Nhiều giải pháp nâng cao năng lực vận tải đường sắt

TCT Đường sắt VN đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên là triển khai đề án rút ngắn hành trình chạy tàu khách Bắc-Nam xuống 28 giờ.
Sáng 3/7, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2012.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đưa ra để nâng cao năng lực vận tải đường sắt những tháng cuối năm 2012 và đảm bảo các vấn đề về an toàn đường sắt. Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên thực hiện như: triển khai đề án rút ngắn hành trình chạy tàu khách Bắc-Nam xuống 28 giờ và đề án vận chuyển container trên tuyến đường sắt Yên Viên-Hải Phòng (khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt).

Tổng kiểm tra chất lượng, tiến độ các công trình để thúc đẩy các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thi Cầu; dự án hàng rào phân cách đường bộ và đường sắt; tập trung thực hiện nhanh, dứt điểm các dự án đầu tư, sửa chữa khẩn cấp những điểm xuống cấp trên tuyến đường sắt thống nhất, tuyến đường sắt phía tây; đẩy mạnh các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt…

Tổng công ty đường sắt cũng đặt ra chỉ tiêu cụ thể về vận tải hàng hóa tăng 10% doanh thu và tăng 12% doanh thu về vận tải hành khách.

Thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Đường sắt Việt Nam tập trung ưu tiên vận chuyển các mặt hàng truyền thống có khối lượng lớn như: Apatit, xi măng, thạch cao, than, hàng đường dài, hàng hai chiều… Ngành tập trung khắc phục tồn tại để nâng cao sản lượng xếp than cho điện Phả Lại và tổ chức vận tải hàng hóa ở ga Sóng Thần; tổ chức chạy ổn định 7 đôi tàu chuyên luồng vận chuyển Apatit; hoàn thành áp dụng thiết bị giám sát đuôi tàu thay thế toa xe trưởng tàu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; triển khai mua cần cẩu cứu viện khổ đường 1435mm.

Công ty vận tải hàng hóa tổ chức vận tải container trên tuyến Yên Viên-Hải Phòng và Cái Lân-Kép-Yên Viên; ký hợp đồng với khách hàng cải tạo 200 toa xe H chở quặng tuyển và 30 xe H chở thạch cao.

Đường sắt Việt Nam cũng sẽ triển khai sớm phương án tổ chức chạy tàu, bán vé đợt vận chuyển dịp tết Nguyên đán; bố trí hợp lý số đôi tàu khách Thống nhất, số đôi tàu khách quay ngắn, nhằm đạt hiệu quả khai thác tối ưu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Đường sắt Việt Nam thường xuyên theo dõi, phát hiện và có biện pháp xử lý các điểm đen về an toàn giao thông đường sắt; tổ chức cảnh giới thường xuyên tại các đường ngang không có người gác có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; vận động tổ chức, cá nhân tự tháo gỡ các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt; tiến hành lắp đặt gương cầu lồi, thiết bị tín hiệu từ xa phía đường bộ tại các đường ngang không có người gác. Ngành ứng dụng công nghệ GPS để giám sát tốc độ chạy tàu, tăng cường độ hoạt động ổn định tín hiệu cảnh báo tại các đường ngang, thay đổi tiếng còi tàu…/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục