Nhức nhối nạn tảo hôn ở người dân tộc thiểu số

Bất chấp những hậu quả, tình huống “dở khóc dở cười” trong cuộc sống, nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến và được chấp nhận ở nhiều nơi.
Ở ấp 3, xã An Khương, thị xã Bình Long (Bình Phước), những bé gái người dân tộc S’tiêng cứ vào độ tuổi 15-16 đã đi lấy chồng, rồi phải sớm gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ.

Bất chấp những hậu quả, những tình huống “dở khóc dở cười” trong cuộc sống, thực tế này vẫn diễn ra, thậm chí phổ biến và được chấp nhận.

Mới 35 tuổi, Thị Gái năm nay đã có 5 người con, chồng chị chết cách đây đã 4 năm. Đứa con lớn nhất của Thị Gái năm nay vừa tròn 17 tuổi, đứa nhỏ nhất mới chỉ 7 tuổi. Năm 2006, Thị Liên - con gái lớn của Thị Gái vừa học xong lớp 5 đã phải lấy chồng.

Khi chính quyền địa phương đến vận động Thị Gái đừng gả chồng cho con sớm vì như vậy là vi phạm luật hôn nhân và gia đình thì bị Thị Gái phản đối kịch liệt vì chuyện gả chồng cho con là "việc riêng của gia đình mình". Hồi xưa tới giờ ai ở đây cũng làm vậy.

Ngày trước, 15 tuổi Thị Gái cũng đi lấy chồng. Sau khi chồng chết, Thị Gái muốn cho con gái lấy chồng để có thêm lao động, phụ giúp mình phát triển kinh tế. Vậy nhưng đám cưới chưa đầy năm sau, Thị Liên đã sinh con, còn người chồng của Thị Liên thì lại ham chơi, không có trách nhiệm với gia đình.

Thị Gái bây giờ phải chăm lo cho cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ, phải chăm cả cháu ngoại bởi Thị Liên chưa biết gì về trách nhiệm làm vợ, làm mẹ của mình. Thị Liên hiện lại đang mang thai đứa thứ 2.

Ở ấp 3, đặc biệt hơn có gia đình chị Thị Út, có 4 người con gái đều lấy chồng khi mới vừa 15 tuổi. Nhà Thị Út cách đây 10 năm nổi tiếng là giàu có, thế nhưng sau khi gả chồng cho 4 đứa con gái xong, gia đình Thị Út cũng nghèo đi.

Người con gái út của Thị Út đang học dở dang lớp 9 đã vội nghỉ để lấy chồng khi mới 15 tuổi. Người con gái thứ lấy chồng sớm, khi sinh, con bị mắc dị tật và không nuôi giữ được.

Hiện Thị Út phải cưu mang cả gia đình người con gái út và nuôi cha mình bệnh nặng. Đất đai đã chia hết cho các con gái khi con đi lấy chồng nên tất cả những lo toan, giờ đặt cả lên đôi vai của người phụ nữ S’tiêng này với 3 sào ruộng là của cải còn lại của mình.

Theo bà Đinh Thị Loan, Phó trưởng ấp 3, xã An Khương, tình trạng tảo hôn ở ấp này những năm trước đây là khá phổ biến, cứ 10 nhà thì có ít nhất 1 nhà có người tảo hôn, đa số là các em gái.

Nguyên nhân tảo hôn cũng rất đa dạng như cần có thêm lao động nam, cha mẹ ép lấy chồng hoặc cha mẹ chiều con đòi lấy vợ, lấy chồng. Do lấy chồng khi còn quá nhỏ, những bà mẹ trẻ này quá vô tư, thiếu hiểu biết về tình trạng sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng Trạm y tế xã An Khương, cho biết nhiều em bị đau bụng gần sinh mà không biết mình có thai, thấy bụng lớn dần mà cứ nghĩ bị đau bụng, vẫn đi làm bình thường, sinh con rớt trên rẫy.

Có trường hợp uống các loại lá cây để chữa đau bụng nên đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra, nguy hại đến tính mạng. Trước tình hình trên, Hội Phụ nữ xã An Khương đã thành lập Tổ phòng chống tảo hôn ở ấp 3 và đã thu hút được 126 hội viên.

Các thành viên trong tổ cam kết thực hiện nghiêm túc Luật Hôn nhân gia đình, không cho con lấy chồng, vợ khi chưa đủ tuổi, đồng thời là những hạt nhân trong công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở trong gia đình và tổ, xóm. Các thành viên trong tổ còn tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau thoát nghèo./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục