Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch

Lễ hội Hoa Tam giác mạch Hà Giang 2022 sẽ khai mạc vào ngày 26/11 tới. Đến với lễ hội này, du khách không thể bỏ qua những địa danh mang vẻ đẹp đầy mê hoặc nơi miền biên viễn.
Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch

Nhiều năm trở lại đây, hoa tam giác mạch được coi là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của cao nguyên đá Đồng Văn. Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh Hà Giang đã trồng gần 400ha hoa tam giác mạch. Thời gian hoa nở sẽ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ hội. 

Một số điểm chụp ảnh với hoa tam giác mạch

Một mùa tam giác mạch nữa lại đến, Hà Giang lại tươi mới trong màu áo tam giác mạch chờ đón du khách. Trên những sườn đồi, những thửa ruộng, cạnh những con đường hay ven những ngôi nhà cũ kỹ, hàng vạn bông hoa tam giác mạch nhỏ li ti như những hạt mưa tím hiện lên ngút tầm mắt. Màu xanh của cây lá, của núi rừng hòa quyện với sắc tím phớt nhẹ của hoa tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, cho bạn cảm giác như lạc vào một câu chuyện cổ tích.

Du khách có thể chiêm ngưỡng loài hoa này ở Đồng Văn- địa điểm trồng nhiều hoa tam giác mạch nhất với diện tích khoảng 250ha. Đây là nơi tập trung nhiều cánh đồng hoa tam giác mạch chạy dọc theo quốc lộ 4C và cung đường Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú.

Tại huyện Quản Bạ, địa điểm tập trung nhiều hoa tam giác mạch là điểm dừng chân Cổng trời, điểm du lịch Thạch Sơn Thần và các điểm có diện tích đất dọc quốc lộ 4C.

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 1Những cánh đồng hoa tam giác mạch đang bước vào giai đoạn nở bông đẹp nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Huyện Yên Minh có các điểm trồng nhiều hoa là Na Khê, Lao Và Chải, Du Già, thị trấn Yên Minh.

Tại huyện Mèo Vạc, hoa tam giác mạch sẽ được trồng nhiều tại thôn Há Chí Đùa (xã Tả Lủng); khu vực xuống Bến thuyền Thủy điện Nho Quế 1 thuộc thôn Hấu Chua (xã Giàng Chu Phìn); thôn Sảng Pả A và tổ 2 (thị trấn Mèo Vạc); khu vực Tượng đài Thanh niên xung phong, khu vực trái tim đá, khu vực đối diện Trạm Y tế (xã Pải Lủng); khu vực ngã 3 Hạt 7, thôn Pả Vi Thượng, thôn Pả Vỉ Hạ và khu vực xuống Bến thuyền Thủy điện Nho Quế 1 (xã Pả Vi)...

Đừng ngần ngại xa xôi hay cái lạnh Tây Bắc. Hãy đến với Hà Giang, đến với đồi hoa tam giác mạch mộng mơ để một lần chìm đắm vào không gian "tiên cảnh".

Dốc Thẩm Mã

Dốc Thẩm Mã là một đoạn đèo có chín khúc uốn lượn cực kỳ nổi tiếng ở Hà Giang. Đây là một cung đường quen thuộc cho những người trẻ yêu thích khám phá, ưa chinh phục sự mạo hiểm và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ khi đến với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.

Được biết đến là một trong những cung đường nguy hiểm thuộc hàng bậc nhất tại miền Bắc, dốc Thẩm Mã có sức hút mạnh mẽ, luôn kích thích sự hiếu thắng, chinh phục từ giới phượt thủ hiện nay. Chính vì vậy, dốc Thẩm Mã là địa điểm check in quen thuộc, chụp một tấm ảnh nơi đây như minh chứng, đánh dấu cột mốc cho sự nỗ lực, dũng cảm, vượt mọi thử thách của du khách.

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 2Du khách từ Cần Thơ cảm thấy đây là một trải nghiệm tuyệt vời khi hoàn thành cung đường dốc Thẩm Mã. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hẻm Tu Sản, sông Nho Quế

Một địa điểm hùng vĩ khác khi đến với Hà Giang đó là hẻm Tu Sản. Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) cùng với dòng sông Nho Quế xanh ngắt như sợi chỉ len lỏi theo đường cong của con đường Hạnh Phúc. Khi ngắm nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy được một bức tranh toàn cảnh vô cùng choáng ngợp, đốn tim bất kỳ khách du lịch nào.

Đây là vực sâu với chiều cao vách đá lên tới 700-900m, chiều dài tới 1,7km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh - địa tầng - cổ môi trường, phát hiện tại khu vực của 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 3Du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế, tham quan hẻm Tu Sản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mã Pì Lèng Panaroma

Một địa điểm khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm từ khách du lịch khi đến với Hà Giang là Mã Pì Lèng Panorama -một khách sạn xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Trước đây, khu vực này cũng đã từng gây xôn xao trên cộng đồng du lịch song đã được cải tạo để hài hòa với thiên nhiên và văn hóa bản địa, trở thành điểm dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh của đông đảo du khách.

Từ Mã Pì Lèng Panaroma, du khách có thể ngắm trọn dòng sông Nho Quế xanh trong uốn lượn qua từng dãy núi, thu trọn thiên nhiên hùng vĩ trong tầm mắt. Daren Romero (du khách người Mỹ) chia sẻ rằng: ‘Thiên nhiên nơi đây thật hùng vĩ, đúng là một trải nghiệm tuyệt vời khi ngắm cảnh từ trên cao, hơn thế nữa tôi cảm thấy nổi da gà khi đi thuyền qua hẻm vực Tu Sản phía dưới kia.’

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 4Du khách Daren Romero rất thích thú khi khám phá du lịch ở Hà Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 5Hình ảnh sông Nho Quế và hẻm Tu Sản nhìn từ Mã Pì Lèng Panaroma. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Vách đá thần Hà Giang

Vách đá thần Hà Giang là thiên đường để du khách có thể chiêm ngắm toàn cảnh của đệ nhất hùng quan phía dưới; còn đối với người dân địa phương, nơi đây lại có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Trong tín ngưỡng của họ, vách đá thần là địa danh gắn liền với truyền thuyết về sự thủy chung, gắn bó son sắt của tình yêu lứa đôi.

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 6Vách đá thần Hà Giang nhìn từ xa, ẩn hiện trong mây trời. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hệt như chính tên gọi của mình, vách đá thần chỉ giản đơn là một vách đá trắng nằm ở độ cao khoảng chừng 1.700m so với mực nước biển. Vách đá này nằm ngay trên đỉnh núi Cô Tiên và trên cung đường đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng chừng 160km và cách thị trấn Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang khoảng 2km.

Đây là cung đường chỉ có thể đi vào được bằng xe máy. Tuy nhiên, trong hành trình trekking Vách Đá Thần, bạn chỉ có thể đi bằng xe máy khoảng 3km kể từ khi vào địa phận đoạn đường đèo B này mà thôi. Sau đó, du khách sẽ phải đi bộ thêm khoảng 2km nữa mới tới nơi. 

Tại giữa cung đường có thể đi bằng xe máy, nhiều du khách đã ghé qua khu vực mỏm đá tử thần - một trong những địa điểm được nhiều bạn trẻ ghé đến chụp ảnh ‘check-in’Hà Giang trong hành trình chinh phục vách đá thiêng này. 

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 7Ảnh panaroma chụp từ vách đá trắng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Khi đã lên được vách đá thần, du khách có thể dựng lều cắm trại để tận hưởng cảm giác qua đêm giữa non nước mây trời . Vào buổi sáng, bạn sẽ được đánh thức bởi tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau, những tia nắng đầu ngày dịu dàng soi rọi cả đất trời. Còn khi đêm về, bạn sẽ được ngắm nhìn cả bầu trời sao đêm rực rỡ. Tất cả mang đến cho bạn những trải nghiệm chẳng thể nào quên được.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại Hà Giang

Bên cạnh những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, du khách tới Hà Giang không thể bỏ lỡ không gian văn hóa của đồng bào dân tộc tại các làng văn hóa như làng Lô Lô Chải, Nặm Đăm, Lũng Cẩm... Tuy các bản làng nằm ở các huyện khác nhau nhưng đều có bức tranh thiên nhiên ấn tượng cùng nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Lô Lô Chải là bản làng đẹp ở Hà Giang được quy hoạch trở thành làng văn hóa du lịch của xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Từ trung tâm thị trấn Đồng Văn đến đây khoảng 25km và từ bản làng này đến cột cờ Lũng Cú chỉ 1km. Với vị trí tọa lạc dưới chân núi Rồng, bản làng này sở hữu khung cảnh đẹp như tranh. 

Bản làng này từ lâu đã là nơi sinh sống của người dân tộc Mông và Lô Lô, trong đó có đến 90% dân số là đồng bào Lô Lô đen. Vì thế khi đến đây, bạn sẽ được khám phá những nét đẹp đặc trưng như nhà trình tường lợp ngói âm dương, hàng rào đá, vách đất,… Cùng với đó là nương ngô xanh mướt, làng nghề truyền thống làm mộc, thêu...

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 8Nét đẹp đặc trưng như nhà trình tường lợp ngói âm dương, hàng rào đá, vách đất trong làng Lô Lô Chải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của nhiều du khách, khi đến Lô Lô Chải, bạn có thể kết hợp khám phá cột cờ Lũng Cú, check in cột mốc biên giới 428, 476, 426… Ngoài ra, nếu đến bản vào mùa Xuân, bạn còn có thể tham gia các lễ hội như lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới,… Việc dành thời gian tìm hiểu thêm nghề truyền thống của người Lô Lô như thêu, dệt cũng là hoạt động thú vị không thể bỏ qua.

Trong hành trình khám phá Hà Giang, một điểm cũng khó “chối từ” là thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ. Điểm đến này cách trung tâm thành phố khoảng 50km, nằm gần cổng trời Quản Bạ, dễ dàng tiếp cận khi đi theo Quốc lộ 4C về hướng Bắc. Dù còn là điểm đến khá mới lạ nhưng Nặm Đăm sở hữu cảnh đẹp làm thỏa mãn mọi du khách khi đến đây.

Tới Nặm Đăm, du khách có thể dành thời gian lang thang trên những con đường nhỏ, ngắm nhìn nhà cửa của đồng bào người Dao, thưởng thức cảnh đẹp ruộng bậc thang hay hít thở khí trời trong lành ở những đồng cỏ xanh. Mùa Xuân đến, nơi đây còn có hoa đào, hoa mận khoe sắc rực rỡ. 

Ngày nay, Nặm Đăm đã trở thành làng du lịch cộng đồng nhờ những nét văn hóa dân tộc, phong tục tập quán truyền thống được lưu lại. Đến Nặm Đăm, du khách có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về trang phục, nếp sống, những điệu hát, điệu múa,… của người Dao. Ngoài ra, bạn còn được tham quan bảo tàng văn hóa, tắm lá thuốc,… ở thôn làng này.

Những điểm 'check-in' không thể bỏ lỡ khi đến Lễ hội hoa tam giác mạch ảnh 9Vẻ đẹp bình dị của đồng bào dân tộc Mông tại Hà Giang. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Một bản làng khác mà du khách cũng nên ghé thăm khi tới mảnh đất Hà Giang là làng văn hóa Lũng Cẩm. Thôn Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, bao gồm chủ yếu là đồng bào Mông cùng một số dân tộc ít người khác như Hoa, Lô Lô... Từ bao đời nay, nó như một ốc đảo yên bình nằm trọn vẹn trong thung lũng Sủng Là tươi đẹp.

Kiến trúc nhà cửa, thôn bản, truyền thống canh tác và phong tục tập quán của cộng đồng người Mông ở thôn Lũng Cẩm tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngày nay, chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc đã và đang tiếp tục nỗ lực xây dựng Lũng Cẩm thành làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu - một điểm đến đầy thú vị và thơ mộng.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang chia sẻ rằng: “Chúng tôi thực hiện phát triển du lịch Hà Giang theo cách bền vững, không quy hoạch ồ ạt để tăng trưởng nóng. Phải làm sao giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc và cảnh quan hoang sơ.”

Đến với Hà Giang - một mảnh đất gây thương nhớ, có không ít người đã dành một tình yêu dạt dào cho mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này. Nơi có những con người chân chất và phong cảnh hùng vĩ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục