Nhiều luật quan trọng được xem xét vào cuối năm

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh nhiều dự án luật quan trọng được xem xét vào 6 tháng cuối năm như sửa đổi Hiến pháp.
Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2012 và năm 2013 với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2012 và năm 2013 rất nặng và có nhiều dự án quan trọng như sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật đất đai, có những dự án phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp...

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết năm 2013 là năm bản lề cho việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ, do đó cần tập trung và dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Mặt khác, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, cách làm tập trung hơn, đổi mới, hiệu quả hơn, có kế hoạch và phương pháp cụ thể, chặt chẽ, khoa học và hợp lý để đảm bảo thực hiện được chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, khắc phục hạn chế, bất cập để thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2012 và năm 2013 theo đúng tinh thần nội dung Nghị quyết của Quốc hội.

Theo chương trình, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội dự kiến thông qua chín luật; cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và 10 dự án luật khác.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội xem xét thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến về chín dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 10 dự án luật, trong đó có chín dự án đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm và cho ý kiến về 10 dự án khác.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thông báo tình hình triển khai thực hiện, những kết quả đạt được; đồng thời, đóng góp ý kiến, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nổi cộm trong quá trình chuẩn bị các dự án để kịp thời xin ý kiến về hướng giải quyết. Đặc biệt là tình hình triển khai chín dự án dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, gồm Luật dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm chỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, tiếp tục tổ chức các hội thảo, hội nghị thiết thực để hoàn thiện dự án, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là công việc hệ trọng, liên quan đến các ngành, các cấp, đòi hỏi có sự tích cực chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, theo kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đối với các dự án luật khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan, tổ chức làm việc chặt chẽ, đúng quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội về xây dựng luật, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện chương trình.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến về tiến độ thực hiện và tính hợp lý trong dự kiến chương trình; đề xuất các biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt và nghiêm túc chương trình sáu tháng cuối năm 2012 và năm 2013, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án luật; rút kinh nghiệm không để lặp lại tình trạng một số dự án luật đến giai đoạn cuối lại rút ra khỏi chương trình, điều chỉnh thời hạn trình./.
 
Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục