Nhiều yếu tố thuận lợi khiến tỷ giá không còn áp lực trong năm 2024

Năm 2024 kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất khiến USD giảm giá, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam.

Nhiều yếu tố thuận lợi khiến tỷ giá không còn áp lực trong năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều yếu tố thuận lợi khiến tỷ giá không còn áp lực trong năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia phân tích nhận định trong năm 2024 áp lực lạm phát từ tỷ giá được nhận định không lớn bởi những tác động tích cực từ thị trường quốc tế cùng nhiều yếu tố hỗ trợ trong nước.

VND chỉ mất giá 2,9%

Nhìn lại năm 2023, tỷ giá có thời điểm tăng mạnh được lý giải là do tình trạng đầu cơ “găm” ngoại tệ để hưởng chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng Chín, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành lượng lớn tín phiếu đạt hơn 360.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng, góp phần rút chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng xuống còn 2%-3%/năm thay vì gần 5%/năm trước đó.

Với diễn biến này, tỷ giá từ tháng 11-12/2023 hầu như không biến động theo hướng tăng mà trái lại còn hạ nhiệt đồng thời các yếu tố như hoạt động thương mại và đầu tư và nguồn cung ngoại tệ trong nước tăng đã giúp áp lực mất giá tiền VND được kiềm chế.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương vào ngày 5/1 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết 2023 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, Việt Nam đồng (VND) mất giá khoảng 2,9% cho thấy là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao và dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện so với cuối năm ngoái. Đây là những điểm cộng để nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2023.

"Giá trị đồng Việt Nam được giữ vững, nhiều nước có tiềm lực lớn thậm chí trong G7 có lạm phát ở mức cao, giá trị đồng tiền mất giá lớn, có nhiều nước đồng tiền mất giá từ 12%-17%. Tại Việt Nam, đồng Việt Nam chỉ mất giá chưa đến 3%, đây là mức rất thấp," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, sức mạnh USD tiếp tục là yếu tố chi phối tỷ giá. Năm 2023 được đánh giá là năm mà Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thành công, khi duy trì mức giảm giá của VND so với USD khoảng 3%. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, với tỷ giá niêm yết tại Sở giao dịch mang tính định hướng thị trường đồng thời thị trường ngoại hối hoạt động liên tục và không xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung.

Một trong những yếu tố nữa làm dịu tỷ giá là do đã có một lượng kiều hối về Việt Nam trong những ngày cuối năm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2023 này đã thu hút được 9 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Đây chỉ mới đơn thuần thống kê lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ, chưa tính đến lượng kiều hối chuyển về qua các kênh phi chính thức khác.

Lượng kiều hối của riêng Thành phố Hồ Chí Minh những năm trước đây thường chiếm tỷ trọng đến 50% của cả nước.

Theo một dự báo của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 14-15 tỷ USD.

Kiều hối là một trong những bức tranh tiêu biểu phác họa nguồn cung ngoại tệ dồi dào của nước ta trong năm nay, bên cạnh hoạt động thương mại và đầu tư.

vna-potal-vietinbank-phan-dau-tang-truong-tu-5-den-10-nam-2022-6036421-7192.jpg
VND là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Năm 2024 có chịu áp lực?

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024, kinh tế sẽ phục hồi chậm, song áp lực lạm phát cũng không đáng ngại. Vì vậy, chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài nguồn cung ngoại tệ được dự báo tiếp tục dồi dào, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại sẽ giúp chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam không còn chịu nhiều áp lực như giai đoạn trước. Đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản USD ngay từ tháng 3/2024, với tổng số lần cắt giảm trong năm 2024 ít nhất là 3 lần.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), năm 2024, áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng trong 2 năm qua, giới phân tích quốc tế đánh giá cao Việt Nam kiểm soát lạm phát, tỷ giá thành công. Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý 1/2024 khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa VND và USD giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam.

khoahoc3-8363.jpg
Năm 2023 tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank, trong năm 2024, dù vẫn còn thách thức tiếp tục đến từ mức chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động USD trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, khi đối mặt với những diễn biến khó lường từ thị trường thế giới, nhà điều hành sẽ có một số điều kiện thuận lợi.

Theo đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi môi trường đầu tư duy trì và những thách thức liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu được xử lý. Kiều hối cũng được dự báo tăng trưởng ổn định và thặng dư thương mại tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 17-18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là trên 12 tuần nhập khẩu).

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, giống như các đồng tiền châu Á khác, có vẻ như đợt bán tháo tiền đồng gần đây đã kết thúc. Tỷ giá USD/VND đã giảm xuống mức thấp hơn sau khi đạt mức dự báo 23.500 trong quý 4/2023 của UOB vào tháng 10/2023, sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Mặc dù VND đi theo xu hướng phục hồi ngoại hối rộng khắp châu Á, nhưng mức tăng có thể bị hạn chế do sự phục hồi kinh tế khiêm tốn vào năm 2024.

“Nhìn chung, dự báo USD/VND cập nhật của chúng tôi là 24.000 đồng trong quý 1/2024, quý 2/2024 là 23.800 đồng; quý 3 là 23.600 đồng và quý 4 là 23.500 đồng,” ông Quang dự báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục