuối tháng 8.

“Sau đó anh ta biến mất trong khoảng hơn một tuần. Tôi tưởng anh ta đã bị IS bắt cóc hay gì đó. Vậy nên tôi đã liên lạc với một số đồng nghiệp của anh ta ở Iraq. Khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm anh ta, anh ta lại xuất hiện và nói rằng anh ta gặp vấn đề về kết nối.”


“Này người anh em, tôi đang ở Australia”

Có lẽ vì cảm thấy thận trọng trước sự nghi ngờ ngày càng gia tăng và những câu hỏi không ngừng được đặt ra, Eduardo Martins đã gửi cho Costa Netto thông điệp cuối cùng trước khi khóa các trang mạng xã hội và xóa tài khoản WhatsApp của mình.

“Này người anh em. Tôi đang ở Australia. Tôi đã quyết định dành một năm đi vòng quanh thế giới trên một chiếc xe tải. Tôi sẽ cắt bỏ mọi liên hệ, trong đó có cả Internet, và xóa tài khoản Instagram,” Martins viết.

“Tôi muốn được ở một mình. Chúng ta sẽ lại nói chuyện khi tôi quay trở lại. Tạm biệt”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục