Những cột mốc của thảm kịch máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine

Theo Bernama, Malaysia và các nước bị ảnh hưởng khác đang gian nan trong việc tìm công lý cho các nạn nhân của chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi vào ngày 17/7/2014.
Những cột mốc của thảm kịch máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine ảnh 1Hiện trường vụ máy bay MH17 rơi. (Nguồn: AP)

Theo hãng tin Bernama, Malaysia và các nước bị ảnh hưởng khác đang gian nan trong việc tìm công lý cho các nạn nhân của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) bị bắn rơi vào ngày 17/7 năm ngoái.

Vụ việc đó đã dấy lên sự lên án của cộng đồng quốc tế về sự mất đi sinh mạng của tất cả 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay Boeing 777.

Những người trên máy bay đến từ Hà Lan (193), Malaysia (43), Australia (27), Indonesia (12), Anh (10), Bỉ (4), Đức (4), Philippines (3) và Canada (1) và New Zealand (1).

Chiếc máy bay thương mại bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, bay ở độ cao 30.000 feet, khi nó bị bắn hạ trong một khu vực chiến tranh tàn phá đầy căng thẳng của Ukraine, gần biên giới Nga.

Theo lịch trình, chiếc máy bay sẽ đến Kuala Lumpur vào lúc 6 giờ 10 ngày 18/7. Các chính phủ Nga và Ukraine đã từ chối tham gia vào vụ việc.

Bi kịch này là một sự kiện gây sốc khác cho quốc gia Malaysia, sau vụ chuyến bay MH370 biến mất một cách bí ẩn bốn tháng trước đó, vào ngày 8/3, với 227 hành khách và 12 phi hành đoàn.

Sau đây là các cột mốc liên quan đến chuyến bay MH17:

* Ngày 17/7/2014, vào hồi 12 giờ 15 (giờ Amsterdam), chiếc máy bay MH17 cất cánh từ sân bay Amsterdam để đến Kuala Lumpur.

- Hồi 10 giờ 15 (giờ Malaysia), hãng hàng không Malaysia Airlines xác nhận đã nhận được thông báo từ trạm kiểm soát lưu khôngUkraine rằng đã mất liên lạc với máy bay MH17 vào lúc 14 giờ 15 (giờ GMT) tại km 30 từ điểm Tamak, khoảng 50 km từ biên giới Nga-Ukraine.

- Sau đó các cơ quan thông tấn quốc tế thông tin rằng các mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy gần ngôi làng Grobovo, Ukraine, trong khu vực phiến quân kiểm soát gần biên giới Nga. Những hình ảnh cho thấy các mảnh vỡ, những thi thể và các đồ dùng cá nhân nằm rải rác trên một diện tích vài km vuông.

* Ngày 18/7/2014 - Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak tuyên bố một cuộc điều tra ngay lập tức về thảm kịch này. Và cộng đồng quốc tế kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch và kêu gọi "ngừng bắn lập tức" ở Ukraine.

* Ngày 19/7/2014, một đội điều tra đặc biệt của Malaysia bao gồm 131 nhân viên đã đến Kiev, Ukraine.

- Nhóm điều tra quốc tế, trong đó có các điều tra viên từ Malaysia đã không thể tiếp cận được hiện trường chiếc máy bay rơi do cuộc nội chiến giữa quân nổi dậy ủng hộ Nga và quân đội Ukraine.

- Cũng trong ngày này, hãng hàng không Malaysia Airlines công bố đầy đủ danh tính của hành khách trên chuyến bay.

* Ngày 21/7/2014, Nhóm đàm phán của Malaysia gồm 12 người do trợ lý thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Mohd Sukri Hussain dẫn đầu đã thu được hộp đen MH17 và các bộ phận thi thể của nạn nhân sau ba ngày đàm phán với lãnh đạo ly khai thân Nga Alexander Borodai tại Donetsk, Ukraine.

- Các hộp đen này sau đó được vận chuyển đến Hà Lan rồi đến Farnborough, phía tây nam London, để kiểm tra các dữ liệu chuyến bay.

- Các bộ phận thi thể được máy bay chở tới Eindhoven, Hà Lan, để tiến hành nhận dạng các nạn nhân và điều tra hình sự.

* Ngày 23/7/2014, Malaysia triệu tập phiên họp đặc biệt của Quốc hội (Hạ viện) và cực lực lên án vụ bắn hạ MH17 là man rợ, vô nhân đạo và dã man. Tại Quốc hội, Thủ tướng Najib đã bày tỏ sự thất vọng và nổi giận của Malaysia trong việc thiếu tôn trọng đối với hiện trường vụ tại nạn sự chậm trễ trong việc thu hồi các thi thể.

* Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Malaysia Najib đến Amsterdam. Malaysia và Hà Lan kêu gọi chấm dứt chiến sự tại trường vụ tai nạn.

* Ngày 22/8/2014, Malaysia tổ chức quốc tang trên toàn đất nước khi đón nhận hài cốt của 20 nạn nhân trên chuyến bay MH17 được chuyên chở về nước.

* Ngày 9/9/2014, các nhà chức trách Hà Lan công bố báo cáo sơ bộ vụ tai nạn. Báo cáo kết luận rằng máy bay và phi hành đoàn đã không gửi đi bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào và không báo cáo bất kỳ lỗi kỹ thuật của máy bay.

- Quan sát sự hư hại của chiếc máy bay chỉ ra rằng có các tác động từ bên ngoài với "một lượng lớn các vật thể năng lượng cao."

* Ngày 1/12/2014, Malaysia được chấp nhận là một thành viên đầy đủ của Nhóm điều tra chung MH17, tập trung vào điều tra hình sự vụ rơi máy bay MH17.

- Trong ngày này, các mảnh vỡ từ MH17 bắt đầu được vận chuyển bằng xe tải từ Ukraine đến Hà Lan để phục chế lại các bộ phận máy bay, phục vụ công tác điều tra.

* Ngày 18/2/2015, dự thảo nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an về tình hình ở Ukraine đã tái khẳng định yêu cầu về trách nhiệm đối với những người chịu trách nhiệm về việc bắn rơi MH17.

* Ngày 19/5/2015, nhóm điều tra quốc tế của Hội đồng An toàn Hà Lan tập trung vào việc phân tích các sự kiện chưa được chứng thực do các phương tiện truyền thông cung cấp, liên quan đến sự trì hoãn trong việc điều tra vụ tai nạn máy bay MH17.

Những cột mốc của thảm kịch máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine ảnh 2Hình ảnh phân tích mảnh vỡ máy bay MH17 của Tập đoàn Almaz-Altey mới công bố. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

* Ngày 10/7/2015, Malaysia nhận được báo cáo về cuộc điều tra thảm kịch máy bay MH17 từ các nhà chức trách Hà Lan. Chính phủ Malaysia cho biết sẽ cần khoảng 60 ngày để xem xét báo cáo kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin phản hồi để các nhà chức trách Hà Lan.

* Ngày 11/7/2015, Malaysia tổ chức lễ tưởng niệm đầu tiên cho các nạn nhân của thảm kịch MH17.

* Ngày 14/7/2015, các nước tiến hành cuộc điều tra hình sự độc lập về vụ rơi máy bay MH17 đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác liên quan đến vụ bắn rơi MH17 trên không phận Ukraine ngày 17/7/2014, làm 298 người thiệt mạng.

- Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine cũng xem xét việc thành lập một tòa án hình sự quốc tế độc lập của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, phản ánh các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, là biện pháp tốt nhất bảo đảm công lý cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ.

* Ngày 30/7/2015, Nga sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn chặn đề xuất của năm nước, do Malaysia khởi xướng, về việc lập một tòa án hình sự quốc tế để xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay MH17.

* Ngày 24/8/2015, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Liow Tiong Lai, Malaysia nộp thông tin phản hồi về báo cáo vụ tai nạn máy bay MH17 cho nhóm điều tra của Hà Lan.

*Ngày 13/10/2015, Malaysia nhận được báo cáo cuối cùng về vụ việc MH17 do một ủy ban độc lập được thành lập để điều tra thảm kịch chuẩn bị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục