Nhiều thắng tích có nguy cơ thành phế tích

Cùng với quần thể Ngũ động-Thi Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) bị xâm hại do hoạt động khai thác đá, nhiều thắng cảnh ở Hà Nam cũng đang bị bỏ quên.

Truyền thống văn hiến cùng thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho vùng quê “núi Đọi sông Châu” một di sản đô sộ gồm hơn 1200 di tích các loại. Trong hành trình “điền dã” để phản ánh thực trạng quần thể Ngũ động Thi Sơn (Kim Bảng) bị xâm hại, phóng viên TTXVN đã được chứng kiến nhiều “dị bản” hang Luồn-Ao Dong, mà cảnh “đoạn trường” mỗi nơi một vẻ.

Liên khúc "bỏ quên"

Cách Hang Luồn-Ao Dong của Ngũ động Thi sơn có một thôi đường, khung cảnh sơn thủy hữu tình của quần thể Kẽm Trống (Thanh Liêm, Hà Nam) từng nao lòng bao tao nhân mặc khách. Vậy mà nay vẫn cảnh “hai bên là núi giữa là sông” từng được bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương làm thơ ngâm vịnh ấy, sắp thành phế tích. May mắn cho núi Trinh Tiết và núi Rồng, nhờ đứng biệt lập khỏi khu vực trung tâm nên còn tương đối nguyên vẹn, còn hầu như các quả núi khác như núi Rùa, Động Xuyên, Vắt Ra, Bài Thơ… đã bị hoạt động khai thác đá làm cho biến dạng cảnh quan. Thảm nhất là núi Rùa, có hình thế kim quy phủ phục bên sông Đáy, bị đánh mìn phá đá làm cụt đầu.

Kẽm Trống được công nhận thắng tích quốc gia từ thập niên sáu mươi thế kỷ trước, nhưng việc khai thác đá được phép tiến hành suốt một thời gian dài, chỉ đình lại trên địa bàn Hà Nam mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, khi ý thức bảo vệ danh thắng được khơi dậy, biển “danh thắng cấm vi phạm” được cắm, thì danh thắng đã tan hoang.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Trung Phong, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải (Thanh Liêm) thừa nhận: Thắng cảnh thì có tiếng thật, nhưng nếu bây giờ để làm quay ra làm du lịch rất khó, vì đâu có gì mà làm. Nhận bằng di tích quốc gia rồi, nhưng ngoại trừ được nhận mấy trăm nghìn làm vài tấm biển, xã tôi có được dặn phải ứng xử với mấy ngọn núi ấy thế nào đâu. Khai thác đá cũng do trên chỉ đạo, chứ xã nào được tham gia”.

Thắng cảnh đẹp nhưng không biết bảo tồn khai thác như thế nào. Đó là tâm sự chung của nhiều cán bộ xã khi được hỏi về tình trạng thắng tích trên địa bàn. Cũng từ cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Văn, Bí thư đảng ủy, xã Liên Sơn (Kim Bảng- Hà Nam), chúng tôi hiểu thêm nhiều cơn cớ. Tình trạng “quy hoạch thì có, kế hoạch thì không” không phải chuyện riêng ở Hang Luồn-Ao Dong.

Lật lại hồ sơ, chúng tôi có được trong tay biên bản từ năm 2001 do ba “pháp nhân”: Sở Công nghiệp Hà Nam, Sở VHTT (cũ) huyện Kim Bảng, xã Liên Sơn từng cam kết Hang Luồn- ao Dong là khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Nhưng rốt cuộc, dường như các cơ quan chức năng đều “quên” mất những gì đã ký. Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh Hà Nam vừa ra phê duyệt quy hoạch bảo vệ để phát triển du lịch nhưng đồng thời lại đồng ý để cho tới 5 doanh nghiệp vào khai thác đá quanh thắng tích. Tại cấp sở, khi trả lời công văn ý xin kiến về khai thác khoáng sản, một văn bản của Sở VHTT Hà Nam (cũ) hồn nhiên lại phúc đáp: vị trí đó “không có di tích lịch sử, thắng cảnh…”.

Còn ở cấp xã bà Hoàng Thị Mây, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn rầu rĩ: Nếu Hang Luồn của xã tôi được đầu tư kinh phí như bên đền Trúc (Thi Sơn) thì đã không xảy ra chuyện. Chỉ là đợi mãi mà chẳng thấy trên bảo sao, chúng tôi nghĩ sẽ…không làm du lịch nữa”.


Manh mún bảo tồn khai thác

Tình trạng quy hoạch rồi bỏ quên các di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nam đã dẫn đến hệ lụy “trăm hoa đua nở” trong công tác bảo tồn khai thác thắng tích.

Nằm trong quần thể Kẽm Trống, chùa Trinh Tiết nổi tiếng linh thiêng gắn với nghiệp tu hành của một công chúa thời Trần. Thật ngạc nhiên khi chúng tôi được lãnh đạo xã Thanh Hải cho hay, đến nay chùa vẫn không có người quản lý.Việc chăm sóc tế tự được phó cho các các hộ dân theo cách tự phát. Trong khi ngôi danh lam cổ tự này đáng nhẽ phải được “hoằng dương” nhiều hơn nữa mới tương xứng vị thế.

Tại Hang Luồn-Ao Dong, toàn bộ hoạt động khai thác du lịch được khoán cho gia đình anh Chu Văn Lưu. Tự đóng thuyền, chở khách, kiêm hướng dẫn viên du lịch, mỗi năm gia đình anh nộp cho xã 3 triệu đồng. Việc thu “thuế” du lịch tại hang Luồn diễn ra nhiều năm, nhưng chẳng thấy có sự “tái” đầu tư để nâng cấp các dịch vụ bảo hiểm, cứu hộ, nâng cấp hạ tầng, quảng bá thương hiệu cho thắng tích. Hang Luồn bởi vậy mà tự “thui chột” chức năng phục vụ du lịch, trở thành “mồi” cho công trường phá đá một cách dễ dàng.

Một ngày làm khách du ngoạn “tam sơn, ngũ động” vùng Hà Nam, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều địa chỉ xứng danh “gà đẻ, trứng vàng” nếu biết làm du lịch, nhưng để mặc trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Án ngữ lối vào khu Kẽm Trống, trên đỉnh núi Bún, tự bao giờ đã mọc lên một khu sinh vật cảnh do ông Bùi Đức, người dân xã Thanh Hải lập nên. Coi ngọn núi sau nhà như “hòn non bộ” của tư gia, ông cho làm đủ các loại tượng thanh long, bạch hổ, miếu thờ, tam quan, lập lòe điện xanh đỏ, hình thù kỳ dị xanh đỏ. Ông hào hứng nói: Khu ở khu vực Kẽm Trống mấy chục năm nay chẳng đầu tư gì. Thấy cảnh đẹp, nên tôi thích, đầu tư trên 40 triệu xây dựng cho riêng mình. Tôi đã làm ròng rã 4-5 năm trời mới xong đấy. Khách lên núi chơi, phải mua vé 10 nghìn đồng. Các anh thì tôi…khuyến mại”.

Sự biến dạng di tích ở đất Hà Nam mỗi nơi mỗi vẻ nhưng dường như đều có “mẫu số chung” liên quan việc “khinh”, “trọng” với từng địa chỉ. Đến dâng hương tại đền nữ tướng Lê Chân, chúng tôi không khỏi rầu lòng khi chứng kiến dòng sông Vũ Cố trước cửa đền bị lấp cạn. Điều đó đồng nghĩa với các hoạt động diễn xướng liên quan đến “sông nước” trong lễ hội đền Bà không thể tiến hành.

Tình trạng manh mún phát triển còn diễn ra tại không gian nổi tiếng: đền Ông, Bát cảnh sơn, hồ Tam Chúc…Thậm chí có tình trạng người dân quyên tiền đầu tư vào thắng tích mới mong muốn nâng cấp để sớm được đón bằng quốc gia, nhưng “nhiệt tình” quá lại làm hỏng đại sự, bởi ngành bảo tàng xuống khảo sát, lắc đầu trước những công trình làm mới.

Cùng được ưu đãi bởi những danh thắng “hang động”, nhưng khi nhiều tỉnh lân cận thành công với nhiều mô hình “nhất động, nhị động” Nam thiên, nhờ khéo kết hợp bảo tồn với khai thác, Hà Nam vẫn chưa thể “thăng hoa” trên thế mạnh tiềm năng. Vấn nạn Hang Luồn-Ao Dong đang vẫn tồn tại như một dấu lặng trong liên khúc bỏ quên thắng tích, chưa hồi kết./.

Hoàng Giang- Hồng Ninh (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục