Khi chiếc kim đồng hồ Big Ben trên tòa nhà Quốc hội Anh đang dần trôi tới thời khắc cuối cùng của năm 2014, có thể nói không ít người dân Xứ sở Sương mù sẽ thở phào nhẹ nhõm khi rốt cuộc năm những tưởng đánh dấu sự chia ly "một đi không trở lại" của Scotland trong khuôn khổ Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland đã trôi qua êm đềm và hòn đảo hình chú thỏ đánh trống vẫn vẹn nguyên.
Quả thật, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland ngày 18/9 đã trở thành vấn đề “nóng” nhất thu hút mối quan tâm của dư luận không chỉ ở nước Anh mà cả châu Âu và thế giới.
Sau gần hai năm kể từ Thỏa thuận Edinburgh ngày 15/10/2012 cho phép Nghị viện Scotland tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập, nguy cơ nước Anh bị chia cắt theo đúng nghĩa đen hiển hiện rõ hơn bao giờ hết khi tỷ lệ cử tri Scotland muốn tách khỏi Liên hiệp vương quốc Anh ngày càng cao và có thời điểm vượt cả tỷ lệ ủng hộ ở lại.
Scotland tách ra độc lập không chỉ làm vị thế của Anh suy yếu mà còn cổ súy cho các phong trào ly khai tại nhiều nơi trên thế giới khiến không ít quốc gia lo ngại.
Dù từng nhiều lần tuyên bố rằng chính phủ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, nhưng đứng trước nguy cơ có thể mất Scotland mãi mãi, giới lãnh đạo Anh đã gạt qua mọi mâu thuẫn đảng phái để dốc sức bảo vệ sự toàn vẹn của liên hiệp.
Hai ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, lãnh đạo ba chính đảng lớn nhất nước đã cùng ký vào một lá thư hứa trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland (Holyrood) cũng như cam kết thực hiện những chính sách để đảm bảo việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi công bằng hơn.
Thủ tướng David Cameron còn liên tiếp thực hiện hai chuyến thăm cuối tuần đến Scotland để thuyết phục những cử tri còn do dự, trong khi các chính khách người Scotland được chính phủ giao phụ trách chiến dịch ủng hộ Scotland ở lại thì miệt mài với những cuộc vận động không ngừng nghỉ để lật ngược đà chiến thắng của phe nói "Có" với độc lập.
Ngay cả Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị khả kính, dù luôn giữ quan điểm đứng ngoài mọi cuộc tranh cãi chính trị và không ủng hộ bên nào trong cuộc trưng cầu dân ý này, nhưng trong một động thái can thiệp hiếm hoi đã kêu gọi cử tri Scotland "cân nhắc kỹ" về lựa chọn của mình.
Hàng loạt nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực từ văn học, điện ảnh cho tới âm nhạc, thể thao sinh ra ở Scotland cũng sử dụng uy tín của mình để kêu gọi đoàn kết nước Anh.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ ủng hộ ở lại cao hơn gần 10% so với tỷ lệ muốn độc lập đã làm nức lòng hàng chục triệu người dân Anh và tránh cho ông Cameron khỏi mang tiếng là người đứng đầu chính phủ đã làm nước Anh "tan đàn xẻ nghé."
Năm 2014 cũng có thể coi là một năm khá thành công với Xứ sở Sương mù trong lĩnh vực kinh tế. Bất chấp khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Anh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với mức tăng trưởng dự báo có thể đạt 3% trong năm nay và 2,4% trong năm 2015.
Cũng trong năm 2014, Anh đã tạo thêm được 500.000 việc làm mới, trong đó 85% là việc làm toàn thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 5,4% trong năm 2015. Tỷ lệ lạm phát năm nay và năm tới ước tính lần lượt ở mức 1,5% và 1,2%.
Về tình hình nợ công, thâm hụt của Anh đã giảm một nửa kể từ năm 2010. Lượng tiền vay giảm từ 97,5 tỷ bảng trong tài khóa 2013-2014 xuống 91,3 tỷ bảng trong tài khóa 2014-2015.
Năm 2014 sắp khép lại và giờ là thời điểm các nhà lãnh đạo thực hiện cam kết trước cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Ngay trong tháng 1/2015, chính phủ Anh sẽ phải đưa ra kế hoạch trao quyền như đã hứa với Scotland mà một sự không thỏa mãn từ Holyrood có thể tác động đáng kể đến cuộc tổng tuyển cử diễn ra bốn tháng sau đó.
Dưới sự cầm quyền của liên minh Bảo thủ - LibDem, nước Anh đã dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhưng mức sống của người dân vẫn chưa được cải thiện, giá cả sinh hoạt vẫn đắt đỏ và phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Đây là điều khiến chính phủ của Thủ tướng Cameron để mất sự ủng hộ của một bộ phận cử tri.
Báo cáo tài chính mà Bộ trưởng Tài chính George Osborne trình bày mới đây nhấn mạnh rằng việc tiếp tục cắt giảm hơn nữa chi tiêu công để cân bằng ngân sách sẽ đe dọa các dịch vụ công và ngay lập tức khiến tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm điểm.
Các cuộc thăm dò dư luận thời gian qua cho thấy sự bám đuổi lẫn nhau giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập, nhưng mức chênh lệch không đủ lớn để bất cứ đảng nào có thể giành chiến thắng đa số và một mình đứng ra thành lập chính phủ.
Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng chính phủ sắp tới ở Anh tiếp tục là một chính phủ liên minh, song sự nổi lên của đảng Độc lập Anh (UKIP) với tư tưởng bài châu Âu sẽ là yếu tố có thể làm thay đổi cục diện chính trị nước Anh trong năm 2015./.