Nhiều tỉnh thành đang gấp rút ứng phó với bão số 1

Các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bão số 1 đang gấp rút chuẩn bị để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 đang gấp rút hoàn  thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mưa bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã thông báo, hướng dẫn cho gần 3.790 tàu thuyền với hơn 12.770 lao động đang hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó có gần 560 phương tiện với hơn 2.530 lao động đang hoạt động trên biển, ở khu vực gần các đảo Cát Bà, Cô Tô, Bạch Long Vỹ.

Hiện có hơn 2.630 tàu thuyền về các bến neo đậu và gần 600 bè nuôi thủy sản đang neo đậu tại các vịnh Cát Bà, Gia Luận, Bến Bèo, Lan Hạ...

Bộ đội biên phòng đang phối hợp với các địa phương tiếp tục thông báo, liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản khẩn trương về nơi tránh bão an toàn, ngăn chặn và không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện ra hoạt động trên các khu vực nguy hiểm.

Ông Lê Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho biết mối lo lớn nhất của Hải Phòng khi bão số 1 đổ bộ là các tuyến đê biển ở huyện đảo Cát Hải. Với bão cấp 11, giật cấp 13 như dự báo, nếu bão đổ bộ thì các tuyến đê, kè của huyện này sẽ khó trụ nổi.

Vì vậy, việc sơ tán hàng ngàn người dân, đặc biệt là các cụ già, em nhỏ đã được triển khai ngay từ chiều 16/7, chậm nhất đến trưa 17/7 phải hoàn tất. 100 cán bộ, chiến sĩỹ Trung đoàn 50 đã được huy động cùng các phương tiện cần thiết của Hải quân để sơ tán người dân...

Các khu du lịch Đồ Sơn, đảo Cát Bà sẵn sàng phương án di chuyển khách du lịch ra khỏi khu vực nguy hiểm. Toàn thành phố đã huy động 36.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng chủ lực do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm gồm 6.205 người, hơn 130 xe ôtô các loại, hơn 30 tàu và xuồng cao tốc, bốn xe thiết giáp..., sẵn sàng đối phó với mọi tình huống do bão số 1 gây ra.

Tại Hà Nội, Công ty Thoát nước tập trung lực lượng tiếp tục khơi thông hệ thống cống, rãnh; giải tỏa các vật cản gây tắc nghẽn trên hệ thống tiêu thoát nước nội thành; đồng thời có giải pháp thoát nước đối với các vị trí ngập cục bộ, phối hợp với các Công ty thủy lợi vận hành có hiệu quả các trạm bơm tiêu cho khu v ực nội thành.

Cùng với đó, Công ty trách nhiễm hữu hạn Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh tiến hành cắt cành, tỉa tán, chặt hạ những cây có nguy cơ đổ gây mất an toàn. Sở Xây dựng kiểm tra các công trình xây dựng cao tầng, chằng chống cần cẩu, cần trục để đảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra.

Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí lực lượng, các trang thiết bị tại các điểm có khả năng úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý, ứng cứu, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Khi có tình huống xảy ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô bảo đảm phươnng tiện thường trực sẵn sàng ứng cứu kịp thời. Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn yêu cầu chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai ngay công tác phòng, chống bão, úng ngập.

Các quận, huyện, thị xã phải kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn.

Đồng thời các quận huyện, thị xã cũng chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ," đảm bảo đời sống nhân dân ở những nơi bị chia cắt do úng ngập.

Thành phố tiếp tục củng cố tu bổ đê điều, hồ đập và các công trình trọng điểm phòng, chống lụt, bão, úng để đảm bảo an toàn.

Tương tự các thành phố khác như Nam Định đang triển khai khẩn cấp các phương án hộ đê đề phòng mưa lớn, nước biển dâng, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc gia cố đê quai cống Phú Lễ thuộc tuyến đê biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và các tuyến đê xung yếu.

Tại các tuyến đê Văn Lý và Võ Tràng ở Hải Hậu, Giao Phong của Giao Thủy, lực lượng chức năng đã huy động hơn 500 khối đá hộc, 15 máy xúc, 30.000m vải chống tràn cùng nhiều vật tư, phương tiện khác nhằm bảo vệ an toàn cho các khu vực xung yếu. Đặc biệt, 400 người cũng đã được huy động khẩn cấp nhằm chống tràn trên các tuyến đê biển.

Nam Định cũng kêu gọi hơn 2.300 tàu, thuyền đánh cá về nơi trú ẩn an toàn; tổ chức bảo vệ các diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu, lúa mới cấy; nhắc nhở người dân đang ở trên 450 lều, vây vạng có phương án bảo vệ, tiến hành thu hoạch sớm; đồng thời khẩn trương trở về đất liền, tránh những thiệt hại không đáng có.

Các công ty công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các công ty công trình thủy nông tại 10 huyện, thành phố huy động toàn bộ nhân lực, trang thiết bị tổ chức tiêu, thoát nước, sẵn sàng các điều kiện chống úng cho toàn bộ diện tích rau màu, các trà lúa mùa mới được gieo cấy...

Ngay sau cuộc họp nhanh với lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố vào chiều tối 16/7, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đi kiểm tra công tác bảo vệ các tuyến đê biển và sơ tán các hộ dân ven biển vào nơi trú ẩn an toàn tại hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiều khả năng Thái Bình bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1; hiện nay, tại Thái Bình cũng đang có mưa vừa, gió giật cấp 3, cấp 4.

Vì vậy, tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thường trực 24/24 giờ, thực hiện các phương án bảo vệ dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển và khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển và người ở lại trên thuyền; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn, chủ động đối phó với bão số 1.

Lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với chính quyền các xã ven biển hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy tập trung kêu gọi toàn bộ các tàu thuyền vào vùng an toàn trước 18 giờ ngày 16/7.

Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Lương, Đồn trưởng Đồn biên phòng 72 ở huyện Tiền Hải, điều đáng lo ngại là số lao động đang làm ăn ở trên các chòi nuôi ngao ngoài biển khoảng gần 2.000 người sẽ rất khó kiểm soát việc họ ra hoặc bám trụ lại qua đêm và rạng sáng mai trên các bãi đầm để trông coi ngao và sẽ phải cưỡng chế số hộ dân này sơ tán, di chuyển vào trong để đảm bảo an toàn tính mạng về người.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, tỉnh Ninh Bình đã ra công điện khẩn yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh các huyện, thị xã, thành phố, các sở ngành đoàn thể triển khai các phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Tỉnh chỉ đạo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp kêu gọi các tàu đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú bão an toàn.

Huyện Kim Sơn đã khẩn trương sơ tán dân ra khỏi khu vực đê Bình Minh và bố trí các lực lượng trực ban 24/24 giờ, theo dõi mọi diễn biến của cơn bão để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Các lực lượng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã ngăn chặn gần 30 phương tiện, 69 ngư dân không cho ra khơi; gọi gần 300 tàu, thuyền và hơn 550 thuyền viên vào nơi trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, các lực lượng đã đưa toàn bộ số dân vùng đê biển Bình Minh 3 vào nơi trú ẩn và đang tiến hành sơ tán dân ở khu vực Bình Minh 2; đồng thời bố trí các tổ công tác thường trực, thông báo đến các tổ chức đoàn thể trong huyện, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục