Những ngày cuối năm, từng dòng người hối hả về quê ăn Tết. Tại bất cứ bến xe nào ở thủ đô cũng bắt gặp cảnh người chen lấn, xô đẩy nhau lên xe về nghỉ Tết. Giá vé bị nhà xe tự ý “đẩy” vọt lên, các nhà xe cũng tìn đủ cách để nhồi nhét và chặt chém để kiếm lợi. Và với mỗi hành khách trên đường về quê, để tìm được chỗ tiện lợi cho hành trình cuối năm vẫn là nỗi lo muôn thuở. Nhà xe tự “đẩy” giá vé Thời điểm này, các bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đều trong tình trạng quá tải và đa phần là những người lao động ngoại tỉnh hoặc sinh viên về quê ăn Tết. Mặc dù Ban quản lý Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường từ hơn nửa tháng trước nhưng Tết âm lịch năm nay được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Theo đánh giá của Công ty quản lý bến xe Hà Nội, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thời gian cao điểm sẽ rơi vào các ngày 20, 21/01/2012 (tức 27, 28 tháng Chạp). Dự báo đợt này lượng khách sẽ tăng 3 - 4 lần so với ngày thường, các bến có khả năng bị ùn tắc cục bộ. Có mặt tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), ngay từ cổng vào, nhiều người về quê không vào bến bắt xe mà đứng dọc bên đường Giải Phóng (hướng Hà Nội đi Pháp Vân). Trong khu vực xe buýt, mỗi chuyến xe về bến đều chật kín khách. Đoàn người cứ thế đổ dồn vào khu vực bến xe. Trong sảnh nhà bán vé, ghế chờ không còn một chỗ trống, nhiều hành khách thay vì xếp hàng mua vé đã đi thẳng ra xe với hy vọng ra sớm để có ghế ngồi. Xe đầy khách là rời bến, không chạy theo giờ cố định như trước, vừa để kịp chuyến, vừa để trả chỗ đỗ trong bến cho xe khác vào đón khách. Hầu hết các tuyến xe đi các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đều quá tải, giá đều tăng đột biến, xe chạy tuyến càng xa giá tăng càng nhiều. Những tuyến xe vào các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Huế... giá vé tăng vọt theo cấp số nhân. Tại các tuyến xe cố định, xe chất lượng cao thì giá vé tăng vọt nhưng rất khó mua. Giá vé tăng cao mà không có đủ để mua nên hành khách đành phải ra đường bắt xe, chủ xe nào cũng mời chào nhiệt tình nhưng lên xe lại thấy cảnh nhồi nhét, chuyện ngồi chung 2 - 3 người/ghế, ngồi trên sàn xe là bình thường. Buồn bã rời khỏi quầy bán vé xe về Nông Cống, Thanh Hóa do đã hết sạch vé về, anh Trần Trung Kiên lặng lẽ ngồi ngay cổng để tính kế bắt xe về nhà. “Hôm qua công việc mới hoàn thành nên nay tôi vội vã bắt xe về quê nhưng đến bến hỏi thì đã hết sạch vé. Giờ tôi cũng chỉ còn cách bắt xe về thành phố Thanh Hóa và lại tiếp tục bắt xe về huyện thì may ra...,” anh Kiên chia sẻ. Nghĩ là làm, anh vội vã chạy ra cổng bắt xe về thì mới tá hỏa giật mình khi nhà xe “hét” giá 150.000 đồng. Nhiều xe còn đòi với giá cắt cổ 200.000 đồng mà vẫn phải ngồi ghế nhựa hàng hai, hàng ba trên xe... “Khi hỏi đặt vé, các nhà xe đều lắc đầu báo hết. Khách hàng muốn lên xe chỉ còn nước ra đứng đường, lên xe rồi chịu cảnh nhồi nhét,” anh Kiên ngậm ngùi nói. Tại các bến xe khách thì tình trạng khách chen chúc chờ xe diễn ra ngày một căng thẳng. Đông khách, các nhà xe cũng không mặn mà việc bán vé và bắt khách tại bến mà thich bắt khách dọc đường để dễ nhồi nhét và chặt chém. Bắt xe dọc đường, hành khách không phải mua vé trước và lúc nào cũng có thể lên xe nhưng phải chịu cảnh ngồi 2-3 người /ghế và giá thì tự chủ xe đặt ra. Giá vé ở bến không tăng Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, dù bến xe đã chật kín nhưng thời gian cao điểm hành khách đi lại dịp Tết sẽ rơi vào các ngày 20, 21/01/2012 (tức 27, 28 tháng Chạp), đây là thời điểm công nhân, viên chức bắt đầu được nghỉ Tết, dự báo đợt này lượng khách tại các bến xe của Hà Nội sẽ tăng 3 - 4 lần so với ngày thường (khoảng 20.000-30.000 lượt khách/ngày). Ông Thành cho biết: “Giá vé vẫn bình thường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hành khách có thói quen bắt xe khách ở ngoài đường, không mua vé tại bến xe nên gây khó khăn trong công tác quản lý.” “Ban quản lý bến xe đã cử người đi rà soát tại bến, nếu phát hiện xe khách chở người vượt quá quy định sẽ yêu cầu chủ xe đưa khách xuống không để xảy ra tình trạng xe bắt khách dọc đường nhồi thêm khách. Sẽ có biện pháp xử lý nghiêm với những trường hợp này,” ông Thành đưa ra biện pháp. Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, giá vé hai ngày qua hầu như không thay đổi. Lượng hành khách tăng không đáng kể, chỉ thêm khoảng vài nghìn khách 1 ngày, và chỉ đông với một số tuyến xe chạy đi Vinh (Nghệ An), Sơn La… Ông Tiến cũng khẳng định: “Với những trường hợp nhồi nhét khách vượt quá quy định nếu bị phát hiện bến xe sẽ xử lý nghiêm. Để tránh tình trạng bị nhồi nhét khách, bắt chẹt và thu tiền trái quy định, người dân nên vào bến xe để mua vé.” “Để đảm bảo phục vụ hành khách, bến xe đã phối hợp với công an quận huyện, lực lượng cảnh sát giao thông khu vực để tiến hành kiểm tra các trường hợp xe khách chở người quá quy định,” ông Tiến đưa ra biện pháp. Ông Nguyễn Đức Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bến xe Hà Nội cho rằng, các bến xe của chúng tôi quản lý sẽ không có tình trạng lên xe không có vé, tăng giá vé tùy tiện, “chặt chém,” tranh giành khách. “Trong những ngày Tết, Trung tâm sẽ phối kết hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại, thanh tra để giải quyết các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các bến xe, các hành vi vi phạm giao thông và vận tải hành khách trong và ngoài khu vực bến xe,” ông Chí khẳng định. Mặc dù các ngành vận tải đều đã rất tích cực vào cuộc nhưng không cơ quan chức năng nào dám khẳng định sẽ quản lý được chuyện cò vé, tăng giá, nhồi nhét khách… và hành khách trên lộ trình “hồi hương” vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo./.
Để đảm bảo nhu cầu đi lại lớn của người dân về quê đón Tết Nhâm Thìn, Công ty quản lý bến xe Hà Nội đã lên phương án tăng cường thêm khoảng 3.000 lượt xe/ngày, chia đều cho các bến. Ngoài ra, phương tiện vận tải dự phòng cũng được bố trí để kịp thời giải tỏa nếu lượng khách về bến quá đông, tránh ùn ứ cục bộ. |
Việt Hùng (Vietnam+)