Những ấn tượng đặc biệt về các kỳ World Cup trong lịch sử

Qua 19 lần được tổ chức, giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) đã chứng kiến 8 quốc gia đứng lên bục đăng quang.
Những ấn tượng đặc biệt về các kỳ World Cup trong lịch sử ảnh 1Nước chủ nhà của World Cup 2014 vẫn là đội giành nhiều chức vô địch nhất trong lịch sử. (Nguồn: Getty)

Qua 19 lần được tổ chức, giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) đã chứng kiến 8 quốc gia đứng lên bục đăng quang.

Brazil là đội duy nhất tham dự đủ 19 vòng chung kết và hiện đang giữ kỷ lục 5 lần vô địch giải.

1. World Cup lần thứ nhất - Uruguay 1930: Uruguay đi vào lịch sử

Có 13 đội bóng tham dự, trong đó có 9 đại diện châu Mỹ và 4 đại diện châu Âu.

World Cup đầu tiên không thi đấu tranh hạng ba, mà chỉ có trận chung kết để xác định hai đội có thứ hạng cao nhất.

Ở cả hai trận bán kết, hai đội bóng Nam Mỹ là Argentina và Uruguay cùng giành chiến thắng vang dội trước hai đội Mỹ và Nam Tư.

Là đội bóng mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó, Uruguay đã giành chức vô địch với chiến thắng 4-2 ở trận chung kết.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 32. Tổng số bàn thắng: 89, trung bình: 2,78 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.614.677, trung bình: 60.495 người/trận.

2. World Cup lần thứ 2 - Italy 1934: Đến lượt Italy

Khác với kỳ World Cup đầu tiên, do có quá nhiều nước muốn giành quyền đăng cai giải nên phải có tới 8 phiên họp mới ra được quyết định: Italy sẽ là chủ nhà của World Cup 1934.

Tại kỳ World Cup này, số lượng các đội bóng tham dự cũng tăng từ 13 đội lên 33 đội. Với số lượng các đội tham dự tăng vọt, lần đầu tiên FIFA phải tiến hành vòng đấu loại tại các khu vực để chọn 16 đội được quyền dự Vòng chung kết tại Italy.

Tại giải này, lần đầu tiên tổ chức trận đấu tranh hạng 3 và đội tuyển Đức đã giành thắng lợi trước đội tuyển Áo với tỷ số 3-2.

2 đội lọt vào chung kết là Italy và Tiệp Khắc. Với bàn thắng quyết định ghi được trong 2 hiệp phụ, Italy đăng quang ngôi vô địch.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 17. Tổng số bàn thắng ghi tại giải: 70, trung bình: 4,12 bàn/trận. Tổng số khán giả: 395.000 người, trung bình: 23.235 người/trận.

3. World Cup lần thứ 3 - Pháp 1938: Italy vô địch lần thứ hai

World Cup lần thứ 3 bị bao phủ bởi bóng đen của Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp bùng nổ. Tây Ban Nha rút lui khỏi giải vì nội chiến. Áo cũng vắng mặt do đang phải đối đầu với cuộc xâm lược của phát xít Đức.

World Cup lần thứ 3 là giải đầu tiên mà đương kim vô địch và chủ nhà không phải tham dự vòng đấu loại mà được quyền lọt thẳng vào vòng chung kết.

Hai đội giành được quyền vào chung kết ở giải lần này là Italy và Hungary. Cuối cùng Italy đã thắng Hungary với tỷ số 4-2, và trở thành đội đầu tiên 2 lần liên tiếp giành chức vô địch thế giới.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 18. Tổng số bàn thắng ghi tại giải: 84, trung bình: 4,67 bàn/trận. Tổng số khán giả: 483.000 người, trung bình: 26.833 người/trận.

4. World Cup lần thứ 4 - Brazil 1950: Uruguay đăng quang lần thứ hai

Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, đến năm 1950, World Cup đầu tiên thời kỳ hậu chiến được tổ chức tại xứ sở của lễ hội Carnaval và vũ điệu Samba nóng bỏng. Một trong những điểm gây chú ý ở giải lần này là sự xuất hiện lần đầu tiên của các đại diện bóng đá Anh hiện đại.

Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên áp dụng thể thức thi đấu vòng tròn.

Trong trận chung kết, đội tuyển Uruguay đã giành thắng lợi 2-1 trước đội tuyển Brazil. Như vậy, sau 20 năm, Uruguay đăng quang lần thứ hai.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 22. Tổng số bàn thắng ghi tại giải: 88, trung bình: 4 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.337.000 người, trung bình: 60.733 người/trận.

5. World Cup lần thứ 5 - Thụy Sĩ 1954: “Thần kinh thép” chiến thắng

Thể thức thi đấu lần này lại trở lại như cũ: có các vòng tứ kết, bán kết và chung kết.

Đương kim vô địch Uruguay bị “knock-out” ở trận bán kết trước đội bóng tấn công xuất sắc nhất giải, Hungary, với tỷ số 2-4. Trận chung kết là cuộc tái ngộ giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Hungary. Ở vòng 1, Hungary đã hạ Đức với tỷ số 8-3.

Tại trận chung kết, Cộng hòa Liên bang Đức có sự điều chỉnh kịp thời. Các cầu thủ Cộng hòa Liên bang Đức thể hiện lối chơi phòng thủ chặt chẽ kết hợp với những cuộc tấn công chớp nhoáng, đã khiến Hungary không thể lặp lại được thành tích của mình. Hơn nữa, tinh thần thi đấu quật khởi của người Đức đã giúp họ thực hiện một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi bị dẫn trước tới 0-2 mà cuối cùng vẫn giành thắng lợi chung cuộc 3-2.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 24. Tổng số bàn thắng ghi tại giải: 140, trung bình: 6,38 bàn/trận. Tổng số khán giả: 943.000 người, trung bình: 36.269 người/trận.

6. World Cup lần thứ 6- Thuỵ Điển 1958: Cúp vàng lỡ hẹn với châu Âu

Đội chủ nhà Thụy Điển được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà và sự chuẩn bị chu đáo, đã thể hiện một phong độ xuất sắc. Trận chung kết Thuỵ Điển-Brazil đã diễn ra rất tưng bừng. Với một đội hình rất mạnh, Brazil trở thành đội bóng Nam Mỹ đầu tiên và duy nhất trong thế kỉ 20 giành được Cup tại một giải vô địch thế giới được tổ chức trên đất châu Âu. tỷ số của trận chung kết là 5-2.

World Cup lần này cũng ghi nhận sự xuất hiện của một nhân vật huyền thoại, người mà sau này đã được đông đảo giới hâm mộ bóng đá tôn sùng là ông Vua của bóng đá thế giới. Đó là Pele.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 35. Tổng số bàn thắng ghi tại giải 126, trung bình 3,60 bàn/trận. Tổng số khán giả 868.000 người, trung bình 24.800 người/trận.

7. World Cup lần thứ 7- Chile 1962: Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch

Vượt qua các đối thủ, Brazil và Tiệp Khắc gặp nhau ở trận đấu cuối cùng. Brazil đã bảo vệ thành công ngôi vô địch. Tỷ số của trận chung kết là 3-1.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 32. Tổng số bàn thắng ghi tại giải: 89, trung bình: 2,78 bàn/trận. Tổng số khán giả: 776.000 người, trung bình: 24.260 người/trận.

8. World Cup lần thứ 8 - Anh 1966: Cúp vàng về với quê hương bóng đá

Năm 1966, lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại nước Anh, quê hương của bóng đá. Trận chung kết Anh-Đức là điểm nóng nhất của giải, trong đó tâm điểm của cuộc tranh cãi là bàn thắng quyết định chiến thắng cho đội tuyển Anh của tiền đạo Geoff Hurst được ghi vào phút thứ 100 của trận đấu.

Đến nay, người ta đã tham khảo nhiều bức ảnh tư liệu nhưng vẫn không thể xác định được quyết định của trọng tài Thuỵ Sĩ Dienst công nhận bàn thắng cho đội tuyển Anh khi đó là đúng hay sai. Tỷ số của trận chung kết là 4-2.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 32. Tổng số bàn thắng: 89, trung bình: 2,78 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.614.677, trung bình: 60.496 người/trận.

9. World Cup lần thứ 9- Mexico 1970: Brazil giành vĩnh viễn Cúp “Nữ thần vàng”

Giải lần này ghi nhận một nét mới trong hệ thống luật thi đấu: Lần đầu tiên, ban tổ chức cho phép các cầu thủ dự bị được thay thế.

Theo điều lệ Giải Vô địch thế giới của FIFA, đội nào 3 lần giành chức vô địch sẽ được trao tặng vĩnh viễn Cúp “Nữ thần vàng”.

Sau 40 năm kể từ khi World Cup đầu tiên được tổ chức, mới có một đội bóng lập được kỳ tích này: Đó là Brazil. Trong 90 phút đi vào lịch sử đó, các cầu thủ Brazil đã trình diễn một vũ điệu samba huyền ảo và đầy hứng khởi để giành thắng lợi 4-1 trước Italy.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 32. Tổng số bàn thắng: 95, trung bình: 2,97 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.673.975, trung bình: 52.312 người/trận.

10. World Cup lần thứ 10 - Cộng hòa Liên bang Đức 1974: Beckenbauer lên ngôi Hoàng đế

World Cup lần này có nhiều nét mới. Thứ nhất, chiếc Cúp vàng mới được đặt tên là FIFA. Thứ hai là việc áp dụng thể thức thi đấu mới: Ở vòng 1, 16 đội được chia làm 4 bảng để chọn 8 đội vào vòng sau. Ở vòng 2, 8 đội lại được chia tiếp thành 2 bảng mới. Hai đội đứng thứ nhất 2 bảng sẽ vào thẳng chung kết. Hai đội đứng thứ nhì sẽ gặp nhau để tranh ngôi vị thứ 3.

“Cỗ xe tăng” Đức dưới sự dẫn dắt của Beckenbauer đã giành ngôi vô địch, sau khi hạ gục Hà Lan 2-1 trong trận chung kết

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 38. Tổng số bàn thắng: 97, trung bình: 2,25 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.774.022 người, trung bình: 46.685 người/trận.

11. World Cup lần thứ 11 - Argentina 1978: Kết thúc nửa thế kỷ chờ đợi

Sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả nhà, cộng với một Kempes sáng chói trên sân đã giúp cho Argentina lần đầu tiên giành chức Vô địch bóng đá Thế giới sau khi đánh bại Hà Lan với tỷ số 3-1 trong trận chung kết.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 38. Tổng số bàn thắng: 102, trung bình: 2,68 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.610.215 người, trung bình: 42.374 người/trận.

12. World Cup lần thứ 12 - Tây Ban Nha 1982: Italy lần thứ ba đăng quang

Năm 1982, World Cup dừng chân tại xứ sở của những chú bò tót, Tây ban Nha.

Đây là World Cup đầu tiên có 24 đội bóng tham dự và cũng là vòng chung kết đầu tiên áp dụng thi đá luân lưu 11 mét để phân định thắng bại trong các trận đấu loại trực tiếp.

Tại giải lần này, sau 12 năm chờ đợi, đội tuyển Italy mới có cơ hội đuổi kịp thành tích của Brazil (đăng quang chức vô địch lần thứ 3), đồng thời đưa bóng đá châu Âu ngang tầm với thành tích của Nam Mỹ trong cuộc chạy đua giữa hai khu vực mạnh nhất thế giới về bóng đá. Trong trận chung kết, Italy đã giành thắng lợi trước Cộng hòa Liên bang Đức với tỷ số 3-1.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 52. Tổng số bàn thắng: 146, trung bình: 2,81 bàn/trận. Tổng số khán giả: 1.842.250, trung bình: 35.482 người/trận.

13. World Cup lần thứ 13 - Mexico 1986: Maradona và “bàn tay của Chúa”

Dưới sự dẫn dắt của Maradona, Argentina như một con diều gặp gió, thắng như chẻ tre và tiến đến trận chung kết để gặp “cỗ xe tăng” Đức và giành thắng lợi với tỷ số 3-2. Cuối cùng, vòng nguyệt quế đã thuộc về các cầu thủ đến từ xứ sở Tango.

Mexico 86 được đánh giá là một giải hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn cao và thu hút nhiều danh thủ xuất sắc của thế giới. Nhưng trên bầu trời đầy sao ấy, sáng nhất vẫn là ngôi sao mang tên Maradona.

Sự kiện đáng chú ý nhất tại giải này có tên “bàn tay của Chúa”. Bàn thắng mở tỷ số của Maradona đã trở thành bàn thắng gây tai tiếng nhất trong lịch sử World Cup. Sau này qua camera, ảnh chụp lại và chính Maradona thú nhận anh đã kín đáo dùng bàn tay đưa bóng vào lưới!

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 52. Tổng số bàn thắng: 132, trung bình 2,54 bàn/trận. Tổng số khán giả: 2.407.431 người, trung bình 46.297 người/trận.

Những ấn tượng đặc biệt về các kỳ World Cup trong lịch sử ảnh 2Maradona và pha bóng đi vào lịch sử

14. World Cup lần thứ 14 - Italy 1990: Trận chung kết “nhạt nhẽo”

Trận chung kết World Cup năm 1990 vẫn là cuộc đối đầu Đức- Argentina, nhưng Maradona không còn dũng mãnh như 4 năm trước; còn Đức có một dàn cầu thủ phong độ ổn định cao. Vì vậy, không có gì đáng bàn về chiến thắng của người Đức, ngoại trừ việc cả 2 đội đã trình diễn một trận chung kết “nhạt nhẽo” nhất trong lịch sử bóng đá thế giới và Đức chỉ giành được thắng lợi từ một quả penalty gây tranh cãi.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 52. Tổng số bàn thắng: 115, trung bình: 2.21 bàn/trận. Tổng số khán giả: 2.5115.168, trung bình: 48.369 người/trận.

15. World Cup lần thứ 15 - Mỹ 1994: Brazil lần thứ 4 vô địch thế giới

Trận chung kết Brazil và Italy là một cuộc tranh tài quyết liệt và không bàn thắng nào được ghi suốt 120 phút của trận đấu. Cuối cùng, sau một loạt đá penalty (3-2), Brazil trở thành đội tuyển 4 lần giành chức vô địch bóng đá thế giới. Còn Baggio, người đưa Italy đến trận chung kết lại góp phần đem chiến thắng cho đối thủ khi sút hỏng quả penalty định mệnh, đã trở thành “tội đồ” của các tifosi.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 52. Tổng số bàn thắng: 141, trung bình: 2,71 bàn/trận. Tổng số khán giả: 3.587.538, trung bình: 68.991 người/trận.

16. World Cup lần thứ 16 - Pháp 1998: Nước Pháp khắc tên mình lên Cúp vàng FIFA

Đến năm 1998, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới lần thứ 2 được FIFA chọn làm địa điểm tổ chức World Cup.

Trận chung kết giữa Pháp và Brazil đã diễn ra ngoài dự đoán khi Pháp có một trận đấu tưng bừng và quá dễ dàng trước nhà đương kim vô địch. Chiến thắng với tỷ số 3-0, Cúp vàng cho nước Pháp là hoàn toàn xứng đáng.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 64. Tổng số bàn thắng: 171 bàn, trung bình: 2,67 bàn/trận. Tổng số khán giả: 2.785.100, trung bình: 43.517 người/trận.

17. World Cup lần thứ 17 - Nhật Bản và Hàn Quốc 2002: Lần đầu tiên hai quốc gia đồng tổ chức.

Cúp bóng đá thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á còn chứng kiến nhiều điều “chưa từng có”. Dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng World Cup lần đầu tiên của thế kỷ 21 này đã mang về một kết thúc có hậu. Lần đầu tiên, một đội đến từ châu Á - Hàn Quốc - đã lọt vào đến bán kết. Với lối đá hút hồn, Brazil xứng đáng lần thứ 5 lên ngôi với thắng lợi 2-0 trước Đức trong trận chung kết.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 64. Tổng số bàn thắng: 161, trung bình 2,52 bàn/trận. Tổng số khán giả: 2.705.134, trung bình 42.268 người/trận.

18. World Cup lần thứ 18 - Đức 2006: Italy lần thứ 4 vô địch thế giới

World Cup 2006 kết thúc với chức vô địch dành cho Italy sau 24 năm chờ đợi. Azzurri đã đăng quang một cách hết sức thuyết phục với bản lĩnh, tinh thần đồng đội và lối chơi phòng ngự chặt chẽ.

Trong trận chung kết, Italy đã giành thắng lợi trước Pháp trong loạt đá luân lưu 11 m với tỷ số 5-3 (tỷ số sau hai hiệp phụ là 1-1).

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 64. Tổng số bàn thắng: 147, trung bình 2,30 bàn/trận. Tổng số khán giả: 3.359.439, trung bình 52.491 người/trận.

Những ấn tượng đặc biệt về các kỳ World Cup trong lịch sử ảnh 3Đội tuyển Italy nâng cao chiếc cúp vô địch. (Nguồn: Getty)

19. World Cup lần thứ 19 - Nam Phi 2010: Tây Ban Nha lần đầu đăng quang

Lần đầu tiên, FIFA đưa đưa giải đấu đến châu Phi. Và cũng lần đầu tiên, đội tuyển Tây Ban Nha giành chức vô địch World Cup. Sau trận chung kết có thi đấu hiệp phụ với đội tuyển Hà Lan, Tây Ban Nha đã chiến thắng với tỷ số 1-0 và trở thành đội vô địch ghi ít bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup với 8 bàn thắng.

- Những con số đáng chú ý:

Số trận đấu: 64 trận. Tổng số bàn thắng: 145, trung bình 2,27 bàn/trận. Tổng số khán giả: 3.178.856 người, trung bình 49.670 khán giả/trận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục