Nhóm JI là thủ phạm đánh bom ở Jakarta

Những kẻ đánh bom liều chết nhằm vào khách sạn Ritz-Carlton, JW Marriott ở Jakarta hôm 17/7 là thành viên nhóm khủng bố JI.
Ngày 19/7, Cảnh sát quốc gia Indonesia (POLRI) khẳng định những kẻ đánh bom liều chết nhằm vào hai khách sạn sang trọng Ritz-Carlton và JW Marriott ở trung tâm thủ đô Jakarta hôm 17/7 là các thành viên của nhóm khủng bố khu vực Jemaah Islamiah (JI) cấu kết với mạng lưới Al-Qaeda.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn POLRI, Thiếu tướng Nanan Soekarna nhấn mạnh: "Chúng tôi xác nhận rằng những kẻ tấn công là thành viên JI, vì các quả bom được sử dụng có những đặc điểm giống loại bom trong những vụ tấn công mà JI từng tiến hành trước đây".

Hôm 18/7, ông Nanan Soekarna từng cho biết những quả bom được bọn khủng bố sử dụng đều là loại bom tự chế, làm từ chất nổ màu đen có sức công phá thấp, song ông từ chối tiết lộ tên của loại chất nổ.

Trước đó, ngay trong ngày 17/7, Tư lệnh POLRI, Tướng Hendarso Danuri đã xác nhận các vụ tấn công khủng bố ở hai khách sạn nói trên do những kẻ đánh bom liều chết gây ra.

Ông  Danuri  cho biết có thể xác định danh tính kẻ thực hiện vụ đánh bom liều chết tại Ritz-Carlton, vì phần mặt của hắn vẫn còn gần như nguyên vẹn, trong khi phần đầu của tên đánh bom khách sạn JW Marriott đã bị huỷ hoại, nhưng vẫn có thể xác định nhân thân bằng phương pháp xét nghiệm ADN.

Tối 18/7, hơn một ngày sau hai vụ đánh bom đẫm máu, hai khách sạn JW Marriot và Ritz-Carlton ở Jakarta đã nỗ lực trở lại hoạt động bình thường, bố trí ăn, ở cho khách và thu dọn những đống đổ nát, trong khi các nhân viên điều tra làm việc khẩn trương để thu thập và sàng lọc chứng cứ.

Người dân Jakarta căm phẫn, nhưng không run sợ trước những hành động khủng bố dã man. Đến nay đã có gần một nửa trong tổng số hơn 50 người bị thương trong các vụ đánh bom trên được xuất viện.

Ngay trong ngày 17/7, Bộ trưởng Thương mại Mari Elka Pangestu đã nêu rõ quyết tâm của Chính phủ Indonesia không để các vụ đánh bom khủng bố làm ảnh hưởng tới việc trao đổi buôn bán với nước ngoài cũng như sức tiêu thụ hàng hóa của người dân, vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của nước này.

Bất chấp khuyến cáo người dân của một số nước không nên đến du lịch tại Indonesia ngay sau khi xảy ra các vụ đánh bom ở Jakarta, tại các cửa khẩu chính của nước này như Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta, ở tỉnh Banten và Sân bay Quốc tế Ngurah Rai ở đảo Bali, người ta không thấy cảnh khách du lịch bỏ về đông như sau vụ đánh bom khủng bố ở Bali năm 2002.

Tuy nhiên, theo một số công ty du lịch lữ hành, lượng khách nước ngoài mua các chương trình du lịch trọn gói tới Indonesia đã giảm hơn trước./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục