Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc

Những thách thức từ Hiệp định VKFTA, mặc dù tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là điều kiện cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước vươn lên trong hội nhập, tăng sức cạnh tranh.
Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc ảnh 1Triển lãm Công nghệ và năng lượng môi trường Entech 2015 là ví dụ điển hình cho thấy tính hiệu quả của việc hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 22/5, tại hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA)-Nội dung cam kết-Tác động tới doanh nghiệp Việt Nam," các nội dung chính của Hiệp định như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ... đã được giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 1 Thỏa thuận thực thi quy định, đã được Chính phủ hai bên ký chính thức, đồng thời đang tích cực tiến hành những thủ tục phê chuẩn ở nội bộ từng nước.

Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương), nhấn mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu, Hàn Quốc sẽ mở rộng thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Hàn Quốc, do đó nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan khi vào thị trường này.

Về nhập khẩu, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử... giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Riêng về các cam kết trong dịch vụ và đầu tư, sẽ hỗ trợ Việt Nam hình thành môi trường minh bạch, thông thoáng hơn, để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc cũng như các nước khác.

Cụ thể các cam kết thuế quan trong Hiệp định VKFTA cho thấy, Hàn Quốc tự do hóa hơn 97% giá trị nhập khẩu (chiếm hơn 95%), đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với gần 93% giá trị nhập khẩu (chiếm trên 89%) số dòng thuế, chủ yếu tập trung các nhóm hàng công nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc có tính bổ sung lẫn nhau, nên thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh hàng hóa tại thị trường nội địa do tác động của Hiệp định VKFTA không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cạnh tranh về dịch vụ và đầu tư trong nước có thể rất lớn vì trong Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc đã ký, Việt Nam hầu như không mở cửa về các lĩnh vực này so với WTO, nhưng trong Hiệp định VKFTA lại có cam kết đáng kể về mở cửa dịch vụ và đầu tư cho Hàn Quốc.

Đặc biệt, trong Hiệp định VKFTA cam kết chi tiết về mở cửa ngành/lĩnh vực nào sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam, đồng thời cam kết chặt chẽ về những vấn đề liên quan bảo hộ đầu tư như đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư minh bạch.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những thách thức từ Hiệp định VKFTA, mặc dù tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là điều kiện cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước vươn lên trong hội nhập, tăng sức cạnh tranh trước khi phải đối mặt với những vấn đề cạnh tranh lớn hơn từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia đàm phán và sắp ký kết với các đối tác như Mỹ, EU, Liên minh Hải quan...

Trong nhiều năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ, tăng từ 500 triệu USD trong năm 1992 lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Hàn Quốc luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 3/10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, tính hết năm 2014 dẫn đầu với 505 dự án cấp mới, 179 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là hơn 7 tỷ USD, chiếm trên 36% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục