Nhà máy Thủy điện Nậm Núa (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chính thức đóng đập, dẫn dòng tích nước từ tháng 6/2017.
Để tránh những hiểm nguy, rủi ro có thể xảy ra đối với người dân địa phương, ngay từ đầu mùa mưa lũ năm 2018, chủ đầu tư đã có thông báo gửi chính quyền các xã trong vùng ảnh hưởng, cho cắm nhiều biển báo quanh lòng hồ và trên lưu vực nghiêm cấm việc di chuyển của người dân qua lại trên lòng hồ bằng các loại phương tiện, cấm các hoạt động khai thác thủy sản trong lòng hồ.
Tuy nhiên, dù đang là cao điểm mùa mưa lũ, người dân địa phương thuộc các xã Noong Luống, Pa Thơm (huyện Điện Biên) vẫn chủ quan di chuyển và hoạt động trên lưu vực lòng hồ thủy điện.
Khảo sát trên suốt chiều dài gần 10km dọc lòng hồ thủy điện này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân dùng bè mảng đi lại trong lòng hồ trên đường đi chăn thả gia súc, đi lên nương, đi lên rừng hái rau, đào củ măng hoặc thả lưới đánh bắt cá.
Điều đáng lưu ý là trên bờ hồ thủy điện Nậm Núa vẫn còn tồn tại những lán, chuồng trại nuôi nhốt gia súc của người dân địa phương dựng sát bên cạnh lưu vực hồ.
Tại điểm tập kết bè mảng nơi căn nhà đang tháo dỡ dở của bà Lò Thị Thanh, bản On, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, có gần 10 chiếc bè mảng kết nối bằng thân vầu, nứa của người dân địa phương đang neo giữ.
Do địa điểm này là nền nhà cũ, nhô ra lòng hồ, tiếp giáp với mực nước sâu thuận lợi cho việc lên, xuống bè mảng khi qua lòng hồ nên người dân thường tập kết phương tiện về đây.
Quan sát cho thấy, toàn bộ những chiếc bè mảng của người dân dùng để di chuyển trên lòng hồ được kết nối lại từ khoảng 20 cây nứa già, kết đơn một lớp.
Sau hơn một giờ đồng hồ có mặt tại điểm này, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 trường hợp người dân dùng bè mảng di chuyển qua bên kia bờ và dọc lòng hồ.
Do những chiếc bè mảng kết nối quá thô sơ, kích thước và tải trọng lại rất nhỏ nên tải trọng tối đa chỉ chở được 2 người. Nhiều bè mảng, do đưa vào sử dụng lâu, thân tre, vầu bị nứt, tách, nước ngấm vào thân tre, vầu nên tải trọng càng kém, khi cùng lúc có hai người ngồi lên là bè mảng bị ngập, người đi trên bè mảng nước ngập cả bàn chân.
Việc di chuyển trên những chiếc bè mảng có hai người đi đòi hỏi cả hai người phải thật cẩn thận trong việc lựa chọn vị trí đứng để giữ thăng bằng cho bè, nếu không bè có thể dần bị nghiêng và lật.
Điều đáng lo ngại là có những lần, bè mảng qua hồ có cả phụ nữ, trẻ em, được chèo hoàn toàn thủ công bằng tay và không có phao bơi, thiết bị cứu sinh mang theo cùng.
[Người dân chủ quan di chuyển trên hồ thủy điện trong mùa mưa lũ]
Chị Lò Thị Thanh, người dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên, cho biết: Trước đây, nước ở con suối Nậm Núa này nhỏ, cạn, người dân nơi đây vẫn thường qua lại để đi lên nương, lên lán trại chăn nuôi ở bờ bên kia.
Nay nước dâng cao, nhưng nương lúa, ngô, lán trại của người dân vẫn ở bên kia nên phải dùng bè mảng để sang đó cho nhanh. Dân ở đây đều biết bơi, nên cũng không lo sợ gì.
Ông Lò Văn Mứng, xã Noong Luống, cho biết: Gia súc của nhiều người dân được chăn thả ở bên kia lòng hồ, rồi nuôi nhốt ở chuồng trại bên đó.
Để đi chăn thả, kiểm tra và lùa gia súc về chuồng, mỗi ngày ông chèo bè mảng qua lòng hồ ít nhất là hai lần. Nếu đi đường bộ sang khu chăn thả gia súc thì phải mất cả giờ đồng hồ đi đường vòng bằng xe máy, nhưng đi bằng bè mảng thì mỗi lần đi chỉ mất khoảng từ 15 đến 20 phút.
Ngoài các hoạt động đi thăm thân, lên nương, chăn thả gia súc..., người dân địa phương còn chèo bè mảng trên lòng hồ để đi hái rau, đánh bắt cá. Nhiều địa điểm người dân tụ tập để câu cá, thả lưới cũng xuất hiện trên lòng hồ.
Theo ông Trịnh Văn Biên, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Núa, lòng hồ thủy điện Nậm Núa có chiều dài hơn 7km, dung tích hồ khoảng 6 triệu m3. Vùng dự án có diện tích hơn 60ha gồm 3 xã Pa Thơm, Noong Luống và Sam Mứn của huyện Điện Biên.
Từ tháng 6/2017, lòng hồ thủy điện đã tích nước đến cao trình tối đa để Nhà máy vận hành, đi vào hoạt động, hòa điện lưới 110kV quốc gia, điện lượng trung bình hằng năm đạt trên 42 triệu KWh.
Trước mùa mưa lũ năm nay, đơn vị đã chủ động cắm hệ thống biển báo, biển cấm để người dân không di chuyển trên lòng hồ, tránh nguy cơ xảy ra rủi ro. Những địa điểm mà người dân thường ra hồ để câu cá, đơn vị cũng đã rào chắn, khóa lại, ngăn lối đi.
Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết trước và trong mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi đến các cộng đồng bản làng để nâng cao ý thức, chủ động phòng chống thiên tai, mưa lũ.
Xã cũng đã khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không đi lại trên lòng hồ trong mùa mưa, lũ với bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, do chủ quan và xuất phát từ tập quán canh tác nên vẫn còn xảy ra tình trạng người dân đi lại trên lòng hồ bằng bè mảng.
Trước thực tế này, xã càng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa đến người dân, gắn trách nhiệm cụ thể đến người đứng đầu cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; nghiêm cấm, không để người dân đi lại trên lòng hồ lúc mưa to, lũ lớn./.