Những câu hỏi lớn về tương lai của đất nước Syria

Với việc Quân đội Syria tự do (FSA) được phương Tây và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh viện trợ, đoạn kết của chế độ Syria đã bắt đầu.

Với việc Quân đội Syria tự do (FSA) được phương Tây và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) viện trợ, đoạn kết của chế độ Syria đã bắt đầu. Trong một bài báo đăng ngày 24/8 trên mạng InDepthNews, Đại sứ K.P. Fabian - một nhà phân tích kỳ cựu từng phục vụ trong ngành ngoại giao Ấn Độ từ năm 1964 đến năm 2000 và hiện là Chủ tịch tổ chức phi chính phủ "Hành động vì sản xuất lương thực (AFPRO)" - đã làm rõ nhiều khía cạnh liên quan đến cuộc chiến tại Syria. Sau đây là nội dung bài báo:

 

Liệu sự ra đi của ông Assad có đảm bảo rằng dân chủ sẽ thế chỗ cho chế độ chuyên quyền ở nước này và điều đó tác động như thế nào tới tình hình chính trị trong khu vực? Câu hỏi chính ở đây là: Khi nào, như thế nào và liệu Tổng thống Bashar al-Assad sẽ chấp nhận rời bỏ quyền lực? Nếu ông Assad ra đi, liệu Syria sẽ có dân chủ? Không nhất thiết như vậy.

 

Kế hoạch sáu điểm của đặc phái viên chung Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập Kofi Annan đã không có bất cứ cơ hội thành công nào. Ông Annan đã chạy theo ảo tưởng: Cả cộng đồng quốc tế lẫn chính quyền Syria không chấp nhận giải pháp đàm phán. Ông Assad không muốn từ bỏ quyền lực như một phần của giải pháp đó trong khi lực lượng nổi dậy lại muốn ông Assad phải từ chức ngay cả trước khi bước vào đàm phán.

[Assad: Đánh bại “âm mưu nước ngoài” bằng mọi giá]

 

Hơn 40 quan chức trong đó có một số quan chức cao cấp bao gồm cả Thủ tướng đã đào tẩu khỏi chế độ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng quân đội và an ninh Syria do phái thiểu số người Alawite của ông Assad chi phối nhìn chung vẫn ủng hộ ông Assad. Câu hỏi là: Sự ủng hộ này sẽ kéo dài được bao lâu? Việc dập tắt cuộc nổi dậy vượt quá khả năng của chế độ Assad.

 

Phe nổi dậy tuyên bố đã kiểm soát 60% thành phố Aleppo nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này có thể chính xác hoặc không, nhưng rõ ràng phe nổi dậy đang kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria. Chế độ Assad đã phải dùng tới biện pháp ném bom nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mang tính quyết định.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra một "giới hạn đỏ" đồng thời cảnh báo Syria sẽ phải chịu "hậu quả rất lớn" nếu di chuyển hoặc sử dụng vũ khí hóa học. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ của ông Assad công nhận đang sở hữu vũ khí hóa học và đe dọa sử dụng chúng chống lại "sự xâm lược từ bên ngoài."

 

Các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Syria đang sở hữu 1.000 tấn vũ khí hóa học, bao gồm cả khí độc sarin và mù tạt, được cất giấu tại 50 thị trấn và làng mạc. Tính xác thực của thông tin này chưa rõ, song rõ ràng Syria có các loại vũ khí đó và việc nước này đề cập tới "sự xâm lược từ bên ngoài" là nhằm đe dọa bất cứ ai có kế hoạch xâm lược như vậy.

 

Không loại trừ khả năng chế độ Assad sẽ sử dụng vũ khí hóa học học khi "ở bước đường cùng" và đối mặt với thất bại. Tuy nhiên, Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có kế hoạch gửi quân tới Syria.

[Nga: Syria sẽ không dùng, di chuyển vũ khí hóa học]

 

Trong khi đó, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng trong vấn đề Syria. Hơn 70.000 người Syria đã chạy trốn sang nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này không đủ chỗ cư trú cho hơn 100.000 người tỵ nạn Syria và cho rằng Liên hợp quốc nên tổ chức một "vùng an toàn" bên trong biên giới Syria.

"Vùng an toàn " này sẽ là "vùng giải phóng" và để ngăn chặn các cuộc không kích của chế độ Assad trong vùng này, cần áp đặt "vùng cấm bay" tại đây. Liệu Mỹ và các nước khác sẽ áp đặt và thực thi "vùng cấm bay"? Nga và Trung Quốc sẽ trả đũa như thế nào? Hai nước này sẽ không gửi lực lượng không quân tới Syria, nhưng có thể giúp Syria củng cố hệ thống phòng không. Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ còn rất quan trọng bởi một lẽ khác. Nước này có thể là một mô hình cho các quốc gia khác noi theo vì đã kết hợp thành công giữa Hồi giáo, hiện đại và dân chủ.

 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chơi “lá bài người Kurd” chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Assad đã cho rút quân khỏi khu vực biên giới phía Đông Bắc và người Kurd đã lên nắm quyền ở khu vực đó. Liệu việc này có tạo ra một nước Kurdistan nhỏ thu hút người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã nổi dậy đòi thành lập quốc gia của riêng mình trong nhiều thập kỷ qua?

 

Sự hỗ trợ của Arập Xêút và Qatar nhằm thay đổi chế độ ở Syria đã kích thích sự tò mò của mọi người vì những nước này không phải là các nước dân chủ và chẳng có lợi ích gì khi chứng kiến làn sóng dân chủ mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo. Mối quan tâm chính của hai nước này là làm suy yếu Iran bằng cách lật đổ ông Assad, dựng lên một chế độ do người Sunni thống trị, vừa thân thiện với họ vừa không gần gũi với Iran.

 

Cho dù không biết điều gì có thể xảy ra ở Syria nhưng chắc chắn rằng sẽ có nhiều người chết hơn nữa. Thật buồn và xin nhắc lại rằng Liên hợp quốc đã được lập ra để “cứu các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh từng hai lần mang lại khổ đau khôn xiết cho nhân loại trong thời đại của chúng ta"./.

TTK (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục